TP Móng Cái (Quảng Ninh) chủ động phòng chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản
Tổng diện tích đã được cải tạo, chuẩn bị thả giống thủy sản vụ xuân hè là 1.395ha, trong đó tôm nuôi đã thả giống được 139,5ha với lượng giống thả 111,6 triệu con tôm giống, cá nước ngọt 17,54ha với lượng giống thả 526.000 con.
Để hạn chế tình hình dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, TP Móng Cái đang phối hợp với các ngành chức năng, cơ quan chuyên môn về thủy sản kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh và tập huấn khoa học kỹ thuật, khuyến cáo người nuôi các biện pháp kỹ thuật cần thiết để phòng chống dịch bệnh.
Năm 2015, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả năm của thành phố đạt 1.835,48ha. Do có sự đầu tư mạnh mẽ trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của các doanh nghiệp và người dân nên kinh tế thủy sản trên địa bàn phát triển khá nhanh.
Đến nay, đã hình thành nhiều vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng công nghiệp với quy mô hàng trăm ha. Nghề nuôi tôm chuyển nhanh sang hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh cho năng suất cao. Mặc dù chịu ảnh hưởng của tình dịch bệnh trong tháng 6 năm 2015, nhưng tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản cả năm 2015 toàn thành phố đạt 7.369,9 tấn. Riêng sản lượng tôm nuôi đạt 1.747,9 tấn.
Ông Bùi Ngọc Liêm, khu 9, phường Hải Hoà, cho biết: Vụ nuôi xuân - hè này, gia đình tôi đã cải tạo toàn bộ 7ha ao nuôi của gia đình để nuôi tôm theo hình thức thâm canh. Đến nay, tôi đã thả được hơn 3ha. Thời gian này, tôm mới thả, còn yếu nên tôi đang tập trung chăm sóc không để xảy ra dịch bệnh.
Vừa qua, cán bộ kỹ thuật Chi cục Chăn nuôi và Thú y cùng với cán bộ của TP Móng Cái đã trực tiếp đến kiểm tra, xét nghiệm môi trường nước, tôm nuôi tại ao nuôi của gia đình và hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật để chúng tôi chủ động phòng chống dịch bệnh cho tôm. Hiện toàn bộ diện tích nuôi tôm của gia đình đều nuôi đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP. Do đó, toàn bộ quy trình nuôi tôm tại đầm nuôi của gia đình đều đảm bảo các chỉ tiêu, tiêu chí theo quy định về an toàn.
Vụ nuôi này, ông Bùi Văn Trình, ở Thôn Đông, xã Vạn Ninh đã thả nuôi được 4ha cho vụ nuôi thứ nhất trong năm. Để hạn chế rủi ro về dịch bệnh và nâng cao chất lượng tôm nuôi, những năm gần đây, bên cạnh việc mở rộng diện tích nuôi, gia đình đặc biệt quan tâm đến nuôi theo hình thức VietGAP. Theo đó, cùng với việc sử dụng thức ăn cho tôm là thức ăn rất sạch, đạt tiêu chuẩn thì vấn đề xử lý môi trường, vệ sinh ao nuôi hoàn toàn được sử dụng bằng các chế phẩm sinh học luôn được ông Trình và các hộ nuôi tôm ở xã Vạn Ninh đặc biệt quan tâm áp dụng.
Được biết, trong những năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã liên tục triển khai các mô hình nuôi tôm theo hướng VietGAP tại Móng Cái làm cơ sở để bà con nông dân học tập kinh nghiệm, mở rộng diện tích nuôi theo hướng này.
Để triển khai mô hình, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi cho người dân đang tham gia nuôi tôm chân trắng tại một số xã, phường; đánh giá các mối nguy về an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm; phương pháp ghi chép hồ sơ, nhật ký ao nuôi tôm; đồng thời cung cấp các thông tin về hiện trạng, định hướng phát triển nuôi tôm chân trắng.
Các mô hình đã hướng người dân đến một phương thức nuôi áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tuân thủ các quy trình kỹ thuật chặt chẽ từ khâu cải tạo ao, đến lựa chọn con giống, thức ăn và quy trình chăm sóc nhằm hướng tới mục tiêu nuôi an toàn cho môi trường, an toàn dịch bệnh, hạn chế sử dụng thuốc và hoá chất. Mô hình triển khai nhằm mục đích giúp bà con nuôi tôm nhận thức được về nuôi tôm bền vững, an toàn dịch bệnh.
Ông Nguyễn Danh Đức, Phó trưởng Phòng Kinh tế TP Móng Cái, cho biết: Từ đầu vụ nuôi, cùng với việc đôn đốc, hướng dẫn các hộ dân chuẩn bị ao, đầm, thả giống nuôi thủy sản vụ xuân hè, Phòng Kinh tế thành phố cũng đã chủ động phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiến hành kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm để sớm phát hiện tình hình dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, từ đó khuyến cáo, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật cho người nuôi.
Vừa qua Chi cục đã lấy 23 mẫu phẩm tôm nuôi và nhuyễn thể để xét nghiệm dịch bệnh. Kết quả, 100% mẫu đều xét nghiệm âm tính với mầm bệnh: Hoại tử gan tụy, đốm trắng, vi bào tử trên tôm nuôi và nhuyễn thể. Phòng cũng đã phối hợp với Phòng Quan trắc môi trường của Trung tâm Khoa học giống thủy sản Quảng Ninh quan trắc các chỉ số môi trường và lấy mẫu nước phân tích tại 3 xã, phường: Vạn Ninh, Bình Ngọc, Hải Hoà và hiện đang trong thời gian chờ kết quả phân tích.
Cùng với đó, thành phố đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức mở 2 lớp tập huấn về kỹ thuật phòng chống dịch bệnh thủy sản nuôi cho 60 học viên tại 2 xã, phường: Bình Ngọc, Vạn Ninh và phối hợp với Hội Nghề cá và 4 đơn vị kinh doanh vật tư thủy sản đóng trên địa bàn tổ chức 4 lớp về kỹ thuật nuôi, các sản phẩm sinh học, thú y, con giống cho 460 lượt người nuôi tôm tham gia.
Related news
Nếu tháng trước cá ngừ đại dương được các đầu nậu thu mua với giá 90.000 đồng/kg (đầu năm đạt trên 100.000 đồng/ kg) thì hiện tại giá cá chỉ còn 84.000 đồng/ kg. Giá cả bấp bênh, khiến ngư dân rất bất an.
Vừa qua, nhiều hệ thống siêu thị lớn đã có công văn gửi các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, trong đó có các doanh nghiệp thủy sản, về việc đề xuất tăng mức chiết khấu trong những hợp đồng mới.
Theo Tổng cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản tháng 4 đầu năm 2016 đạt 569 nghìn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2015. Sản lượng khai thác đạt 332,8 nghìn tấn, sản lượng nuôi trồng 236,2 nghìn tấn. Lũy kế 4 tháng, tổng sản lượng thủy sản đạt 1.840,7 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ (sản lượng khai thác tăng 3,5%, sản lượng nuôi trồng tăng 1,1%). Kim ngạch xuất khẩu tháng 4 ước đạt khoảng 500 triệu USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.