Home / Tin tức / Tin thủy sản

Tổng quan và triển vọng phát triển ngành tôm thế giới

Tổng quan và triển vọng phát triển ngành tôm thế giới
Author: Giáng Hương(tổng hợp)
Publish date: Saturday. December 24th, 2016

Nhập khẩu tôm vào thị trường EU và thị trường Đông Á tăng nhưng giảm ở Hoa Kỳ, các thương lái Trung Quốc mua trực tiếp tôm từ các trang trại ở châu Á với giá cao, trong khi nguồn tôm nguyên liệu xuất sang các thị trường truyền thống bị thiếu hụt là những nét nổi bật trong thị trường tôm thế giới 9 tháng đầu năm 2016.

Nguồn cung

Nhìn chung, nguyên liệu tôm ở các nước sản xuất chính tương đối thấp, đặc biệt là ở châu Á.

Tại Trung Quốc, nông dân thất thu do dịch bệnh hồi năm ngoái đã không tiếp tục thả tôm trong năm nay. Sản xuất đang phục hồi ở Hải Nam nhưng Trạm Giang và một số vùng khác không tốt, chất lượng con giống kém, nguyên nhân có thể do ô nhiễm môi trường.

Tại Ấn Độ, nguồn tôm nguyên liệu cũng bị thiếu hụt. Tháng 6/2016, tổng sản lượng trong nửa đầu năm thấp hơn mức trung bình ở Andhra và Tamil Nadu, hai vùng chính nuôi trồng tôm chân trắng ở Ấn Độ. Các trang trại ở Tamil Nadu đang bị ảnh hưởng bởi thời tiết nóng và bệnh (EHP, phân trắng). Thu hoạch sớm chủ yếu bao gồm các loại tôm kích cỡ nhỏ hơn (10g/pc) chủ yếu tiêu thụ trong nước với giá cao. Các nhà chế biến xuất khẩu tôm ở Andhra và Tamil Nadu đang tìm nguồn nguyên liệu từ Odissa và Tây Bengal để bổ sung, do các khu vực này sản xuất tốt hơn.

Việc thiếu tôm nguyên liệu cũng xảy ra tại miền nam Việt Nam do hạn hán và xâm nhập mặn cũng như là bệnh EHP và bệnh phân trắng. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng tôm tại các tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn như Cà Mau, Kiên Giang, Trà Vinh và Bến Tre đều thấp, tình hình chưa có dấu hiệu khả quan trong tương lai gần. Từ tháng 5 và 6, các thương nhân Trung Quốc đã hoạt động mạnh ở Đông Nam Á, thu mua trực tiếp tôm từ nông dân Việt Nam và Thái Lan với giá cao. Việc này dẫn đến ngành xuất khẩu tôm đang đối mặt với thiếu nguyên liệu.

Tuy nhiên, ngành sản xuất tôm ở Indonesia có dấu hiệu phục hồi trong năm nay. Các nông dân nuôi tôm thẻ chân trắng báo cáo đạt sản lượng cao ở các vùng nuôi tôm mới.

Ecudor cũng có dấu hiệu phục hồi sản lượng tôm trong quý 1/2016. Tuy nhiên, sản lượng bắt đầu giảm kể từ sau động đất tháng 4.

Nhập khẩu

Xu hướng giảm giá trên thị trường thế giới kéo dài đến tháng 3 và 4/2016 đã thúc đẩy nhập khẩu tôm. Nhập khẩu tôm vào Nhật và EU tăng so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, nhập khẩu tôm vào thị trường lại giảm mạnh do dự trữ trong nước lớn, chủ yếu do nhu cầu thấp vào mùa đông và cuối năm.

Ở nhiều thị trường Đông Á, nhập khẩu tăng do nhu cầu trong dịp Năm mới tháng 1 và 2 lớn. Bên cạnh đó, sản lượng tôm giảm ở Trung Quốc và Đông Nam Á trong giại đoạn này.

Ecuador giao dịch trực tiếp với thị trường Trung Quốc tăng lên sau khi nước này lập văn phòng thương mại tại Trung Quốc năm ngoái. Đặc biệt, Việt Nam nhập khẩu một lượng lớn tôm từ Ecuador và tái xuất sang Trung Quốc mà không qua chế biến.

Xuất khẩu

Trong quý I/2016, 5 nước xuất khẩu tôm lớn nhất gồm có Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc và Argentina. Xuất khẩu từ Ecuador giảm 1% so với cùng kỳ năm trước (tương đường gần 80,000 tấn), Ấn Độ giảm 4% (71,700 tấn) và Trung Quốc giảm 4% (36,800 tấn.

Tại Thái Lan, sản xuất thủy sản tăng trong quý I, xuất khẩu theo đó cũng hồi phục đạt khoảng 42,000 (tăng 20%).

Xuất khẩu từ Argentina tăng mạnh 72% đạt 34,100 tấn. Số liệu thống kê sơ bộ tại Indonesia ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu tôm lớn trong giai đoạn này.

Thị trường Nhật

Giá tôm thấp đã dẫn đến tiêu thụ tôm tăng ở Nhật trong năm nay. Trong dịp lễ hội mùa xuân hồi tháng 4 và 5 nhu cầu bán lẻ tăng. Nhập khẩu tôm vào Nhật tăng trong quý I, tăng 12.3%. Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ là những nhà cung cấp tôm chính cho thị trường này.

Nhật nhập khẩu chủ yếu tôm đông lạnh sống, (gồm sản phẩm tôm nguyên con, tôm nobashi còn đuôi và tôm lột vỏ) tăng 17%.

Thị trường Hoa Kỳ

Năm 2016 bắt đầu với những lo ngại về nhu cầu tôm thấp do dự trữ tôm cao. Để ổn định thị trường bán buôn, tôm ở hầu hết các kích cỡ được cung cấp với giá thấp trong tháng 3, các nhà nhập khẩu cũng đã cắt giảm giá.

Xu hướng nhập khẩu yếu tiếp tục trong tháng 4. Cung cấp từ Indonesia, Ecuador và Ấn Độ đều yếu nhưng nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam, Mexico tăng.

Thị trường EU

Nhập khẩu tôm vào thị trường EU tăng gần 2% trong quý I/2016. Nhập khẩu tôm vào thị trường EU chủ yếu từ các nước không phải thành viên EU, chiếm gần 74%.

Thị trường nhập khẩu lớn nhất gồm Tây Ban Nha (29,800 tấn), Pháp (25,200 tấn), Đan Mạch (21,899 tấn), Anh (18,500 tấn) và Hà Lan (16,400 tấn). So với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu giảm 6.3% tại Tây Ban Nha, 3% ở Pháp nhưng tăng 12% ở Đan Mạch và Anh, tăng 3% ở Hà Lan. Một phần nhập khẩu vào Đan Mạch và Hà Lan được tái xuất sang các nước châu Âu khác. Nhập khẩu tại các nước Italy, Đức, Bồ Đào Nha, Thụy Sỹ và Hy Lạp cũng ghi nhận tăng.

Thị trường châu Á và các thị trường khác

Các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan và Singapore là các thị trường nhập khẩu chính ở châu Á. Nhập khẩu đều tăng tại các thị trường này.

Trung Quốc, mặc dù xuất khẩu giảm 4% nhưng nhập khẩu tăng tới 125% lên mức 31,100 tấn trong quý I/2016. Các nước cung cấp chính gồm Argentina (tăng 500%), Canada (tăng 75%), Ecuador (tăng 390%), Thái Lan (tăng 37%) và Ấn Độ (tăng 41%), tăng trưởng xuất khẩu vào Trung Quốc lớn chủ yếu do nhu cầu cao trong dịp lễ hội Năm mới. Nhập khẩu của Trung Quốc từ Việt Nam và Myanmar qua đường biên giới cũng tăng cao.

Trong khi đó, Việt Nam hiện là nước nhập khẩu tôm lớn nhất ở châu Á. Nhập khẩu từ 5 nước trong đó có Ecuador và Ấn Độ đã đạt 50,000 tấn trong 3 tháng đầu năm 2016, mặc dù nhập khẩu từ 2 nước Ecuador và Ấn Độ giảm so với năm trước.

Triển vọng phát triển ngành tôm thế giới

Các chuyên gia thủy sản tại Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA) đều lạc quan ngành tôm sẽ phục hồi rõ rệt trong năm 2016 – 2017 với sức tăng trưởng 7%/năm, sản lượng ước tính 4,8 triệu tấn vào năm 2017.

Châu Á

Sản lượng tôm nuôi trồng ở châu Á dự kiến thấp do các vấn đề về dịch bệnh ở Trung Quốc, hạn hán ở Đông Nam Á và gió mùa đến muộn ở một số vùng khác.

Mặc dù sản lượng tôm của Thái Lan dự kiến có thể đạt từ 270,000 tấn đến 300,000 tấn trong năm 2016, song nhu cầu tăng, đặc biệt là ở Trung Quốc sẽ khiến lượng cung sang thị trường các nước phát triển truyền thống bị ít đi.

Trung Quốc sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường thế giới và giá thị trường nếu sản lượng sản xuất trong nước không tăng. Thị trường này tiếp tục phụ thuộc vào nguồn cung từ Ấn Độ và Việt Nam, trong khi nguồn cung từ 2 nước này hiện tại chưa có nhiều dấu hiệu khả quan.

Năm 2017, Indonesia là quốc gia có ngành tôm được kỳ vọng nhiều nhất về mức độ gia tăng sản lượng lên 850.000 tấn, tỷ lệ tăng trưởng 24% trong giai đoạn 2013 – 2017. Ngoài ra, ngành tôm Ấn Độ cũng ghi nhận dự báo khả quan vào năm 2017 khi sản lượng tăng từ 290.000 tấn (2013) lên 430.000 tấn (2017). Lượng tôm nuôi thu hoạch tại Việt Nam năm 2014 ở mức cao 669.000 tấn nhưng ngành tôm năm 2015 cũng gặp khó do dịch bệnh và giá tôm thế giới lao dốc. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo ngành tôm Việt Nam sẽ phục hồi vào năm 2017.

Trong những tháng còn lại xu hướng sản lượng thấp, nhu cầu cao ở châu Á khiến giá tăng vẫn đang là xu hướng chính của thị trường.

Mỹ Latinh

Tại Mỹ Latinh, Mexico là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh EMS vào năm 2013. Theo GAA, sản lượng tôm nuôi của Mexico đã suy giảm từ 100.000 tấn năm 2013 xuống 52.000 tấn năm 2013. Năm 2014, sản lượng tôm phục hồi nhẹ và kỳ vọng năm 2017 sẽ quay về mốc cũ 100.000 tấn.

Costa Rica và Colombia là những quốc gia có ngành tôm được kỳ vọng tăng trưởng cao trong tương lai gần. Đáng chú ý nhất là ngành tôm Ecuador được dự báo sẽ tăng sản lượng từ 300.000 tấn (năm 2013) lên 370.000 tấn (năm 2017). Hiện, Ecuador đang nhắm tới thị trường châu Á và châu Âu do lượng hàng xuất khẩu sang Đông Nam Á đang giảm dần. Sản lượng tôm Brazil năm 2017 dự kiến đạt 85.000 tấn, trong đó, Honduras, Nicaragua và Venezuela chỉ đạt con số khiêm tốn 30.000 tấn. Theo số liệu của FAO, sản lượng tôm của Honduras năm 2013 xấp xỉ 50.000 tấn nhưng giảm mạnh trong năm 2014 do hạn hán kéo dài. Nhìn chung, sản lượng tôm Mỹ Latinh tăng trưởng 5,5%/năm trong giai đoạn 2013 – 2017.

Xu hướng tiêu dùng sản phẩm tôm

Theo khảo sát của tổ chức Dự báo toàn cầu về nuôi trồng thủy sản của các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới (GOAL)về đánh giá chủng loại sản phẩm và kích cỡ có xu hướng được thị trường ưa chuộng nhất, gần đây lượng tôm he tiêu thụ tại châu Á tăng cao, chủ yếu dưới dạng sản phẩm giá trị gia tăng như tôm chín tẩm bột. Trong khi, tôm he không đầu hay bỏ đầu chỉ chiếm 25% sản lượng. Sự thay đổi này phần lớn do tác động từ thói quen tiêu dùng của thị trường Trung Quốc khi đồng loạt chuyển sang tiêu thụ tôm he đã qua chế biến.

Ngành tôm châu Mỹ Latinh cũng đang dần chuyển hướng sang tôm he. Tôm nguyên đầu đang trở thành sản phẩm chiếm lĩnh thị trường. Mặt hàng này chiếm 53% tổng sản lượng tôm năm 2007 giảm xuống còn 24% năm 2014 do một lượng lớn mặt hàng tôm Ecuador được vận chuyển sang thị trường châu Á.

Thị trường châu Á cũng dần chuyển hướng tiêu dùng các sản phẩm tôm cỡ nhỏ (dưới 51 – 60 con/kg) từ năm 2010 do giá tôm cỡ nhỏ và tôm cỡ lớn chênh lệch nhau. Việc thu hoạch tôm sớm do dịch bệnh EMS và các nhân tố khác cũng là nguyên nhân cho xu hướng tiêu dùng này.

Ảnh hưởng của dịch bệnh

Dịch bệnh tiếp tục được cảnh báo là thách thức lớn nhất với ngành tôm.Ngoài ra,một số vấn đề được quan tâmnhư chất lượng và nguồn cung tôm giống, tôm bố mẹ sạch bệnh, giá tôm trên thị trường quốc tế và chi phí thức ăn.

Nhận thức về dịch bệnh cũng đã thay đổi đáng kể trong 8 năm trở lại đây. Theo khảo sát của Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu GAA, năm 2007, dịch bệnh không phải là một trong ba thách thức lớn với ngành tôm châu Á và Mỹ Latinh vì những nhà sản xuất chỉ quan tâm tới chi phí thức ăn, giá cả thị trường và rào cản thương mại. Chỉ khi dịch bệnh EMS phá hủy ngành tôm ở nhiều quốc gia, họ mới thay đổi cách nhìn nhận về mối nguy hại này.

Tuy vậy, các nhà sản xuất tôm tại châu Á và Mỹ Latinh đều chung nhận định các yếu tố kinh tế sẽ duy trì ổn định trong năm 2016 và kỳ vọng thị trường tôm toàn cầu sẽ được củng cố mạnh hơn trong năm nay.


Related news

Gian nan dịch bệnh thủy sản Gian nan dịch bệnh thủy sản

Nuôi trồng thủy sản ngày một phát triển về sản lượng và diện tích. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất và dai dẳng của lĩnh vực này đến nay vẫn là vấn đề dịch bệnh

Saturday. December 24th, 2016
Thái Nguyên: Phòng tránh rét cho thủy sản trong mùa đông Thái Nguyên: Phòng tránh rét cho thủy sản trong mùa đông

Để giảm thiểu thiệt hại cho nuôi trồng thủy sản, bảo đảm đủ nguồn cung cấp thực phẩm cho thị trường, người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Saturday. December 24th, 2016
Thách thức dịch bệnh tôm ở Thái Lan Thách thức dịch bệnh tôm ở Thái Lan

Hãy cùng theo dõi cách ngăn chặn, kiểm soát và giảm thiểu tác hại dịch bệnh cho ngành tôm tại Thái Lan.

Saturday. December 24th, 2016