Home / Tin tức / Tin thủy sản

Tôm khỏe, người nuôi tôm khỏe

Tôm khỏe, người nuôi tôm khỏe
Author: Nguyễn An
Publish date: Friday. November 8th, 2019

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các nhà khoa học đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để nuôi tôm khỏe. Đây được xem là yếu tố quan trọng để ngành tôm mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm tôm.

Tuân thủ đúng nguyên tắc, nuôi tôm sẽ thành công - Ảnh: ST

Nuôi tôm ngày càng khó?

Dịch bệnh trên tôm diễn biến nhanh và ngày càng phức tạp. Sản lượng tôm nuôi trên thế giới đã bị tác động tiêu cực bởi một số bệnh do virus, vi khuẩn và ký sinh trùng gây ra kể từ khi bắt đầu vài thập kỷ trước, và nghiêm trọng hơn trong hai thập kỷ qua. Các bệnh gần đây bao gồm hoại tử gan cấp tính (AHPND) hoặc hội chứng tử vong sớm (EMS), vi bào tử trùng (EHP). Ở nước ta hiện nay, nhiều diện tích nuôi đang bùng phát EHP và tình hình có chiều hướng gia tăng. Theo phản ánh của một số địa phương như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Quảng Nam và Khánh Hòa, kết quả phân tích mẫu bệnh trên tôm giống trong tháng 7 và 8/2019 đã phát hiện tỷ lệ nhiễm bệnh EHP khá cao (trên 11% số mẫu phân tích). Bệnh phân trắng cũng bùng phát mạnh tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Kể từ khi phải hứng chịu những thiệt hại của dịch bệnh gây ra, người nuôi đã ứng dụng nhiều biện pháp để phòng và xử lý bệnh. Tuy nhiên, hầu hết các phương pháp đều mang tính tự phát, đôi khi không có cơ sở khoa học. Giải pháp đầu tiên sử dụng các loại kháng sinh. Các chất kháng sinh rất hiệu quả trong việc quản lý sức khỏe động vật thủy sản, nhưng chúng cũng chỉ là một công cụ, không phải là thần dược và không tốt cho sức khỏe con người và vật nuôi. Iain Shone, Giám đốc phát triển của GAA cho biết, tính kháng vi khuẩn (AMR) đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng trên thế giới và nuôi tôm có vai trò lớn giúp giải quyết vấn đề này như thế nào?

Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, mặc dù trong môi trường luôn thường trực những yếu tố gây bệnh như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng nhưng việc phát sinh bệnh hay không lại phụ thuộc rất lớn vào sức khỏe tôm, môi trường sống (như các yếu tố thủy lý hóa của nguồn nước, thời tiết, các chất độc trong nước, các loại vi sinh vật có ích...). Khi sức khỏe của tôm yếu, sức đề kháng kém thì mầm bệnh dễ dàng tấn công và gây bệnh. Các loại vi khuẩn, virus nhanh chóng phát triển trên những con tôm bệnh (vật chủ). Tôm khỏe ăn những con tôm chết do bệnh. Và đây chính là nguồn lây cho chúng. Sự lây nhiễm này tăng theo cấp số nhân, do đó tốc độ lây lan và bùng phát bệnh rất nhanh. Vì vậy, sức khỏe tôm được xem là yếu tố quyết định thành bại của vụ nuôi. 

Con giống

Chất lượng con giống không tốt là một trong những nguyên nhân gây dịch bệnh trên tôm. Cũng theo Iain Shone, gen di truyền là động lực lớn nhất tạo nên tăng trưởng trong nuôi tôm. Ông nói thêm rằng các nhà sản xuất đã học được rất nhiều từ mô hình chăn nuôi gia cầm, trong đó có các cải tiến về gen đã ứng dụng từ những năm 1940. Điển hình là cách mà các trại giống tôm ở Ecuador đã ngăn chặn dịch bệnh. Trong khi hầu hết các nhà sản xuất trên toàn cầu đều sử dụng tôm bố mẹ sạch bệnh SPF với 20 mầm bệnh đã biết, thì Ecuador sử dụng rộng rãi tôm bố mẹ kháng mầm bệnh cụ thể (SPR) còn được gọi là APE, hoặc kháng tất cả mầm bệnh tiếp xúc. Nhờ sự thay đổi này, Ecuador đã phát triển các đàn tôm có khả năng kháng các bệnh như virus đốm trắng và EMS.

Ở nước ta, hiện nay mới chỉ có giống tôm sạch bệnh phục vụ nuôi công nghiệp, chưa có con giống kháng bệnh phục vụ cho nuôi quảng canh. Bên cạnh đó, người nuôi vẫn còn thiếu thông tin về vấn đề chất lượng giống khi cho rằng giống nào cũng là giống và cách chọn giống an toàn lại là chọn con giống giá rẻ, không rõ nguồn gốc. Bởi vậy, tỷ lệ dịch bệnh vẫn còn cao. Một trong các phương pháp chính để tránh đưa vào một số mầm bệnh nhất định là mua được tôm post từ các nguồn cung cấp tôm sạch bệnh (SPF) đã được chứng nhận. Mặc dù cách này không loại bỏ hết tất cả mầm bệnh tiềm tàng trong phạm vi nguồn cung, nhưng sẽ giúp giảm thiểu rủi ro của các mầm bệnh chính trên tôm. Tuy nhiên, chỉ có một vài loài tôm hiện nay được bán theo cách này. Vì vậy, nhiều nhà sản xuất đã và đang thiết lập tại chỗ các cơ sở sản xuất tôm bố mẹ hoặc cho sinh sản để cung cấp giống cho các cơ sở nuôi.

Môi trường

Theo các chuyên gia, để nuôi tôm thành công cần duy trì hàng loạt chỉ tiêu chất lượng nước trong ngưỡng cho phép. Chỉ cần một trong số những chỉ tiêu vượt khỏi ngưỡng thì tôm sẽ bị ảnh hưởng, chậm lớn, giảm sức đề kháng, dễ nhiễm bệnh và chết. Vì vậy, trước hết cần đảm bảo một nguồn nước cấp được áp dụng công nghệ hiện đại (lọc cơ học, xử lý hóa chất, lọc tia cực tím, ozon hóa…) và quá trình nuôi được đảm bảo chất lượng để tôm sinh trưởng, phát triển. Những năm qua, việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường trong quá trình nuôi đã mang lại những hiệu quả đáng kể. Các chế phẩm sinh học có một vai trò cực kỳ quan trọng để phân hủy các chất hữu cơ và tác động làm giảm đáng kể lớp bùn và nhớt trong ao. Kết quả là cải thiện chất lượng nước, giảm lớp bùn đáy, giảm tỷ lệ mắc bệnh, tăng số lượng vi sinh vật phù du, giảm mùi hôi và kết quả là tăng năng suất, sản lượng nuôi. Khi chất lượng nước và hệ số chuyển đổi thức ăn được cải thiện, sức khỏe và hệ miễn dịch của tôm nuôi sẽ tăng lên đáng kể. 

Dinh dưỡng

Muốn tôm nuôi lớn nhanh và khỏe mạnh, ngoài việc quản lý môi trường ao nuôi tốt, không thể thiếu thức ăn bổ sung cho tôm. Thức ăn bổ sung là một chất tinh khiết hoặc hỗn hợp các chất được chủ ý thêm vào thức ăn và sử dụng một hay nhiều chức năng đặc biệt khác nhau; bao gồm tất cả các hợp chất có dinh dưỡng hoặc không dinh dưỡng, trơ hoặc hoạt tính, tự nhiên hoặc hóa học tổng hợp. Các thức ăn bổ sung chính được sử dụng trong dinh dưỡng nuôi tôm theo truyền thống bao gồm: kháng sinh, chế phẩm sinh học, các chất dinh dưỡng, bột màu, enzyme, các chất bảo quản, chất chống ôxy hóa, chất dẫn dụ và chất kích thích thèm ăn. Nguyên nhân chính cho việc tìm kiếm các loại thức ăn bổ sung cần thiết đối với sản xuất nuôi trồng thủy sản là để thúc đẩy các điều kiện cho sự phát triển tối ưu, (có nghĩa là để có được sự tăng trưởng tốt hơn trong thời gian ngắn hơn). Tuy nhiên, để có hiệu quả dinh dưỡng tối ưu, cần phải điều chỉnh phương pháp ứng dụng và xem xét đặc tính của các chất bổ sung được sử dụng. Đối với tôm giống, các nhà sản xuất đang tìm giải pháp cho trại giống vốn phụ thuộc vào thức ăn sống như tảo và Artemia, vì các thức ăn sống này thường là các vectơ gây bệnh. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, sự thay thế thức ăn sống của các trại giống sẽ diễn ra trong những năm tới.    

Mới đây, một nghiên cứu của Trung tâm Xử lý chất thải phóng xạ và Môi trường, Viện Công nghệ xạ hiếm với dung dịch đất hiếm ứng dụng cho tôm đã mang lại hiệu quả. So sánh với cách nuôi thông thường, ao có dung dịch đất hiếm giúp tôm sinh trưởng nhanh hơn, màu sắc đẹp, vỏ sáng bóng, thịt săn chắc, trọng lượng tương đương so với tôm 3 tháng tuổi.


Related news

Xây dựng đế chế triệu USD từ Artemia tại Ấn Độ Xây dựng đế chế triệu USD từ Artemia tại Ấn Độ

Nhiều năm qua, các trại giống quanh vùng Kakinada, bang Andhra Pradesh thuộc Ấn Độ phất lên rất nhanh nhờ sản xuất ấu trùng Artemia.

Friday. November 8th, 2019
Gia tăng vi khuẩn vùng nuôi thủy sản Gia tăng vi khuẩn vùng nuôi thủy sản

Đó là kết quả quan trắc môi trường nước tại vùng nuôi tôm nước lợ, tôm hùm và cá biển tại Phú Yên.

Friday. November 8th, 2019
Sản xuất giống rươi nhân tạo thành công - Một mũi tên trúng bốn đích Sản xuất giống rươi nhân tạo thành công - Một mũi tên trúng bốn đích

Việc nuôi rươi phần nào đã chủ động được nhờ thành công trong sản xuất giống nhân tạo, mở ra cơ hội phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp mang lại hiệu quả cao

Friday. November 8th, 2019