Tôm gai - loài mang và lây nhiễm bệnh WSSV cho tôm nuôi
Một nghiên cứu mới đây của Trương Thị Mỹ Hạnh và cộng sự đăng trên Tạp chí Khoa học - Công nghệ Thủy sản số 2/2018 đã cho thấy tôm gai là vector mang WSSV và là nguồn lây nhiễm WSSV cho tôm nuôi trong ao.
Vi rút đốm trắng (White Spot Syndrome Virus - WSSV), là tác nhân gây ra bệnh đốm trắng ở tôm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề nuôi tôm trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Tại Việt Nam, WSSV lần đầu tiên gây ra tình trạng tôm nuôi chết hàng loạt ở Bà Rịa - Vũng Tàu (1993) và nhanh chóng lan rộng ra nhiều tỉnh thành trải dài từ Quảng Ninh đến Cà Mau. Năm 2017 bệnh đã xuất hiện tại 281 xã, 84 huyện thuộc 26 tỉnh, thành phố trong cả nước với tổng diện tích nuôi tôm bị bệnh là 5.020 hecta. Đến nay vẫn chưa khống chế và chủ động kiểm soát được dịch bệnh sau 25 năm (1993-2018) kể từ khi bệnh đốm trắng xuất hiện, bởi khả năng lây nhiễm vi rút phức tạp cả chiều ngang (thông qua môi trường nước, thức ăn…) và chiều dọc từ tôm bố mẹ truyền sang tôm con, hơn nữa, vi rút có phổ ký chủ rộng từ các loài thuộc giáp xác (cua, Artemia, Copepod…), chân chèo đến các động vật chân đốt khác.
Hiện nay, việc kiểm soát WSSV lây truyền theo chiều dọc đã được thực hiện tốt ở các trang trại sản xuất tôm giống trên thế giới cũng như ở Việt Nam thông qua kiểm dịch tôm bố mẹ trước khi cho sinh sản. Tôm bị bệnh đốm trắng xuất hiện ở hộ nuôi chủ yếu do nhiễm bệnh theo chiều ngang, trong đó véc tơ lan truyền bệnh/vật mang đã được đánh giá có vai trò ảnh hưởng quan trọng.
Nghiên cứu đầu tiên vào năm 1999 đã chỉ ra 3 loài tôm (tôm he - Penaeus indicus, tôm rảo - Etapenaeus ensis, tôm bạc - Metapenaeus lysianassa) ở rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau nhiễm WSSV. Vấn đề này được đề cập đến vào năm 2010 (Macrobrachium rosenbergii (tôm càng xanh nước ngọt) nhiễm WSSV, năm 2017 (giun cát (Perinereis sp), cáy đỏ (Uca sp) và tôm càng (M. nipponense) nhiễm và lan truyền WSSV cho tôm nuôi. Trong khi đó trên thế giới đã công bố trên 150 loài . Như vậy, việc nghiên cứu tìm ra thêm các loài sinh vật mang hay véc tơ truyền WSSV là rất quan trọng và đặc biệt cần thiết ở Việt Nam.
Tôm gai là loài giáp xác phổ biến ở bãi ven cửa sông, nơi nguồn nước cấp cho vùng nuôi tôm tại Nghệ An, Nam Định và Quảng Ninh. Mục đích của nghiên cứu nhằm xác định tôm gai có phải là vector lan truyền bệnh đốm trắng ở tôm hay không. Nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định, nhận biết thêm loài mang WSSV và là cơ sở để kiểm soát mối nguy sinh học tiềm ẩn gây bệnh cho tôm nuôi qua phương thức lây truyền bệnh theo chiều ngang.
Mô tả hình thái học của tôm gai. Ảnh từ nghiên cứu.
Mô tả hình thái học và định danh tôm gai bằng sinh học phân tử: ADN tôm gai được nhận dạng giống tôm Exopalaemon carinicauda (100%) với cặp mồi COI.
Kết quả gây nhiễm cho thấy, tỷ lệ tích lũy tôm gai nhiễm WSSV là 100% sau 22 ngày theo dõi thí nghiệm. Tôm gai dương tính với WSSV (virus đã nhân lên trong tế bào tôm gai) không có biểu hiện bất thường về màu sắc, chúng vẫn bắt mồi, hoạt động bình thường, phản xạ nhanh (khi gõ tay vào thành bể, tôm nhảy lên mặt nước), cơ thể sáng màu, đường ruột đầy thức ăn.
Trong điều kiện thí nghiệm tôm gai E. carinicauda nhiễm WSSV và WSSV lan truyền từ E. carinicauda sang tôm thẻ sau 5 ngày khi được nuôi trong cùng điều kiện môi trường. Đây là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam chỉ ra tôm gai, loài giáp xác mang và lan truyền WSSV sang tôm thẻ nuôi hay nói cách khác tôm gai là véc tơ lan truyền bệnh tác nhân WSSV lên tôm thẻ nuôi trong cùng môi trường nuôi nhốt.
Trong quá trình nuôi tôm, đặc biệt nuôi thâm canh việc xuất hiện loài tôm khác ngoài tôm thẻ nuôi là điều tất cả các hộ nuôi không mong muốn do chúng cạnh tranh thức ăn của tôm nuôi, là mối nguy lan truyền bệnh do virus, vi khuẩn. Loài tôm gai xuất hiện trong ao nuôi thường do hộ nuôi chưa nghiêm túc trong việc thực hiện lưới lọc trong quá trình lấy nước vào ao nuôi, do đó trứng và tôm gai con theo đó vào ao, hoặc trước khi nuôi vụ mới hộ nuôi chưa thực hiện nghiêm túc việc cải tạo ao nuôi (nền đáy, bờ bao quanh ao). Một số đặc điểm cơ bản hình thái học của E. carinicauda cần được mô tả và thông tin rộng rãi đến người nuôi/hộ nuôi là cần thiết, là cơ sở để giúp hộ nuôi nhận biết quản lý hạn chế sự xuất hiện của chúng trong ao nuôi.
Related news
Với mô hình bioflocs sử dụng men vi sinh liên tục trong thời gian nuôi tôm thì cần lưu ý phải xử lý nguồn nước cấp thật kỹ bằng Chloramine-T trước khi cấy men
Miền Trung đang mùa mưa lũ, là giai đoạn có nguy cơ cao về thay đổi môi trường, bùng phát dịch bệnh gây thiệt hại trên thủy sản nuôi.
Sau khi giảm mạnh trong tháng 8 và tháng 9 do Covid-19, xuất khẩu thủy sản tháng 10 đã hồi phục rõ rệt và hứa hẹn tăng trưởng tốt trong cuối năm.