Tôm càng xanh xen canh lúa hiệu quả cao
Hàng chục hộ dân ở ấp 9, xã Khánh Thuận, huyện U Minh (Cà Mau) được hỗ trợ thực hiện dự án “Nuôi tôm càng xanh xen canh trong ruộng lúa” với diện tích 50ha.
Tôm càng xanh xen canh trong ruộng lúa mang lại hiệu quả khá cao
Qua tổng kết cho thấy mô hình đạt hiệu quả khá cao, năng suất đạt trung bình từ 200 – 250kg/ha, lợi nhuận từ 30 – 50 triệu đồng/ha.
Phát huy những hiệu quả đó, cộng với những kinh nghiệm đúc kết được sau vụ nuôi, năm 2017 này, người dân đã mạnh dạn phát triển nhân rộng mô hình, bước đầu đạt được những kết quả hết sức khả quan.
Anh Nguyễn Văn Bằng là một trong những chủ hộ được Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau hỗ trợ thực hiện dự án năm 2016. Do được hỗ trợ con giống và kỹ thuật nên sau khi kết thúc mùa vụ anh còn lãi hơn 40 triệu đồng.
Nhận thấy mô hình đạt hiệu quả nên năm nay với diện tích đất 6ha của gia đình, anh đã mạnh dạn thả nuôi 90.000 con tôm càng xanh toàn đực, đồng thời tranh thủ thời tiết thuận lợi cấy lắp vụ lúa trên đất nuôi tôm. Nhờ áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật cũng như đúc kết được những kinh nghiệm từ vụ mùa trước nên hiện tại tôm và lúa phát triển khá tốt. Dù mới thả nuôi gần 3 tháng tôm đã đạt trọng lượng khoảng 100 con/kg.
Anh Bằng phấn khởi chia sẻ: “Tôi thấy mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa mang lại hiệu quả khá cao nên năm nay mạnh dạn thả nuôi. Nhờ thời tiết thuận lợi nên tôm - lúa đang phát triển tốt. Tuy nhiên để con tôm đạt năng suất cao thì mình phải bổ sung thêm thức ăn cho chúng. Tôi đã chuẩn bị sẵn hai bờ khoai mì để làm thức ăn cho tôm, nếu chưa đủ tôi sẽ bổ sung thêm lúa ngâm, gạo lứt, nhằm giúp tôm phát triển một cách tốt nhất”.
Cũng là một trong những hộ tham gia thực hiện mô hình ở ấp 9, xã Khánh Thuận, những ngày này gia đình anh Phạm Văn Liêm đang tất bật cấy lắp vụ lúa trên đất thả nuôi tôm càng xanh. Bởi theo anh Liêm, lúa đóng vai trò rất quan trọng trong nuôi tôm, lúa vừa tạo ra nguồn thức ăn chính cho tôm, lại vừa là nơi trú ngụ cho tôm nên bằng mọi cách anh phải cấy lắp vụ toàn bộ 6ha. Trên diện tích này năm rồi anh thả nuôi 60 ngàn con tôm giống, sau khi thu hoạch còn lãi hơn 70 triệu đồng. Năm nay anh mạnh dạn thả nuôi 90 ngàn con tôm càng xanh toàn đực.
Anh Liêm phấn khởi chia sẻ: “Tôm càng xanh xen canh trong ruộng lúa mang lại hiệu quả khá cao, năm nay nhờ thời tiết ủng hộ nên lúa tốt, tôm cũng phát triển, nếu thời tiết tiếp tục thuận lợi năng suất sẽ cao hơn năm rồi. Tôm hiện đạt trọng lượng khoảng 80 con/kg, sẽ cho thu hoạch trước tết”.
Không chỉ có anh Bằng, anh Liêm, từ hiệu quả của vụ mùa trước nên năm nay người dân trong ấp và các ấp lân cận của xã cũng mạnh dạn đầu tư thực hiện mô hình. Theo báo cáo của xã Khánh Thuận, đến thời điểm này người dân trên địa bàn đã phát triển được hơn 150ha tôm càng xanh xen canh trong ruộng lúa. Trong đó, ấp 9 có 128ha, hầu hết các diện tích tôm nuôi đều phát triển tốt.
Chị Nguyễn Thị Mận, Chi hội trưởng nông dân ấp 9 cho biết: "Năm 2016 được Sở KH-CN chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, bà con đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong vụ nuôi nên năm nay làm rất bài bản, hứa hẹn sẽ cho mùa bội thu”.
Với những kiến thức và kinh nghiệm có được, cộng với thời tiết thuận lợi, tin rằng vụ tôm càng xanh xen canh trong ruộng lúa sẽ tiếp tục thắng lợi, giúp người dân tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo ở địa phương.
Related news
Mực nước lũ ở khu vực ĐBSCL những năm gần đây luôn ở mức thấp, không đủ để tràn đồng, ảnh hưởng không nhỏ đến nghề nuôi tôm càng xanh của bà con nơi đây.
Mô hình nuôi tôm càng xanh trong ao tôm sú giúp người nuôi thủy sản đa dạng hóa đối tượng vật nuôi, cắt được mầm bệnh trong ao tôm sú, giảm rủi ro
Ương tôm càng xanh trong ao nổi lót bạt, điều chỉnh độ lợ của nước là cách giúp bà con nông dân có năng suất thu hoạch cao.