Tôm càng xanh: Hiểu để thành công
Đây là mô hình có những đặc tính nổi trội như giá trị kinh tế cao, thị trường ổn định, rủi ro thấp, phù hợp với nhiều hình thức nuôi kết hợp. Sau đây là một số đặc điểm sinh thái và nhu cầu dinh dưỡng tiêu biểu của tôm càng xanh, giúp bà con hiểu rõ hơn, từ đó quản lý tốt hơn đối tượng nuôi này.
Mô hình nuôi tôm càng xanh hiệu quả của khách hàng Skretting. Ảnh: SK
Đặc điểm sinh thái
Nhiệt độ là nhân tố quan trọng tác động đến sự sinh trưởng của tôm càng xanh. Chúng có thể thích nghi với nhiệt độ trong khoảng 20 - 340C, tốt nhất là từ 26 - 310C, vượt ngoài ngưỡng nhiệt độ này tôm bị rối loạn sinh lý, bỏ ăn dẫn đến phát triển chậm và lột xác kém.
Mức pH dao động 6.5 - 8.5 là thích hợp nhất cho tôm càng xanh. Các biểu hiện như nổi đầu, tấp mé, đổi màu, lở loét, tôm di chuyển chậm chạp và chết dần sau đó là dấu hiệu của độ pH quá thấp. Theo các hộ nuôi thành công ở Kiên Giang, độ pH dao động trong khoảng 7 - 8 giúp tôm phát triển tốt, cho màu sắc tôm đẹp, vỏ bóng. Còn ở khu vực Đồng Tháp, nhiều hộ nuôi lâu năm chia sẻ, độ pH cho tôm nuôi ở khu vực này thông thường không quá mức 6. Đặc biệt hơn, vào mùa nước nổi, pH có lúc giảm xuống mức 5.5 - 6 nhưng tôm vẫn phát triển bình thường.
Bên cạnh đó, nồng độ ôxy hòa tan nên được được duy trì ở mức 3 mg/l, dưới mức này tôm phản xạ chậm chạp, tập trung ven bờ, nổi đầu và chết sau vài giờ. Tuy tôm càng xanh ưa thích môi trường có hàm lượng ôxy cao, nhưng vượt quá mức bão hòa sẽ tạo ra nhiều bọt khí trong hệ tuần hoàn của tôm, cản trở quá trình lưu thông máu và hô hấp.
Tôm trưởng thành sinh sống ở các khu vực nước ngọt nội địa như sông, hồ, mương, ao hoặc gần vùng cửa sông sát biển, vì vậy chúng có thể thích nghi với độ mặn trong khoảng 0 - 16 ppt.
Tôm càng xanh có tập tính trú ẩn vào ban ngày và hoạt động tích cực về đêm. Tuy không thích ánh sáng có cường độ cao nhưng tôm cái khi mang trứng lại có tính hướng quang trong đêm. Nhờ tập tính đặc biệt này, người nuôi có thể tận dụng để thu tỉa tôm cái trong đàn.
Đặc điểm sinh trưởng
Khách hàng cùng đội ngũ Skretting gặt hái nhiều thành quả trong vụ tôm càng xanh
Ban đầu tốc độ phát triển cả đàn tôm khá đều nhau cho tới khi chúng đạt cỡ 35 - 50 g/con. Sau đó, sự chênh lệch giữa tôm đực và tôm cái ngày càng rõ rệt. Tôm đực sinh trưởng nhanh hơn tôm cái và thậm chí có kích thước gấp đôi tôm cái cùng tuổi. Trong giai đoạn này, tôm cái bắt đầu thành thục (khoảng 40 g/con), tăng trưởng chậm hơn tôm đực vì sự phát triển của buồng trứng tiêu tốn phần lớn năng lượng mà tôm cái hấp thu được. Ở tháng thứ 3, đàn tôm thường sẽ xuất hiện sự phân đàn về kích cỡ rõ rệt. Ở một số mô hình nuôi tôm truyền thống, các cá thể tôm đực lớn chậm và các con cái sẽ thường được thu tỉa trước. Đàn tôm còn lại sẽ được nuôi tiếp tục và thu sau khi về size như mong đợi. Trong khi đó, ở các mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực, độ phân đàn thấp hơn, nên người nuôi có thể chủ động thu toàn ao khi tôm về size như mong muốn.
Như các loài giáp xác khác, tôm càng xanh phát triển không liên tục, chúng phải trải qua nhiều lần lột xác trong quá trình lớn lên. Quá trình lột xác này thường diễn ra rất nhanh, sau đó lớp vỏ mới sẽ trở nên cứng cáp hơn trong vài giờ. Chu kỳ lột vỏ (hay khoảng thời gian giữa 2 lần lột xác liên tiếp) bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các yếu tố như tình trạng sức khỏe tôm, chế độ dinh dưỡng, điều kiện môi trường…
Để thực hiện quá trình lột vỏ, tôm cần tích lũy đầy đủ chất dinh dưỡng và năng lượng. Khi đến chu kỳ lột xác, một lớp vỏ mới mềm, mỏng, có độ đàn hồi cao dần dần hình thành dưới lớp vỏ cũ. Khi vỏ mới phát triển đầy đủ, tôm sẽ tìm những khu vực thoáng, có chất lượng nước tốt, giàu ôxy để lột vỏ. Quá trình lột vỏ của tôm kéo dài từ 3 đến 5 phút. Sau khi bộ vỏ bên ngoài của tôm được loại bỏ hoàn toàn (ngoại trừ phần mắt), lớp vỏ mới lúc này còn mềm và co giãn được, áp lực từ khối cơ thịt phát triển trước kia bị nén lại trong lớp vỏ cũ làm cơ thể tôm bây giờ căng ra và lớn lên nhiều. Lớp vỏ mới dần hoàn thiện, cứng cáp hơn trong vòng 3 - 6 giờ và tôm sẽ hoạt động lại bình thường trở lại sau đó.
Nhu cầu dinh dưỡng
Ấu trùng mới nở hấp thụ dinh dưỡng từ noãn hoàng, sau đó chuyển sang ăn sinh vật phù du và giáp xác nhỏ. Ở giai đoạn giống và trưởng thành, tôm càng xanh là loài ăn tạp thiên về động vật, do vậy nhu cầu đạm trong thức ăn tôm phải từ 25 - 35%. Tôm càng xanh tìm thức ăn bằng cơ quan xúc giác (râu), vì vậy mùi vị hình dạng thức ăn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút tôm đến bắt mồi. Thức ăn của chúng trong tự nhiên khá đa dạng, bao gồm giun nhiều tơ, giáp xác, nhuyễn thể, các mảnh thịt vụn, tảo và mùn bã hữu cơ. Bên cạnh đó, trong nhiều mô hình nuôi hiện nay, tôm càng xanh cũng thích nghi nhanh và hấp thu tốt cả thức ăn công nghiệp như Mega và Tomboy với hiệu quả đem lại rất cao.
Cần lưu ý, đặc tính của tôm nói chung và tôm càng xanh nói riêng là ăn thịt lẫn nhau khi lột xác hoặc khi thiếu hụt thức ăn. Trong quá trình bắt mồi, tôm có tính cạnh tranh cao, cá thể nhỏ thường tránh xa đàn hay khi bắt được mồi thì di chuyển đi nơi khác, trong khi đó con lớn có xu hướng chiếm chỗ và đánh đuổi cá thể nhỏ hơn. Vì vậy, người nuôi có thể lắp đặt thêm quạt nước để phân bố thức ăn đều khắp ao, đảm bảo cho đàn tôm phát triển đồng đều, đồng thời bổ sung thêm ôxy hòa tan vào thời điểm tôm ăn. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý kiểm tra sức ăn của tôm thường xuyên và can thiệp bằng các biện pháp kỹ thuật thích hợp để hạn chế tính ăn thịt lẫn nhau của tôm. Tập tính của loài, nhu cầu dinh dưỡng và điều kiện môi trường là những đặc điểm hữu ích giúp người nuôi quản lý ao nuôi linh hoạt, hiệu quả.
Với hy vọng khai thác tiềm năng của nghề nuôi tôm càng xanh, cũng như tăng lợi nhuận cho người nuôi, đội ngũ kỹ thuật của Skretting luôn sẵn sàng đồng hành suốt mùa vụ, kịp thời giải đáp mọi thắc mắc và hỗ trợ quý khách hàng mọi lúc, mọi nơi. Rất mong quý bà con sẽ tiếp tục theo dõi loạt bài của Skretting về tình hình nuôi tôm càng xanh nước ta trong các bài viết tiếp theo.
Related news
Việc sắp xếp và xây dựng bộ gen chất lượng cao đầu tiên trên thế giới về tôm càng xanh (M. rosenbergii) đã được hoàn thành.
Bổ sung chitin trong chế độ ăn của tôm càng canh tôm sẽ có lợi trong việc tăng cường kích thích phản ứng miễn dịch và đề kháng bệnh trắng cơ trắng đuôi
Việc sắp xếp và lắp ráp bộ gien chất lượng cao đầu tiên trên thế giới của tôm càng xanh (M. rosenbergii) đã hoàn thành.