Tôm Ăn 6 Triệu Mỗi Ngày, Biết Sống Sao Đây!

Sau thời gian hồ hởi “được giá”, người nuôi tôm thẻ chân trắng ở ĐBSCL lại đang đứng ngồi không yên vì giá rớt thê thảm, trong lúc năng suất và chất lượng chưa được nâng lên.
Rớt giá 40%
Tôm thẻ chân trắng ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau hiện chỉ có giá 90.000 - 120.000 đ/kg (tùy loại), giảm 60.000- 80.000 đ/kg so với đầu năm 2014. Ông Nguyễn Văn Xiếu ở ấp Rạch Bần, xã Phong Lạc (Trần Văn Thời, Cà Mau) cho biết, với giá hiện nay, trừ chi phí là huề vốn đến lỗ. “Khi tôm rớt giá, thương lái tôm còn vặn nài bẻ ống đủ điều, hẹn lần hẹn lữa chẳng đến mua”, ông Xiếu nói.
Ông Nhiếp Mạnh Tiến nuôi tôm ở xã Lý Văn Lâm (TP Cà Mau) cho biết, thời điểm này, thương lái gộp chung loại 70 đến 100 con/kg mua một giá 90.000 đ/kg. Trước đây, tôm có giá cao, thương lái phân ra nhiều loại: 70 con, 80 con, 90 con và 100 con/kg, giá chênh lệch nhau mỗi loại hơn 10.000 đ/kg. Người nuôi tôm chân trắng ở ĐBSCL mấy năm nay có lời là nhờ giá tăng.
Theo ông Nguyễn Việt Khái ở ấp Công Nghiệp, xã Lợi An (Trần Văn Thời, Cà Mau) cùng trên một ao nuôi, năm 2013, thu hoạch 2,8 tấn, lời 320 triệu đồng; đầu năm 2014, thu hoạch chỉ được 2,6 tấn, nhưng lời 500 triệu đồng.
Tôm chân trắng bất thường giảm giá, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau khuyến cáo người nuôi bình tĩnh theo dõi thị trường, hạn chế việc thu hoạch ồ ạt, làm giá giảm thêm. Tuy nhiên, tôm đến lứa mà chưa thu hoạch, người nuôi cũng gặp khó.
Ông Nguyễn Văn Tuệ ở xã Lý Văn Lâm (TP Cà Mau) nuôi 2 ao tôm chân trắng đã hơn 3 tháng, đạt 60 con/kg, ước 6 tấn, than thở: “Trung bình mỗi ngày đêm, tôm ăn hết 6 triệu đồng. Cố vay mượn để cho tôm ăn nhưng không biết giá có lên trở lại không? Với giá trước đây, 2 ao tôm này lời khoảng 600 triệu đồng nhưng với giá hiện nay chắc chỉ lời hơn 100 triệu đồng, ráng kéo dài sợ lỗ thêm”.
Ông Lý Văn Thuận, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến thủy sản Cà Mau (Casep) nhận định: “So với thời điểm trước ngày nghỉ lễ 30/4, giá tôm chân trắng giảm 7.000-10.000 đ/kg là do công nhân nghỉ, các nhà máy ngưng mua nguyên liệu”. Nhưng người nuôi vẫn rất lo lắng, nhiều người đã treo ao hoặc chuyển sang nuôi con khác.
Việc giảm giá tôm chân trắng gây ra nỗi lo lớn bởi vừa qua, phát triển ồ ạt, lấn át tôm sú, vượt khỏi quy hoạch. Tại Cà Mau tăng 7.000 ha, Bạc Liêu trên 9.000 ha và Sóc Trăng hơn 4.000 ha. Trong lúc tôm thẻ chân trắng giảm giá thì giá tôm sú vẫn ở mức 270.000 - 300.000 đ/kg (loại 30 con/kg) và dễ bán.
Dịch bệnh tràn lan
Ba năm qua, năng suất tôm nuôi liên tục giảm, trong đó tôm thẻ chân trắng giảm nhiều hơn tôm sú. Năm 2013 so với năm 2011, năng suất tôm sú giảm 11,8%; còn tôm thẻ chân trắng giảm đến 20,6%. Số liệu cụ thể về năng suất tôm những năm qua: Năm 2011 theo Tổng cục Thủy sản: Tôm sú diện tích 623.377 ha, sản lượng 319.206 tấn; tôm thẻ chân trắng 33.049 ha, sản lượng 176.451 tấn; năng suất bình quân tôm sú 0,51 tấn/ha; tôm chân trắng 5,34 tấn/ha.
Trong ba năm, diện tích và sản lượng tôm sú liên tục giảm, còn tôm thẻ chân trắng liên tục tăng, do tôm sú bị dịch bệnh, người nuôi chuyển sang tôm thẻ chân trắng, ban đầu thăm dò nhưng năm 2013 có đột biến để chớp cơ hội tôm được giá trên thị trường.
Khi diện tích tôm thẻ chân trắng tăng quá nhanh, dẫn tới hai nguy cơ lớn là thiếu quy hoạch và phải sử dụng giống kém chất lượng. Quy hoạch với tôm thẻ chân trắng rất quan trọng.
TS Nguyễn Văn Hảo (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II) cho biết, ở các nước khác, nuôi tôm thẻ chân trắng phải quy hoạch khu vực riêng để quản lý dịch bệnh. Ở nước ta, năm 2011, khi bắt đầu phát triển tôm chân trắng, Tổng cục Thủy sản đã lưu ý các địa phương quy hoạch vùng nuôi riêng để quản lý môi trường. Tuy nhiên, đến nay, quy hoạch nuôi tôm nói chung và tôm thẻ chân trắng nói riêng đã bị phá vỡ hoàn toàn.
Chất lượng giống tôm thẻ chân trắng còn ẩn chứa nguy cơ lớn hơn, bởi nước ta phải nhập khẩu tôm bố mẹ. Tổng cục Thủy sản cho biết, năm 2011, nhập 156.371 con tôm chân trắng bố mẹ, kiểm tra phát hiện 17.020 con (gần 10,9%) nhiễm bệnh, trong lúc “việc kiểm dịch con giống còn nhiều hạn chế”. Năm 2013 “kiểm dịch nhiều nơi còn mang tính hình thức” lại phát hiện doanh nghiệp Thái Lan bán tôm chân trắng bố mẹ không đảm bảo chất lượng cho bốn doanh nghiệp Việt Nam.
Related news

Đó là mức giá bán buôn cao hơn từ 100.000 - 150.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2014 và tăng mạnh trong 3 năm trở lại đây. Nông dân Phan Hồng Phúc (ấp Hòa Tây B, xã Phú Thuận, Thoại Sơn, An Giang) cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu cá chình xuất khẩu còn tăng cao và thị trường tiêu thụ đang phát triển tốt.

Đối với những ao nuôi đã lấy nước và chưa thả giống, bà con cần diệt khuẩn 2 lần bằng 2 loại thuốc diệt khuẩn khác nhau. Sau đó thực hiện gây màu nước, khi nước ao đạt độ trong 30 - 40 cm là thích hợp. Bà con nên thả giống theo đúng lịch thời vụ khuyến cáo bắt đầu từ ngày 10 tháng 2 năm 2015 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Dịch bệnh tiếp tục gây chết tu hài nuôi tại Vân Đồn trong các tháng 2, 3 kéo dài đến tháng 8, 9-2014. Nguyên nhân ban đầu được đánh giá là do ký sinh trùng Perkinsus, vi khuẩn Pseudomonas, Vibrio gây sưng vòi trong điều kiện độ pH, độ mặn cao. Hiện tượng cá rô phi, trắm cỏ, cá chép nuôi tại Uông Bí, Quảng Yên và Đông Triều chết rải rác trong năm 2014 cũng là do nhiễm khuẩn Pseudomonas.

Thu nhập bình quân đầu người tăng lên 33 triệu đồng, tăng 9,9 % so với năm 2013; tỷ lệ hộ nghèo đã giảm chỉ còn 4,9 %. Năm 2014, Cà Mau là tỉnh có kim ngạch xuất khẩu thủy sản lớn nhất cả nước, đạt 1,3 tỷ USD vượt kế hoạch đặt ra. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội cũng như giải quyết việc làm cho địa phương.

Khi kênh Trà Sư mùa cạn nước, người dân trong xóm lại thấy anh Mạnh tay cầm chiếc can nhựa chạy xe gắn máy rảo khắp kênh, rạch để bắt lịch. Lớn lên tại vùng quê nghèo, cái nghề này đã gắn chặt với anh Mạnh từ nhỏ. Anh kể, ngày trước, cá và tôm ở kênh Tha La, Trà Sư nhiều vô kể.