Tỏi tím Cồn Nâm loay hoay đi tìm đầu ra trên thị trường
Cây tỏi thực sự phát triển và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân Cồn Nâm khoảng 15 năm trở lại đây. Với lợi thế khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ nên cây tỏi phát triển rất tốt ở vùng đất này. Qua nhiều năm trồng tỏi, người dân đã tích lũy được kinh nghiệm làm đất, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh nên cây tỏi phát triển ổn định, cho năng suất cao.
Bây giờ, trồng tỏi trở thành nghề chính của nhiều người dân nơi đây. Số lượng hộ trồng và diện tích đất trồng tỏi cũng tăng theo từng năm. Từ những diện tích nhỏ, manh mún hiện nay, bà con tập trung trồng với diện tích khá lớn lên đến 20 ha.
Bà Nguyễn Thị Xuân là một trong những người phụ nữ nặng lòng với nghề trồng hành, tỏi của quê hương. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà cái nghèo vẫn cứ đeo bám.
Trước đây, nhà bà Xuân chỉ làm vài ba thước để phục vụ gia đình, có hàng quà đi chợ mỗi sáng nhưng vì cây tỏi tím của quê hương được nhiều người ưa chuộng bởi nó thơm, ngon và sạch nên gia đình bà đã chuyển 5 sào cây hoa màu kém hiệu quả sang trồng tỏi tím. Mỗi vụ, gia đình bà thu về từ 20 - 25 triệu đồng, cuộc sống ngày càng ổn định. Bà luôn tự hào, nhờ củ tỏi mà 11 đứa con của ông bà có cái ăn, cái mặc, được đi học cùng bạn bè trang lứa.
Ông Nguyễn Hữu Tĩnh, Bí thư chi bộ thôn Cồn Nâm cho biết: Cồn Nâm có 100 hộ gia đình thì tất cả đều trồng tỏi với tổng diện tích gần 20 ha. Cứ tháng 9 âm lịch gieo trồng thì tháng 2 âm lịch năm sau tỏi cho thu hoạch. Ở vùng đất này cây tỏi là cây cho năng suất và thu nhập cao nhất hiện nay.
Ngoài trồng tỏi, nông dân có thể xen canh các loại cây khác như ngò, cải, khi gần đến kỳ thu hoạch thì có thể xen canh thêm cây cà tím. Những hộ gia đình nào trồng tỏi nhiều thường có thu nhập khá, từ 15 - 20 triệu đồng/vụ/hộ.
Nhờ vào việc trồng tỏi nên đời sống của bà con thôn Cồn Nâm khá hẳn lên. Trước đây hộ nghèo chiếm phần lớn nhưng hiện nay toàn thôn chỉ còn 13% thuộc diện hộ nghèo. Nhiều người nhờ trúng những mùa tỏi đã xây dựng được nhà ở khá khang trang, mua sắm vật dụng trong gia đình, phương tiện đi lại, có điều kiện cho con ăn học, có tiền để đầu tư công cụ, mua sắm phương tiện làm thêm những ngành nghề khác, mức sống được nâng lên đáng kể.
Nghề trồng tỏi ở Cồn Nâm là hướng đi đúng, sáng tạo của bà con nông dân trong việc lựa chọn cây trồng mới cho hiệu quả cao; trồng tỏi thay thế cây lúa, cây màu kém hiệu quả, tạo ra sản phẩm tỏi chất lượng cao và đã trở thành nghề chính của nông dân. Tuy nhiên, nghề trồng tỏi nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, thường xuyên xảy ra tình trạng “mất mùa thì được giá, được mùa thì mất giá”.
Mặt khác, vì không thuận tiện về đường sá nên nhiều thương lái chưa biết để đến thu mua, hầu như người dân chỉ đưa tỏi qua nhập ở chợ Quảng Minh nhưng thường bị ép giá. Nếu bán được giá thì vào khoảng 80.000 đồng/100 củ, nhưng nếu chợ ế thì loại tỏi củ to, đẹp cũng chỉ được 60.000/100 củ, tỏi củ vừa 50.000 đồng/100 củ.
Trước thực trạng trên, mong muốn hiện nay của bà con trồng tỏi ở Cồn Nâm là các cơ quan chức năng cần có giải pháp hỗ trợ về thị trường đầu ra, kỹ thuật, giống... để tương lai không xa, thương hiệu tỏi tím Cồn Nâm có chỗ đứng trên thị trường trong tỉnh cũng như các tỉnh lân cận.
Related news
Tổng cục Thuỷ sản vừa ban hành Công văn 3442/TCTS-NTTS về thực hiện khung lịch thời vụ thả giống tôm nước lợ năm 2014, nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Biết xử lý môi trường ao nuôi, biết chăm sóc và phòng trị bệnh cho đàn cá... đó là những kiến thức học viên được trang bị từ lớp học nghề nuôi thủy sản đang mở tại xã Thiệu Đô (Thiệu Hóa, Thanh Hóa).
Đề tài được Hội đồng Khoa học & Công nghệ tỉnh Khánh Hoà đánh giá cao về tính chính xác, khoa học, khẳng định giá trị kinh tế và xã hội của đề tài mang lại sẽ góp phần giải quyết nhu cầu rau xanh cho quân và dân huyện đảo Trường Sa.
Chạy dọc theo con lộ thôn quê khu Bờ Ao - nơi giáp ranh giữa ấp Vĩnh Lân (xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ) với phường Mỹ Thạnh (TP. Long Xuyên) và xã Phú Thuận (Thoại Sơn, An Giang), dễ dàng nhận ra xóm hến khi thấy mỗi nhà đều xây bếp lò dưới bến sông để luộc hến.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn: Thời gian qua, tuy số lượng sản xuất tôm giống trong tỉnh Cà Mau có tăng lên đáng kể nhưng chất lượng còn hạn chế, kết quả kiểm tra tôm sú giống sản xuất hàng năm trên địa bàn cho thấy, có khoảng 150 triệu con tôm giống không đạt chất lượng, trong đó, bệnh còi chiếm tỷ lệ cao nhất.