Tỏi, ổi, thanh long Việt lên vị trí nóng ở siêu thị
Chưa bao giờ các kênh bán lẻ lại dành nhiều ưu ái cho nông sản Việt như hiện nay.
Phong phú và trưng bày bắt mắt
Nhiều người thường mua sắm tại siêu thị Satra (đường 3 Tháng 2, Q.10, TP.HCM) sẽ không còn xa lạ với hình ảnh chiếc ghe trái cây nằm ngay khu thực phẩm tươi sống tại siêu thị này. Bên trên chiếc ghe gỗ đầy ắp những dừa, thanh long, ổi, bưởi, cam, quýt, mận, mít... tươi mới như cả một phiên chợ sôi nổi miền Tây hiện ra trước mắt người tiêu dùng.
“Trông rất dễ thương. Mình ghé vài lần thấy trái cây miền Tây nhiều gì đâu, mấy đứa con nít cũng thích thú coi mấy chiếc ghe lạ lạ trong siêu thị” - chị Hương (Q.10) chia sẻ.
Cũng trong dịp này, bước chân vào siêu thị Co.op Mart Lý Thường Kiệt (Q.11), khách có thể thấy ngay lối vào một quầy với cam sành, dưa hấu, mít, ổi... còn rất mới được chất đầy từ sáng sớm chờ người tiêu dùng đi mua.
“Trước đây quầy trái cây chỉ tập trung vào một khu, nhưng nay được mở thêm một quầy di động ngay góc thoáng nhất để người dân dễ dàng mua sắm, trong đó phần lớn sản phẩm đều đang vào mùa giảm giá” - chị Thủy, nhân viên quầy trái cây tại siêu thị này, cho biết.
Không chỉ đưa ra khu vực dễ tiếp cận người tiêu dùng nhất, nông sản Việt còn được chăm chút kỹ lưỡng hơn trước khi đưa lên quầy.
Ở các siêu thị Co.op Food, sau khi nhận hàng từ kho, cà chua bi được các nhân viên tuyển lựa, đóng gói vào những hộp nhựa cứng rồi đưa lên kệ.
“Sau khi vận chuyển và đựng trong thùng lớn, cà chua bi có khi bị giập nhẹ hoặc hư hại, chúng tôi phải ngồi lựa từng trái đảm bảo rồi đóng hộp mới đưa lên quầy” - chị Thu Linh, nhân viên tại Co.op Food Nguyễn Kiệm (Q.Phú Nhuận), kể.
Theo chị Linh, với tỏi Lý Sơn hay thanh long Tiền Giang, Bình Thuận... cũng được tuyển lựa, phân loại trước khi đưa lên quầy trưng bày. Chẳng hạn, tỏi Lý Sơn được chọn lựa những củ còn cứng, tươi mới tránh ẩm mốc trong quá trình vận chuyển, sau đó được đưa vào các túi lưới có gắn nhãn mác đầy đủ nguồn gốc và tiêu chuẩn chất lượng. “Tất cả đều được chọn lựa bằng tay, loại bỏ rồi mới đóng gói cho lên kệ được” - chị Linh nói.
Chất lượng được kiểm soát
Khoảng một tháng trở lại đây, tại các siêu thị trong hệ thống Co.op Mart, nhiều mặt hàng nông sản như cà chua, bưởi, thanh long... đều được dán nhãn ngay trên vỏ, ghi rõ nguồn gốc, vùng trồng để người tiêu dùng biết thêm về sản phẩm.
Ông Võ Hoàng Anh, giám đốc marketing hệ thống Saigon Co.op, cho biết hệ thống này đã hợp tác với những hợp tác xã có chứng nhận VietGap, Global Gap để hỗ trợ về quy trình sản xuất rau an toàn, ký hợp đồng bao tiêu nông sản và ứng vốn cho các hợp tác xã này để đầu tư nâng cao kỹ thuật, trang thiết bị.
Ngoài ra, Co.op Mart còn hợp tác với dự án Xây dựng kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm (FAPQDC) do Chính phủ Canada tài trợ nhằm cải thiện chất lượng nông sản thực phẩm theo phương pháp tiếp cận tổng thể trong chuỗi giá trị ngành hàng "từ trang trại đến bàn ăn”.
Ông Võ Thành Dương, phó chủ tịch Hợp tác xã rau an toàn Phước An (Bình Chánh), cho hay sản xuất theo quy trình VietGAP trở thành yêu cầu bắt buộc tối thiểu đối với các đơn vị trồng rau sạch nếu muốn đưa vào các chuỗi phân phối hiện đại.
“Làm theo tiêu chuẩn sạch không chỉ đảm bảo hàng chất lượng cho người tiêu dùng mà còn là sự đảm bảo cho cả người sản xuất” - ông Dương nói. Theo ông Dương, từ ngày làm theo quy trình trồng rau an toàn VietGAP, diện tích và sản lượng rau của Hợp tác xã Phước An không ngừng tăng lên.
Hiện hợp tác xã này có 30ha trồng rau, tăng mạnh so với diện tích chỉ 25ha cách nay một năm, với sản lượng rau cung ứng ra thị trường hiện đạt 5 - 6 tấn/ngày. Trong đó, 60 - 70% lượng rau của hợp tác xã làm ra đều được tiêu thụ tại các siêu thị lớn trên địa bàn TP bằng hợp đồng bao tiêu dài hạn (trước đây là 50%).
Lượng rau còn lại hợp tác xã cung cấp cho các trường học, cửa hàng thực phẩm. Theo ông Dương, ngay cả các bếp ăn trường học hay cửa hàng thực phẩm cũng yêu cầu rau sản xuất ra phải có chứng nhận an toàn mới mua. “Muốn bán đi đâu cũng phải đảm bảo chất lượng đầu tiên” - ông Dương cho biết.
Trong khi đó ông Mai Văn Khẩn, chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến (Đà Lạt), cho biết khi liên hệ với hợp tác xã để mua rau củ các loại, yêu cầu đầu tiên của các siêu thị và cửa hàng bán lẻ là quy trình trồng rau đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đến nay, sản phẩm của hợp tác xã sản xuất theo quy trình VietGAP đã có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị và cửa hàng bán lẻ ở TP.HCM và Hà Nội.
“Chúng tôi đang đầu tư để trồng thêm các loại nông sản theo quy trình canh tác tiên tiến của thế giới là thủy canh hoàn lưu để có những loại nông sản chất lượng cao cho các nhà bán lẻ cao cấp” - ông Khẩn cho hay.
Related news
Vào thời điểm này, thời tiết thuận lợi, cây cối phát triển ra hoa nhiều nên chất lượng mật ong tốt nhất so với các thời điểm khác trong năm.
Ngày 12/3/2014, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT phối hợp với Tổ chức nông lương Liên hợp quốc (FAO) tổ chức hội thảo tham vấn về dự thảo kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành thủy sản. Tham dự Hội thảo có đông đảo các đại biểu đến từ các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản. Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT và ông Jong-ha Bae, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam tới dự và chỉ đạo hội thảo.
Thời tiết đột ngột rét đậm, rét hại kéo dài trong mấy ngày qua đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới diện tích mạ và lúa xuân mới cấy tại các tỉnh phía Bắc. Trước diễn biến này, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khuyến cáo bà con nông dân làm tốt công tác phòng chống rét cho cây trồng, không chủ quan với thời tiết.
Từ khi có sự chuyển đổi ồ ạt từ trồng mía sang nuôi tôm ở Cù Lao Dung thì nhu cầu sử dụng điện cũng tăng lên gấp 5 - 6 lần; vì ngoài yếu tố thời gian nuôi tôm thẻ chân trắng ngắn ngày, quay vòng vụ nuôi nhanh, mật độ thả nuôi cũng dày hơn tôm sú, nên nhu cầu sử dụng điện để chạy các hệ thống quạt sục bọt khí, tạo ô-xi cho tôm càng nhiều hơn.
Trong năm 2014, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và tiêu thụ Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (Bình Minh - Vĩnh Long) cho biết đặt chỉ tiêu thu mua từ 600- 800 tấn bưởi GlobalGap, mà HTX đã ký hợp đồng bao tiêu với thành viên.