Tính ưu việt của công nghệ xử lý hạt giống
Giống luôn là yếu tố cần ưu tiên hàng đầu trong canh tác, tiêu chí giống tốt, giống khỏe tiên quyết cho sự thành công của mùa vụ.
Xử lý hạt giống (phải) và không xử lý hạt giống
Làm sao để có được giống đạt chất lượng tốt, khỏe mạnh, không mang mầm bệnh, chủ động phòng tránh được côn trùng gây hại ngay từ khi gieo trồng, giúp cây trồng phát huy tối đa tiềm năng năng suất đã có lời giải.
Đó chính là xử lý hạt giống.
Loại bỏ mầm bệnh khi mới manh nha
Thực ra không phải đến bây giờ con người mới biết đến công nghệ xử lý hạt giống mà ngay từ hàng nghìn năm trước Công nguyên, người Ai Cập và Hy Lạp cổ đại đã có những kỹ thuật ngâm giống đầu tiên. Đó là ngâm hạt giống với vỏ hành và lá cây bách để bảo vệ hạt giống và tối đa hóa năng suất cây trồng.
Trải qua thời gian, con người đã dần biết đến một số công cụ khác để ngâm hạt giống như dùng nước nóng 3 sôi 2 lạnh, nước muối 15% hay muối đồng… Đến nay, công nghệ xử lý hạt giống hiện đại đã được phát triển và áp dụng trên nhiều loại cây trồng khác nhau trên toàn thế giới, các quốc gia đi đầu trong công nghệ này phải kể đến là Brazil, Canada, Mỹ, Trung Quốc và nhiều quốc gia Châu Âu…
Xử lý hạt giống là quá trình tẩy rửa, loại bỏ mầm bệnh và tẩm, bọc hạt giống với thuốc xử lý hạt giống ở dạng chuyên dụng có độ bám dính cao. Việc xử lý hạt giống giúp hạt nảy mầm tốt hơn và đảm bảo được mật độ cây tối ưu trong quá trình thiết lập quần thể cây trồng khi mà hạt giống và cây con không thể tự bảo vệ trước nguy cơ tấn công của côn trùng gây hại và những tác nhân gây bệnh. Việc xử lý giống một cách hợp lý giúp cây con có khả năng chủ động phòng ngừa dịch hại ngay từ giai đoạn đầu như sâu xám, sâu đục thân, sâu keo mùa thu, rệp sáp, bọ cánh cứng, rầy mềm, bọ trĩ…, cây trồng phát triển khỏe, tạo tiền đề cho năng suất cao về sau.
Xử lý hạt giống rất dễ thực hiện, giảm công phun thuốc mà vẫn đạt được mục đích phòng trừ dịch hại. Việc xử lý thuốc chỉ đơn giản như là thao tác ngâm hay ủ giống bình thường. Quan trọng hơn cả là cách làm này giúp nông dân tiết kiệm được nhiều chi phí và nghiên cứu do các nhà khoa học Syngenta tiến hành đã cho thấy rõ điều này.
Cụ thể là, với cùng một lượng giống, được gieo trồng trên 1 đơn vị diện tích là 1 ha (10.000m2), nếu áp dụng phương pháp phun phủ đều lên toàn bộ cây sau khi gieo trồng thì nông dân phải dùng 1 lượng thuốc vừa đủ để phủ trên toàn bộ diện tích là 10.000m2; hoặc nếu chỉ phun theo hàng thì cũng phải dùng lượng thuốc đủ để bao phủ lên 50% diện tích đất (tức ước chừng là 5.000m2); nhưng nếu áp dụng kỹ thuật xử lý hạt giống thì nông dân chỉ phải dùng 1 lượng thuốc tương đương với lượng thuốc cần thiết để phun cho 50m2 (giảm 200 lần so với phương pháp phun phủ đều và 100 lần so với phương pháp phun theo hàng).
Như vậy, áp dụng kỹ thuật xử lý hạt giống sẽ giúp giảm được 1 lượng thuốc BVTV đáng kể (từ 100-200 lần) phun ra ngoài đồng ruộng, tránh lãng phí, tiết kiệm công phun xịt thuốc, an toàn hơn cho môi trường và sức khỏe của người nông dân…
Giảm bớt nỗi lo cho nhà nông Việt
Xử lý thuốc trực tiếp lên hạt giống để tăng cường lực chống chịu sâu bệnh, thay vì phun (xịt) lên cây khi đã nhiễm bệnh, là một triết lý chăm sóc cây trồng mới mẻ. Công nghệ mới dễ áp dụng, cho một công đoạn nhỏ (xử lý giống trước khi gieo) nhưng mang lại hiệu quả đặc biệt.
Tại Việt Nam, năm 2005, Syngenta đưa ra giải pháp xử lý hạt giống bằng Cruiser Plus 312.5FS đã giúp bà con nông dân kiểm soát rầy nâu di trú ngay từ khi gieo sạ, ngăn ngừa hiệu quả đối tượng môi giới làm lây lan đại dịch vàng lùn - lùn xoắn lá, tái thiết sự bền vững trong canh tác lúa.
Bằng 1 thao tác đơn giản xử lý hạt trong công đoạn chuẩn bị giống, Cruiser Plus chứng minh được hiệu quả rất cao trong việc nâng cao cường lực của hạt giống từ giai đoạn đầu, chống chịu một số loại sâu bệnh phổ biến trên đồng ruộng Việt Nam.
Có thể nói, sự xuất hiện của Cruiser Plus tại Việt Nam đã đưa công nghệ xử lý hạt giống bước lên đỉnh cao bởi những hiệu quả mang lại như đơn giản, tiết kiệm, hiệu quả kinh tế; lượng thuốc đưa vào môi trường thấp; ít ảnh hưởng đến thiên địch và đặc biệt là an toàn cho người sử dụng.
Sau thành công của sản phẩm Cruiser Plus, Syngenta - với vai trò là công ty tiên phong trong các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), lại tiếp tục nghiên cứu để đưa ra các giải pháp khác hiệu quả cho nhà nông, nhất là giải pháp loại bỏ mầm bệnh, nâng cao sức chống chịu cho cây nhờ vào công nghệ xử lý hạt giống.
Trong bối cảnh sâu keo mùa thu trở thành là nỗi ám ảnh của người nông dân khi chúng gây thiệt hại nặng cho hoa màu, nhất là cây ngô, việc quản lý sâu keo mùa thu bằng biện pháp xử lý hạt giống đang được các ngành chức năng nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện quy trình phòng chống loài sâu nguy hại này.
Trên thế giới tại các quốc gia bị sâu keo hoành hành như Brazil, Ấn Độ, Venezuela, thuốc xử lý hạt giống Fortenza Duo 480FS của Syngenta đã nhanh chóng được đăng ký lưu hành và đưa vào qui trình phòng chống sâu keo mùa thu.
Tại Việt Nam thuốc Fortenza Duo 480FS của Syngenta đã được Trung tâm BVTV phía Bắc (Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN-PTNT) khảo nghiệm đánh giá trong nhà lưới và ngoài đồng ruộng từ tháng 8/2019 đến nay. Với kết quả khảo nghiệm hết sức thuyết phục, Trung tâm đã đề xuất Cục Bảo vệ Thực vật bổ sung thuốc Fortenza Duo 480FS vào danh mục thuốc sử dụng tạm thời trong phòng trừ sâu keo mùa thu. Đồng thời cũng đề nghị Công ty Syngenta Việt Nam sớm hoàn thành các thủ tục để đăng ký thuốc Fortenza Duo 480FS vào danh mục thuốc xử lý hạt giống trong phòng trừ "kẻ thù mới" của đồng ruộng. Việt Nam.
Với Fortenza Duo 480FS, bà con sẽ có thêm một công cụ hiệu quả để phần nào bớt được nỗi lo canh cánh thời gian qua.
Ông Oliveira Andre - Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn Syngenta:
Với thế mạnh là tập đoàn hàng đầu trong các hoạt động nghiên cứu và phát triển, đã có nhiều kinh nghiệm trong việc hợp tác với các nước trên thế giới như Brazil, Ấn Độ, Châu Phi về phát triển giải pháp bền vững quản lý sâu keo mùa thu, chúng tôi luôn sẵn sàng hợp tác với các cơ quan chức năng, Chính phủ Việt Nam để đưa những giải pháp tổng hợp, hiêu quả và bền vững, giúp nông dân Việt Nam đối phó với những loại sâu bệnh và dịch hại mới, cụ thể hiện nay là sâu keo mùa thu.
Chúng tôi kế thừa và phát triển kinh nghiệm và kết quả từ một số nước trên thế giới, để xây dựng các giải pháp chuyên biệt, hiệu quả và bền vững để phòng trừ sâu keo mùa thu phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Related news
Tại các tỉnh Bắc bộ, sâu non đục thân 2 chấm gây bông bạc trên trà lúa trỗ muộn.
Việt Nam đã có 9 loại quả được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu các loại quả này sang Trung Quốc tăng trưởng rất trái chiều
Hiện nay, nhà vườn trồng cây sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang rất phấn khởi vì loại trái cây ở thời điểm đầu vụ này đang hút hàng, giá tăng, nhà vườn lãi cao