Home / Cây lương thực / Trồng lúa

Tính toán nhu cầu phân bón của cây lúa bằng kỹ thuật ô khuyết

Tính toán nhu cầu phân bón của cây lúa bằng kỹ thuật ô khuyết
Author: Sơn Trang
Publish date: Monday. March 19th, 2018

Kỹ thuật “ô khuyết” giúp xác định vai trò của nguyên tố đa lượng (đạm, lân và kali) đối với cây lúa trên đồng ruộng, qua đó, giúp nông dân tính toán được lượng phân bón cần thiết cho từng giống lúa, từng mùa vụ, từng cánh đồng.

Đồ họa

Bà con đều hiểu vai trò quan trọng của phân bón trong kỹ thuật thâm canh lúa nước. Tuy nhiên, cách thức sử dụng phân bón hiệu quả thì không phải ai cũng nắm bắt được. Trong bài viết này, chuyên mục Nhà nông thông thái xin chia sẻ đến bà con một kỹ thuật xác định nhu cầu phân bón của cây lúa do TS. Phạm Sỹ Tân (Viện lúa ĐBSCL) giới thiệu: Kỹ thuật ô khuyết.

Do thoái quen canh tác khác nhau theo từng địa phương mà vùng đất trồng lúa có sự thay đổi về nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Vì vậy, áp dụng cùng một công thức bón phân cho các vùng đất sẽ không còn phù hợp nữa. Từ đó, Kỹ thuật ô khuyết ra đời, dựa trên nghiên cứu về bón phân theo nhu cầu của cây lúa, do Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) thực hiện.

Kỹ thuật ô khuyết (hay còn gọi là “Kỹ thuật lô khuyết”) là kỹ thuật bón khuyết một nguyên tố đa lượng (Đạm – Lân – Kali) tại các ô (ruộng) nhất định để xác định nhu cầu phân bón cây lúa thật sự cần tại vùng đất trồng đó. Theo Th.S Lê Thanh Tùng (Cục Trồng trọt), Kỹ thuật ô khuyết là kỹ thuật bón phân chuyên vùng. Kỹ thuật này giúp bà con dễ dàng xác định được đúng liệu lượng phân bón cần cho cây lúa dựa theo đặc điểm vùng đất trồng. Như vậy, bà con sẽ tránh việc bón phân thừa – thiếu so với nhu cầu dinh dưỡng của đất, đáp ứng nguyên tắc “4 đúng” - đúng loại, đúng liều lượng, đúng cách và đúng lúc, để tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả bón phân.

Để thực hiện Kỹ thuật ô khuyết, bà con làm theo 4 bước như sau:

Bước 1. Xác định năng suất mục tiêu

- Tính trung bình của năng suất của 3 năm liền kề (gần nhất).

- Xác định năng suất mục tiêu: cao hơn năng suất trung bình khoảng 0,5 tấn/ha.      

Bước 2. Xác định tổng lượng dinh dưỡng cần thiết cho cây lúa (Nt)

Nghiên cứu của IRRI cho biết, để đạt năng suất 1 tấn/ha, hàm lượng dinh dưỡng tiêu chuẩn mỗi nguyên tố đa lượng(DDTC) cây lúa cần là:

Nito (Đạm) P2O5 (Lân) K2O (Kali)
15kg 6kg 18kg

Như vậy, nếu nếu bà con đặt năng suất mục tiêu là 7 tấn/ha thìtổng lượng dinh dưỡng cần thiết cho cây lúa (Nt) trên mỗi ha là:

Nito (Đạm) P2O5 (Lân) K2O (Kali)
15kg x 7ha = 105kg 6kg x 7ha = 42kg 18kg x 7ha = 126kg

Bước 3. Xác định lượng dinh dưỡng cây lúa lấy từ đất (Nđ)

Hàm lượng dinh dưỡng xác định tại Bước 2 là tổng hàm lượng dinh dưỡng từ đất và phân bón. Vì vậy, để tính được lượng phân bón cần thiết, bà con cần xác định hàm lượng dinh dưỡng có sẵn trong đất bằng cách:

  • Đắp bờ thành 3 ô nhỏ liền kề nhau, mỗi ô có kích thước 5 x 5m.
  • Lần lượt, mỗi ô bón 2 trong 3 nguyên tố đa lượng. Ví dụ:
Ô 01 Ô 02 Ô 03
Kali + Đạm Đạm + Lân Lân + Kali
  • Đảm bảo cả 3 ô đều luôn đầy đủ nước, không bị sâu bệnh, cỏ dại tấn công; cùng hưởng chế độ chăm sóc như nhau.
  • Thu hoạch và ghi lại năng suất thực tế của mỗi ô.
  • Công thức tính lượng dinh dưỡng cây lúa lấy từ đất: Nđ = NSTT x DDTC

Trong đó:

· : Lượng dinh dưỡng cây lúa lấy từ đất

· NSTT: Năng suất thực tế ghi nhận tại mỗi ô

· DDTC: Lượng dinh dưỡng tiêu chuẩn của nguyên tố bị khuyết

Ví dụ:

Ô 01 Ô 02 Ô 03
NSTT = 5,5 tấn/ha NSTT = 6 tấn/ha NSTT = 4,2 tấn/ha
Nđ (P2O5) = 5,5 tấn x 6kg = 33kg/ha Nđ (K2O) = 6 tấn x 18kg = 108kg/ha Nđ (N) = 4,2 tấn x 15kg = 63kg/ha

Bước 4. Xác định lượng phân bón cần dùng

Một mô hình kỹ thuật ô khuyết do IRRI thực hiện

Công thức tính lượng phân bón cần dùng cho cây lúa: FR = Nt – Nđ/ Re

 Trong đó:

· FR: Lượng phân bón cần dùng

· Nt: Tổng lượng dinh dưỡng cần thiết cho lúa

· : Lượng dinh dưỡng cây lúa lấy từ đất

· Re: Hiệu quả sử dụng dinh dưỡng của cây (phụ thuộc vào giống cây trồng, đất, mùa vụ và kỹ thuật canh tác)

Ví dụ:Tiếp theo ví dụ trên,nhu cầu về phân bón cho năng suất mục tiêu 7 tấn/ha sẽ là:

Nito (Đạm) P2O5 (Lân) K2O (Kali)
105kg – 63kg = 42kg 42kg – 33kg = 9kg 126kg – 108kg = 18kg

Chỉ số Re tham khảo:

Nito (Đạm) P2O5 (Lân) K2O (Kali)
40 – 60% 20–30% 40–50%

Như vậy, bà con đã xác định được nhu cầu phân bón của cây lúa trên mảnh ruộng mình trồng. Tiếp theo, bà con cần thiết kế quy trình bón phù hợp với giống lúa và mùa vụ khác nhau. Qua các kết quả nghiên cứu, theo cách tính toán như trên thì bà con có thể đầu tư phân bón như sau:

Vụ đông - xuân Vụ hè – thu
Đạm 100–110kg/ha 70–90kg/ha
Lân 30–60 kg/ha
Kali

30–40 kg/ha

Lưu ý: Có thể tăng thêm 10kg phân Kali mỗi vụ để duy trì hàm lượng K2O trong đất ổn định.

Nguồn tham khảo: Trung tâm nghiên cứu công nghệ hoá và dinh dưỡng cây trồng.


Related news

Ném mạ ở Cà Mau Ném mạ ở Cà Mau

Ném mạ (hay còn gọi là thảy hoặc chọi mạ) thay cấy đang phổ biến ở vùng SX lúa - tôm của huyện Thới Bình (Cà Mau).

Tuesday. March 13th, 2018
Đối phó với ốc bươu vàng hại lúa Đối phó với ốc bươu vàng hại lúa

Hiện lúa xuân đang trong giai đoạn đẻ nhánh và đẻ nhánh rộ. Ốc bươu vàng đã phát sinh gây hại trên 692,1ha. Các địa phương đang tích cực tập trung tiêu diệt...

Thursday. March 15th, 2018
Bệnh đạo ôn phát sinh gây hại 200 ha lúa Nghệ An Bệnh đạo ôn phát sinh gây hại 200 ha lúa Nghệ An

Lúa xuân tại Nghệ An trong giai đoạn đẻ nhánh và đẻ nhánh rộ. Thời gian qua diễn biến thời tiết phức tạp, mưa ẩm, trời âm u, sương mù, bệnh đạo ôn đã phát sinh

Monday. March 19th, 2018