Tỉnh Lúa Xuất Khẩu Xoài - Kỳ Cuối Gia Tăng Chất Lượng Sản Phẩm
“Bất kể sản phẩm công nghiệp hay nông nghiệp, nếu chúng ta xuất khẩu thô thì giá trị chỉ có một, còn nếu tạo ra sản phẩm mang tính giá trị gia tăng thì giá trị tăng lên gấp nhiều lần, từ đó lợi nhuận cũng tăng theo.
Hướng đến công nghệ chế biến nhằm tăng thêm giá trị cho xoài, tránh được rủi ro khi thị trường xuất khẩu có vấn đề, đồng thời triển khai đồng bộ thị trường nội địa và xuất khẩu là phương thức hay mà An Giang cần nghĩ đến” – kỹ sư Phan Nhật Nam, Giám đốc Công ty Cổ phần Bánh kẹo Mê Kông (TP. Cần Thơ), chia sẻ.
Lợi thế so sánh
Một sản phẩm nông nghiệp, dù làm ra để tiêu thụ nội địa hay chế biến xuất khẩu thì việc xây dựng vùng nguyên liệu là yếu tố, quyết định sự thành công hay thất bại của sản phẩm ấy. Ở cù lao Giêng (Chợ Mới), những năm qua, xoài liên tục có giá (do xuất khẩu thuận lợi) nên nông dân tận dụng đất trống từ đồng ruộng đến bờ mương, bến sông để trồng xoài 3 màu (xoài Đài Loan). Theo thống kê chưa đầy đủ, 3 xã cù lao Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân có trên 3.200 héc-ta trồng giống xoài này. Đây là vùng nguyên liệu dồi dào đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Xét trên bình diện tổng thể, đây là một lợi thế cần được phát huy bởi thổ nhưỡng ở đây rất phù hợp cho cây xoài 3 màu.
Xoài ghép bo chỉ sau 1 năm đã cho trái chiến. Đến năm thứ tư, bình quân mỗi công xoài cho từ 2 – 2,5 tấn trái/năm, giá trị kinh tế rất cao. “Qua hơn 5 năm trồng xoài 3 màu trên vùng đất cù lao Giêng, nông dân ở đây hiểu rất rõ đặc tính sinh học của cây xoài. Vì vậy, họ có thể cho xoài ra hoa trái vụ để bán được giá cao một cách dễ dàng. Thổ nhưỡng phù hợp cộng với điều kiện khí hậu, thời tiết tốt, xoài cho trái rất nhiều. Thêm vào đó là trình độ canh tác của nông dân, tay nghề của người lao động tại địa phương đã được nâng lên đáng kể… là những lợi thế so sánh buộc chúng ta phải nghĩ đến việc phát triển ngành công nghiệp xoài trên đất cù lao” – ông Nguyễn Hoàng Dư, nông dân xã Bình Phước Xuân, nói.
Cần một chiến lược
5 năm qua, xuất khẩu xoài 3 màu bằng con đường tiểu ngạch đã mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân xứ cù lao. Nếu tính theo phương thức lấy ngắn nuôi dài, việc xuất khẩu xoài sang Trung Quốc và các nước trong khu vực bằng con đường tiểu ngạch có lợi thế rất lớn.
Về lâu dài, nếu tạo được sản phẩm mang tính giá trị gia tăng để xuất khẩu thì càng tốt hơn, bởi sẽ giải quyết thêm được nhiều việc làm cho lao động tại địa phương, tạo ra sản phẩm mới mang tính đặc thù. “Qua theo dõi, tôi thấy Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) xây dựng vùng nguyên liệu bắp thu trái non và đậu nành rau xuất khẩu, mang về doanh thu khoảng 12 triệu USD/năm, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.
Trong khi đó, xoài 3 màu ở cù lao Giêng có trên 3.200 héc-ta nhưng chúng ta chỉ đơn thuần xuất khẩu sản phẩm thô. Đây là một tổn thất rất lớn mà tỉnh phải nhìn thấy, từ đó đưa vào quy hoạch để xây dựng chiến lược phát triển cho sản phẩm này” - ông Nguyễn Văn Thế, nông dân xã An Thạnh Trung (Chợ Mới), bộc bạch.
“Tỉnh lúa” xuất khẩu xoài thể hiện sự năng động của nông dân trong việc sản xuất ra “cái mà thị trường cần”. Song, trong cơ chế thị trường hiện nay, nếu cứ để người nông dân “tự suy nghĩ” trên luống cày của mình, rồi tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì rất dễ gặp rủi ro vì nông dân không thể làm thay Nhà nước trong hoạch định chiến lược sản phẩm, ngành hàng vốn là thế mạnh của địa phương.
“Tôi nghĩ, tỉnh cần có quy hoạch cây xoài thành sản phẩm xuất khẩu để tính toán thị trường, công nghệ chế biến để tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng.
Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài nước xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm nước ép xoài, mứt xoài và nhiều sản phẩm khác, bán ở thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Phải có quy hoạch để chúng ta có cách ứng xử đúng tầm đối với sản phẩm và những người tham gia chuỗi giá trị này” - ông Nguyễn Hoàng Liệt, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nhân nông thôn An Giang, đề nghị.
Related news
Tháng 6/2013, tiến bộ kỹ thuật ấp trứng gà Hồ bằng máy đã được Viện Chăn nuôi chuyển giao cho gia đình ông Đỗ Tá Dũng ở làng Lạc Thổ (thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh).
Người dân Gò Công Đông (Tiền Giang) sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, trong đó nuôi gà thả vườn khá phát triển, trên địa bàn huyện có tổng đàn gà 260.000 con. Người nuôi theo truyền thống, ít tiếp cận với việc phòng ngừa dịch bệnh và xử lý môi trường vẫn chưa triệt để.
Sáng ngày 14.11, Hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế lần thứ 13 - AgroViet 2013 do Bộ NNPTNT chủ trì đã chính thức khai mạc tại Khu hội chợ triển lãm giao dịch kinh tế và thương mại, 489 Hoàng Quốc Việt (Hà Nội).
Đó là mô hình của anh Bùi Nhật Tân ở thôn Cát, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Đã hơn 2 năm nay, kể từ khi vườn cây cao su hơn 1ha của gia đình anh cũng như nhiều gia đình trong xã bị bão tàn phá, trong khi nhiều gia đình đang boăn khoăn không biết phải kiếm kế mưu sinh như thế nào thì anh Tân đã quyết tâm tìm một hướng đi mới, không thể dựa dẫm mãi vào nguồn lợi từ cây cao su, hai vợ chồng anh tìm tòi học hỏi và quyết định mở mô hình kết hợp trang trại trên đồi cây cao su.
Đây là phần chính trong nội dung thông tư 47/2013/BNN-PTNT của Bộ NN-PTNT hướng dẫn việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, kết hợp với nuôi trồng thủy sản trên đất lúa. Thời gian có hiệu lực là từ ngày 1-1-2014.