Tín hiệu mừng từ nuôi tôm
Những tháng đầu năm 2017, tình hình thời tiết khá thuận lợi, người dân tích cực cải tạo ao đầm, thả giống, mở rộng diện tích nuôi; cùng với đó, giá tôm nguyên liệu tăng cao. Đó là tín hiệu đáng mừng cho một năm nuôi tôm nhiều thuận lợi của người dân trong cả nước.
Trong ảnh: Người nuôi tôm cần chú ý đến thời tiết để thả giống có hiệu quả. Ảnh: Vũ Mưa
Mở rộng diện tích
Ghi nhận tại tỉnh Quảng Ninh hiện có khoảng 9.692 ha nuôi tôm, trong đó tôm thẻ chân trắng (TTCT) 3.277 ha, tôm sú 6.415 ha; năng suất trung bình 2,6 tấn đối với TTCT, 0,23 tấn đối với tôm sú/ha; cùng đó, xuất hiện nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao khắc phục được thời tiết lạnh của miền Bắc; điển hình là cách làm của ông Bùi Ngọc Liêm, Giám đốc HTX Cát Phú Hải (TP Móng Cái) khi mạnh dạn đầu tư gần 100 tỷ đồng để nuôi tôm hai giai đoạn. Theo tính toán của ông Liêm, với diện tích 1 ha nuôi tôm khép kín, năng suất trung bình có thể đạt 15 - 20 tấn/vụ, tăng gấp 5 - 7 lần so nuôi theo hình thức thâm canh. Lợi nhuận thu về đạt khoảng 2 tỷ đồng/ha. Trước thành công của mô hình này, hiện nay tại 11/12 vùng nuôi thủy sản tập trung của TP Móng Cái, người nuôi tôm đầu tư hàng tỷ đồng để đầu tư xây dựng các hệ thống đường, điện 3 pha, hệ thống cấp và xử lý nước thải riêng biệt, máy sục khí, đáy ao lót bạt, ao nuôi có mái che, máy bắn thức ăn, chế phẩm vi sinh để bổ sung thức ăn cho tôm...
Ở vùng ven biển miền Tây, tỉnh Kiên Giang đang tăng tốc mở rộng diện tích nuôi tôm, đến hết tháng 2/2017, toàn tỉnh thả giống tôm nuôi hơn 66.260 ha, đạt hơn 58,6% kế hoạch, tập trung ở các huyện An Minh, An Biên, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Kiên Lương, Hòn Đất và Gò Quao. Sản lượng thu hoạch khoảng 4.665 tấn, đạt hơn 7,4% kế hoạch, tăng 35,7% so cùng kỳ. Theo kế hoạch sẽ tăng diện tích nuôi tôm lên 113.000 ha trong năm 2017. Cơ quan chuyên môn thủy sản cho biết sẽ chú trọng hình thức thả nuôi thâm canh công nghiệp, áp dụng các quy trình kỹ thuật mới để tăng mật độ cũng như năng suất, đồng thời tập trung nâng cao sản lượng ở các mô hình nuôi tôm quảng canh, tôm sinh thái.
Theo Sở NN&PTNT Bạc Liêu, hiện nay diện tích thả nuôi tôm nước lợ toàn tỉnh là 101.944 ha. Trong đó, nuôi tôm nước lợ thâm canh, bán thâm canh là 2.718 ha (tôm sú là 1.478 ha, TTCT 1.240 ha), đạt 10% kế hoạch năm; tôm quảng canh, quảng canh cải tiến hơn 99.229 ha. Đối với hình thức nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh: Diện tích thả giống hơn 1.478 ha, thu hoạch hơn 305 ha, diện tích đang nuôi hơn 1.072 ha. Đối với hình thức nuôi tôm quảng canh cải tiến: Diện tích thả giống hơn 99.226 ha, thu hoạch theo hình thức thu tỉa thả bù hơn 62.857 ha, diện tích đang nuôi hơn 99.226 ha. Diện tích thiệt hại tôm thâm canh, bán thâm canh là 274 ha (tôm sú 113 ha; TTCT 161 ha); diện tích thiệt hại tôm quảng canh cải tiến là 558 ha. Nguyên nhân do ảnh hưởng của thời tiết làm cho nhiệt độ ao nuôi bị chênh lệch nhiều giữa ngày và đêm khiến cho một số yếu tố môi trường bị biến động, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus có hại trong ao phát triển, làm tôm nuôi giảm sức đề kháng, dễ bị nhiễm bệnh. Tôm bị thiệt hại chủ yếu do bệnh gan tụy, đốm trắng, sốc do biến động môi trường. Hiện nay tình hình thời tiết diễn biến chưa thuận lợi cho việc thả giống tôm, người nuôi đang tiến hành cải tạo; dự kiến tập trung thả giống nhiều từ tháng 4 - 6 dương lịch, theo mùa vụ thả giống được khuyến cáo (tôm sú thâm canh, bán thâm canh thả giống từ tháng 2 - 9/2017, TTCT thả giống từ tháng 12/2016 - 10/2017).
Tập trung những giải pháp tổng thể
Ông Dương Văn Thể, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, trong 2 tháng đầu năm diện tích tôm thiệt hại là 2.555 ha, bằng 58% (4.422 ha trong năm 2016) trong đó, dịch bệnh bị bệnh 2017 giảm 2016 (hoại tử gan tụy 272 ha, đốm trắng 124 ha, môi trường 439 ha). Một số thị trường như Hàn Quốc, EU, Ả rập Xê-út, Brazil, Mexico cũng đưa ra rào cản cho sản phẩm tôm Việt; chính vì vậy cần xây dựng chuỗi an toàn dịch bệnh để đáp ứng hơn yêu cầu của các thị trường, có giám sát để có cơ sở chứng minh. Ngày 10/3 tại TP Hồ Chí Minh, Cục Thú y đã có cuộc họp hướng dẫn triển khai xây dựng chuỗi an toàn dịch bệnh với các tỉnh ĐBSCL với sự tham gia của các sở, chi cục và doanh nghiệp. Mặt khác, vấn đề đầu tư cho giám sát dịch bệnh chưa được các địa phương chú trọng, cùng đó là khó khăn về vốn, chính vì vậy rất cần sự tham gia của các đơn vị và phối hợp với các doanh nghiệp tham gia.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, giá trị gia tăng trong ngành tôm là yếu tố quan trọng, muốn giải quyết bài toán về diện tích và sản lượng cần có giải pháp cụ thể, áp dụng công nghệ tiên tiến… Trong đó, vấn đề quan trắc môi trường tại các tỉnh cần thực hiện gấp rút hơn; đưa ra quy trình phòng bệnh trên tôm hùm tại các tỉnh miền Trung để hướng dẫn cho các hộ nuôi. Với TTCT trong mô hình quảng canh cải tiến cần nghiên cứu tại các địa phương, quản lý việc phát triển này ra sao dựa trên những tiềm năng, thế mạnh. Trung tuần tháng 3, Tổng cục Thủy sản sẽ có nhóm công tác với Cục Thú y đi khảo sát tại các tỉnh ĐBSCL để nắm bắt tình hình nuôi tôm trong những tháng đầu năm để có sự chỉ đạo sát sao trong sản xuất.
>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, để khắc phục điều kiện thời tiết cần thực hiện ương giống, các tỉnh có chính sách và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tại đây ương giống lớn để bán cho người nuôi quảng canh cải tiến giúp sản xuất hiệu quả. Khuyến nông cần nhân rộng và phổ biến các mô hình sản xuất cho người dân; cùng đó, sớm trình được kế hoạch hành động quốc gia về ngành tôm và thành lập Hiệp hội tôm Việt Nam.
Related news
Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra cho ngành tôm (tới 2025 phải đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD) là cơ hội và động lực cho ngành này
Điều kiện thời tiết bất lợi nên người nuôi còn chờ. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, cùng với việc tuân thủ lịch thời vụ người nuôi cần chọn con giống chuẩn.
So với các sản phẩm khác của ngành nông nghiệp, con tôm được đánh giá có nhiều lợi thế từ điều kiện tự nhiên, giá trị xuất khẩu, cạnh tranh trên thị trường