Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tìm Hướng Đi Bền Vững Cho Con Cá Tra

Tìm Hướng Đi Bền Vững Cho Con Cá Tra
Publish date: Monday. November 25th, 2013

Cá tra Việt Nam chiếm hơn 90% thị phần xuất khẩu cá tra thế giới, song, từ năm 2008 đến nay, niềm tự hào của ngành thủy sản đang phải trải qua cơn thoái trào: nhiều doanh nghiệp trên bờ vực phá sản, nông dân treo ao.

Ngoài nguyên nhân khách quan của thị trường thế giới, còn có những bất cập nội tại của ngành. "Làm thế nào để thay đổi cục diện ngành cá tra? Giải pháp nào để tái cơ cấu sản xuất và tiêu thụ cá tra?... là những câu hỏi được đặt ra trong buổi tọa đàm nông nghiệp, nông dân, nông thôn diễn ra sáng 22-11 tại Hà Nội.

Cá tra trong cơn suy thoái

Theo thông tin tại cuộc tọa đàm, cá tra là sản phẩm thủy sản xuất khẩu chiến lược của Việt Nam và là mặt hàng cá thịt trắng nuôi chiếm vị trí quan trọng thứ hai trên thị trường thế giới. Cá tra đã trở thành hiện tượng đột phá, đạt được những thành tựu vượt trội: chỉ trong vòng 12 năm (2000-2012), phương thức nuôi cá tra đã chuyển biến nhanh với năng suất nuôi bình quân đạt 500 tấn/héc ta; sản lượng trên 1,3 triệu tấn/năm; khối lượng thành phẩm xuất khẩu vượt 600.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu hàng năm lên đến 1,8 tỉ đô la Mỹ và xuất khẩu sang 136 quốc gia.

Ngành nuôi cá tra chỉ sử dụng một diện tích rất nhỏ, khoảng 6.000 héc ta, bằng 1% diện tích nuôi tôm và hầu như chưa đòi hỏi đầu tư nhà nước mà vẫn có năng lực cạnh tranh cao, tạo việc làm cho trên 300.000 công nhân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là ở các vùng nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Tuy nhiên, sau thời kỳ phát triển nóng, từ năm 2008 đến nay, ngành sản xuất cá tra Việt Nam gặp khó khăn, thách thức ngày càng gay gắt, sản xuất và xuất khẩu chững lại, biến động theo chiều hướng xấu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), diện tích nuôi cá tra 9 tháng đầu năm 2013 chỉ đạt khoảng 5.600 héc ta, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng cá tra đã thu hoạch chỉ đạt 732.000 tấn, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước.

Uy tín chất lượng của sản phẩm cá tra tại nhiều thị trường bị suy giảm nghiêm trọng, tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng rất thấp (chưa đạt 1% tổng giá trị xuất khẩu cá tra). Theo ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), doanh nghiệp và người nuôi cá tra đã và đang phải trải qua giai đoạn “cực kỳ” khó khăn, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, người nuôi treo ao hoặc bỏ nghề.

Những khó khăn này được thể hiện ngay ở thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là thị trường EU. Theo Bộ NN-PTNT, xuất khẩu cá tra sang EU giảm liên tục, từ mức 581 triệu đô la Mỹ năm 2008 xuống còn 425 triệu đô la Mỹ năm 2012, tốc độ giảm trung bình trên 5%/năm, thậm chí năm 2012 giảm tới 18,8%.

Tỷ trọng của thị trường EU giảm xuống gần một nửa, từ 48% năm 2007 xuống còn 24,4% năm 2012. Trong 8 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu cá tra sang EU tiếp tục đà suy giảm: giá trị chỉ đạt 254 triệu đô la Mỹ (giảm 12,9% so với cùng kỳ năm 2012), tỉ trọng thị trường chỉ còn 22,4%.

Bên cạnh những tác động bất lợi từ bên ngoài, theo VASEP, sự yếu kém của các doanh nghiệp ngành cá tra và cơ chế quản lý còn nhiều hạn chế của Nhà nước cũng là nguyên nhân gây ách tắc trong ngành kinh tế quan trọng này.

Phải tái cơ cấu

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, để ổn định và quản lý được việc nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra cũng như tạo điều kiện để các doanh nghiệp được phát triển trong một cơ chế công bằng, cạnh tranh lành mạnh và nâng cao được giá trị cá tra thì việc sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra cần được quy định là những hoạt động sản xuất kinh doanh có điều kiện.

Theo ông Dũng, về xuất khẩu, 94 doanh nghiệp có nhà máy chế biến cá tra đã chiếm 90% giá trị xuất khẩu. Các doanh nghiệp thương mại thuần túy (không có nhà máy chế biến) chỉ chiếm khoảng 10% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

“Một số doanh nghiệp loại này lợi dụng những lỗ hổng trong quản lý Nhà nước, cạnh tranh không lành mạnh, tác động tiêu cực tới thị trường, làm giảm chất lượng và hình ảnh cá tra Việt Nam. Việc quy định điều kiện xuất khẩu các tra sẽ tạo điều kiện để áp dụng các biện pháp quản lý hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra một cách có hiệu quả” – ông Dũng nhấn mạnh.

Ngoài ra, để hạn chế hiện tượng thừa thiếu sản lượng cá tra do thiếu cơ chế liên kết giữa khâu sản xuất nguyên liệu với khâu chế biến, xuất khẩu và tiêu thụ, VASEP đề nghị áp dụng cơ chế phân bổ và kiểm soát hạn ngạch sản lượng nuôi cá tra.

Theo đó, hàng năm, căn cứ dự báo tình hình thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, Bộ NN-PTNT chủ trì cùng UBND các tỉnh đồng thuận mức sản lượng cá tra năm sau và thống nhất phân bổ quota cho từng tỉnh. Sau đó, UBND tỉnh cùng với hiệp hội thủy sản tỉnh phân bổ quota sản lượng nuôi cá tra cho từng trại nuôi cá tra đã được cấp phép, phù hợp với điều kiện tự nhiên và năng lực của từng trại; đồng thời chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát việc thực hiện quota đó.

Hơn nữa, để tổ chức lại xuất khẩu, cần nghiên cứu áp dụng thí điểm việc tổ chức một đầu mối dịch vụ xuất khẩu các tra sang thị trường EU, sau đó rút kinh nghiệm mở rộng sang thị trường khác.

Cụ thể, theo ông Dũng, cần thiết lập một đầu mối dịch vụ xuất khẩu và phân phối sản phẩm cá tra, đảm nhiệm các khâu: dịch vụ đại lý, vận chuyển, logistics, kho ngoại quan, bán đấu giá trên sàn điện tử, phân phối đến khách hàng và dịch vụ đại lý thanh toán.

Theo ông Dũng, ưu điểm của phương thức tổ chức này là giảm đáng kể chi phí vận chuyển, các doanh nghiệp có cơ hội bán hàng trực tiếp cho các chuỗi siêu thị và các nhà bán lẻ lớn, nhờ đó, giá cá tra sẽ được nâng lên đáng kể; giá cá được thị trường xác lập qua cơ chế đấu giá công khai, giúp loại trừ được nguy cơ của các vụ kiện chống bán phá giá; việc thanh toán sẽ minh bạch và nhanh chóng, tránh tình trạng nợ đọng.


Related news

1 sào đậu tương = 3 sào lúa 1 sào đậu tương = 3 sào lúa

Đậu tương vốn là cây trồng tưởng chỉ xuất hiện ở vụ đông nhưng Hà Nội đang đi tiên phong trong phát triển đậu tương hè với năng suất và hiệu quả kinh tế thực sự gây ấn tượng…

Friday. September 11th, 2015
Nhãn chín muộn Hà Nội Nhãn chín muộn Hà Nội

Hà Nội có rất nhiều giống nhãn muộn nhưng phổ biến là HTM1 (quả méo) và HTM2 (quả tròn) với đặc điểm là quả to, cùi dày, trọng lượng trung bình 50 - 60 quả/kg và chín muộn hơn các giống nhãn khác tới 30 - 45 ngày.

Friday. September 11th, 2015
Tiến bộ kỹ thuật sản xuất vụ đông Tiến bộ kỹ thuật sản xuất vụ đông

Nhiều giải pháp kỹ thuật trong SX vụ đông đã được Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN-PTNT) giới thiệu, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả SX nông sản.

Friday. September 11th, 2015
Bí đỏ Hai mũi tên đỏ Bí đỏ Hai mũi tên đỏ

Bà con dân tộc ở 2 tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk (nói chung) và người dân thôn C3, xã DLieYang, huyện EaHleo, Đăk Lăk (nói riêng) vẫn còn lâng lâng vì thu nhập cao từ trồng bí đỏ bằng giống Suprema của Cty Hai mũi tên đỏ.

Friday. September 11th, 2015
Nuôi ghép cá lóc Nuôi ghép cá lóc

Cá lóc giờ đây đã trở thành đối tượng nuôi quen thuộc của người dân Nam bộ. Có rất nhiều hình thức nuôi cá lóc nhưng phổ biến nhất là nuôi thâm canh trong ao đất với năng suất lên đến hàng trăm tấn/ha.

Friday. September 11th, 2015