Tìm được bến đỗ với nghề nông với chim bồ câu Pháp
Nuôi mộng làm giàu từ chăn nuôi, nhưng anh Lịch cũng trải qua trầy trật những vấp ngã, thất bại, trước khi thành công với nghề nuôi chim bồ câu Pháp.
Hiện mỗi tháng trang trại anh Lịch xuất ra thị trường từ 2.000 - 3.000 con bồ câu thương phẩm, hơn 4.000 con giống. Ảnh: Trần Toàn.
Từ một lao động nghèo, làm qua đủ thứ nghề như thợ xây, bốc vác…, anh Nguyễn Thanh Lịch (sinh năm 1981) ở thôn Phương Hạnh, xã Tân Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội đã đổi đời với trang trại nuôi hơn 4.000 cặp chim bồ câu Pháp.
Ngộ ra 'làm nông nghiệp không dễ ăn'
Do gia đình gặp nhiều khó khăn nên học cấp 2 xong, anh Lịch bắt đầu đi làm. Tháng ngày gian khó, anh Lịch nung nấu ước mơ làm giàu. Anh tích cóp tiền, vay vốn đầu tư nuôi nhím, nuôi chồn nhung. Nhưng rồi mọi kế hoạch liên tục thất bại, anh ngộ ra làm nông nghiệp không dễ ăn như nhiều người lầm tưởng, bởi anh chưa có kinh nghiệm, tay trắng vẫn hoàn tay trắng.
Năm 2011, anh bén duyên với mô hình nuôi chim bồ câu Pháp khi anh vào huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) cùng người bạn. Từ hiệu quả của trang trại này, đã vực lại ý chí làm giàu từ nông nghiệp trong anh. Trở về nhà, anh Lịch bàn bạc với gia đình và mạnh dạn vay ngân hàng 50 triệu đồng mua 60 cặp chim bồ câu sinh sản.
Để có được thành công như ngày hôm nay, anh Lịch cũng đã trải qua những lúc thất bại. Anh Lịch tâm sự: Lúc đầu, ngoài khó khăn về vốn anh cũng chưa có kỹ thuật, kinh nghiệm thực tế trong nuôi dưỡng, chăm sóc chim bồ câu Pháp. Dù chim bồ câu Pháp dễ nuôi, ít dịch bệnh nhưng ngay lứa đầu tiên, khi nhập vacxin để tiêm phòng cho chim, do bảo quản không đúng cách dẫn đến việc sau khi được tiêm chim chết hơn một nửa. Đó là bài học thấm thía với anh.
"Chán nản, đã có lúc tôi nghĩ bỏ nghề nuôi chim bồ câu. Bố mẹ tôi thì khuyên quay lại Hà Nội để tìm cơ hội mới. Nhiều đêm trăn trở, nghĩ thấy số tiền đầu tư vào chuồng trại qúa lớn nên tôi đã quyết tâm làm lại…", anh Lịch kể.
Sau thất bại lần đầu, anh Lịch thận trọng hơn, anh không mua ồ ạt mà tìm chọn những con bồ câu khoẻ mạnh, cứng cáp để làm giống. Chuỗi ngày sau đó, anh lang thang khắp các tỉnh thành. Ở đâu có trang trại nuôi chim bồ câu giống, anh Lịch cũng vào hỏi thăm, tìm hiểu kinh nghiệm.
Thực tiễn chưa đủ, anh mày mò học qua các trang báo, trang web, kênh youtube về chăn nuôi gia cầm… Với những kiến thức thu được, anh áp dụng vào số chim bồ câu còn lại ở nhà. Sau vài tháng, đàn chim khỏe mạnh, sinh sản tốt, anh Lịch liều vay thêm tiền mua 1.000 cặp chim bồ câu Pháp bố mẹ nữa.
Để có thành công hôm nay, anh Lịch đã trải qua trầy trật những vấp ngã. Ảnh: Trần Toàn.
Số lượng đàn chim bồ câu Pháp tăng lên cũng là lúc chuồng trại chật hẹp. Hệ thống chuồng cũ không đáp ứng đủ nhu cầu kỹ thuật và phát triển của đàn. Khi công việc từ nuôi chim bồ câu khấm khá, thu nhập dư dả, anh Lịch mạnh dạn vay mượn, thế chấp mảnh đất gia đình đang ở cho ngân hàng để mua mảnh đất rộng 3ha hoang hóa, cằn cỗi nơi cuối làng và xây dựng khu chăn nuôi quy mô lớn.
Anh Lịch chia sẻ, hình thức nuôi nhốt tập trung có nhiều ưu điểm như: Tỉ lệ hao hụt ít, chim ít bị bệnh, quản lý được năng suất đẻ và chất lượng thịt… Thức ăn cho chim chủ yếu là cám vịt, ngô trộn theo tỉ lệ 50 - 50.
Đầu năm 2021, dịch cúm gia cầm xuất hiện ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Để đề phòng dịch bệnh, anh Lịch chủ động tiêu độc, khử trùng, cho chim uống vacxin phòng bệnh. Sau khi dọn phân, anh rải vôi bột, phun thuốc sát trùng.
"Nuôi chim bồ câu không khó, quan trọng là tỉ mỉ và chịu học hỏi. Niềm đam mê của tôi là gắn bó với giống chim bồ câu Pháp, chăm sóc chúng còn hơn cả bản thân mình. Hàng ngày, cứ tỉ mỉ ghi chép, đánh dấu số tuổi, tính toán số lượng con giống, thường xuyên kiểm tra nhiệt độ chuồng trại để ngăn bệnh kịp thời. Con nào con nấy, cứ lớn nhanh, khỏe mạnh là tôi vui lắm rồi", anh Lịch nói.
Trải nghiệm từ nuôi bồ câu
Anh Lịch chia sẻ: Ban đầu, mục đích anh chỉ nuôi chơi và gia đình sử dụng là chủ yếu nhưng sau khi thấy có tiềm năng lớn về thị trường tiêu thụ nên vợ chồng anh đã quyết định mở rộng chuồng trại đầu tư. Đặc biệt, thức ăn của bồ câu chủ yếu là bột cám, gạo, bột bắp có sẵn tại địa phương.
Một cặp chim bồ câu ăn 100 g/ngày, tính ra chi phí tốn khoảng 1.000 đồng. Thức ăn và nước uống của chim được lắp đặt theo hệ thống dây chuyền. Vì vậy, với số lượng 4 nghìn cặp bố mẹ chim sinh sản như hiện nay, gia đình anh thuê thêm 3 người làm chủ yếu cho chim ăn, uống và dọn vệ sinh, chăm sóc thú y.
Đưa chúng tôi tham quan trang trại chim bồ câu Pháp của gia đình, khác kiểu nuôi thông thường, mỗi cặp bồ câu bố mẹ được anh Lịch bố trí nuôi trong lồng riêng rộng 50 cm, chiều cao từ 2,5 – 3m nhằm kháng bệnh và cho trọng lượng cao hơn. Chuồng trại được anh xây khép kín và có giàn quạt thông gió nên rất thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Hơn nữa, còn được đầu tư hệ thống nước uống tự động, tiết kiệm thời gian chăn nuôi.
Mười năm gắn bó với nghề nuôi chim bồ câu Pháp, anh Lịch cho biết: Chim bồ câu Pháp rất dễ nuôi; tuy nhiên người nuôi muốn thành công phải đặc biệt chú ý đến khâu lựa chọn con giống. Theo đó, phải chọn con chim giống khoẻ mạnh, không được xù lông, sã cánh; chân, cánh không được dị tật…
Tiếp theo, nguồn thức ăn chủ yếu là ngô (chiếm 70%) và cám, bữa ăn chia làm 2 lần/ngày (bữa sáng từ 7 - 8 giờ sáng và bữa chiều là 14 giờ ). Với chim bố mẹ, mỗi ngày phải cho ăn thêm và phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại; thức ăn, nước uống phải sạch sẽ, không bị nấm mốc.
Ngoài ra, theo anh Lịch phải chú ý đến các nguy cơ khiến chim bị nhiễm bệnh. Cụ thể, chim bồ câu Pháp hay bị bệnh theo mùa, tháng 1, 2 chim hay bị bệnh đậu, bệnh newcastle; mùa đông chim hay bị bệnh thở, đường hô hấp, thương hàn. Vì vậy, trong quá trình nuôi, người nuôi nên tiêm vacxin phòng bệnh đúng định kỳ cho chim.
“Tuỳ theo độ tuổi của chim, thời tiết không mưa gió, nắng ráo vừa phải thì mình tiến hành tiêm cho chim. 1 năm chim được tiêm vacxin 2 lần. Những năm đầu do chim không được tiêm phòng nên tỉ lệ hao hụt rất nhiều…”, ông chủ 8X Nguyễn Văn Lịch cho hay.
Giống chim bồ câu Pháp có khả năng sinh sản rất đều và cao. Mỗi con bồ câu mái nếu nuôi tốt, sau từ 4 - 5 tháng tuổi bồ câu bắt đầu đẻ lứa đầu tiên, mỗi lứa đẻ 2 trứng, sau 16 - 20 ngày ấp sẽ nở chim non, chim non được chim bố, mẹ chăm sóc tại chuồng. Khoảng 4 - 7 ngày sau, chim mái tiếp tục đẻ trứng, cứ như vậy, trong vòng 1 năm, từ 1 cặp bồ câu bố mẹ sẽ sinh sản khoảng 8 - 10 lần và duy trì suốt 5 năm. Chim non sau 13 ngày thì tách mẹ để bán. Đến nay, trang trại của anh đã phát triển đàn hơn 4.000 cặp chim bố mẹ, thu nhập ổn định.
Hệ thống chuồng nuôi được anh Lịch đầu tư rất bài bản, khoa học. Ảnh: Trần Toàn.
Bên cạnh cho chim bố mẹ ấp tự nhiên, anh Lịch còn sử dụng thêm máy ấp trứng, tăng tỷ lệ trứng ấp nở thành công đến 95%. Sau khi trứng ấp 17 - 18 ngày nở thành con, anh chuyển về chuồng cho bố mẹ nuôi. Tuy nhiên, anh Lịch khẳng định, chim ấp tự nhiên, tỷ lệ nuôi sống cũng rất cao. Bởi thế, anh không muốn phụ thuộc quá nhiều vào máy ấp trứng.
"Tôi chủ yếu để ấp tự nhiên. Máy ấp được khoảng 1.000 trứng. Đôi nào đẻ trứng cho vào máy tôi sẽ tách riêng và cho ấp trứng giả. Như vậy, chim sẽ không quên cách ấp", anh Lịch cho hay.
Anh Lịch tâm sự, nuôi chim bồ câu Pháp giúp thay đổi cuộc sống của gia đình mình và cho bản thân nhiều trải nghiệm hơn. "Các bạn trẻ nếu có tâm huyết với nghề này, hãy bắt đầu nuôi số lượng nhỏ, khoảng 100 - 200 con lấy kinh nghiệm. Quá trình nuôi nếu muốn học hỏi hay tìm hiểu, tôi luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm đúc rút trong 10 năm qua", anh Lịch cho biết.
Sau gần 10 năm, bỏ ra nhiều công sức, hiện trang trại nuôi chim bồ câu Pháp của anh Lịch hiện mỗi tháng xuất ra thị trường từ 2.000 - 3.000 con thương phẩm, hơn 4.000 con giống, ước tính doanh số cả tỷ đồng/năm.
Related news
Do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nhiều trại nuôi thủy sản thâm canh đều khó khăn. Tuy nhiên, các trại thủy sản nuôi bán thâm canh vẫn có lãi tốt.
Sản xuất lúa hữu cơ trên ruộng rươi không chỉ giúp tạo môi trường thuận lợi để bảo tồn nguồn lợi rươi tự nhiên mà còn gia tăng nhiều khoản thu nhập
Infarm, công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Amsterdam (Hà Lan) chuyên canh tác thẳng đứng các loại thực phẩm trong nhà trên các giá đỡ, được định giá hơn 1 tỷ USD