Tiêu đen Việt giảm uy tín
Lời cảnh cáo
Năm ngoái, ngày 12.5, Hiệp hội Gia vị châu Âu đã phải phát đi cảnh báo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá cao ở sản phẩm tiêu đen Việt Nam. Tuy chưa có lô hàng nào bị trả về, nhưng đây là một lời cảnh tỉnh khi tình trạng sử dụng thuốc tràn lan, không khoa học của người trồng và sản xuất tiêu.
Chưa đầy một năm sau, tháng 2.2016, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha, Bộ Y tế Tây Ban Nha lại một lần nữa cảnh báo về chất lượng đối với hạt tiêu đen Việt Nam. Nguyên nhân chính là Ủy ban Châu Âu đã phát hiện trong tiêu đen của Việt Nam xuất khẩu qua Tây Ban Nha có hàm lượng chất Carbendazim- chất diệt nấm vượt quá hạn mức cho phép.
Công hàm này lưu ý, trong thời gian tới Tây Ban Nha sẽ sử dụng các biện pháp kiểm soát cao với hạt tiêu đen nhập khẩu. Với lô hàng tiêu đen bị phát hiện sẽ bị thu giữ mẫu hàng, lưu giữ toàn bộ lô hàng và chờ kết quả phân tích chính thức. Đây là lô hàng của Công ty CP Phục Sinh- một đơn vị xuất khẩu tiêu của Việt Nam.
Lời cảnh báo đã trở thành hành động quyết liệt của nước nhập khẩu. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam xác nhận, tuy số sản phẩm bị trả về không nhiều nhưng uy tín của ngành hồ tiêu nước nhà sẽ bị ảnh hưởng không hề nhỏ. Tuy nhiên, điều lo lắng nhất là việc các đối thủ khác của Việt Nam lợi dụng tình hình này để làm ảnh hưởng uy tín ngành hồ tiêu Việt Nam.
Số liệu từ Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha cho thấy, tiêu của Việt Nam vào thị trường này chỉ đứng sau Trung Quốc. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu tiêu Việt Nam vào Tây Ban Nha đạt 34,2 triệu USD, tăng 33,6% so với năm 2014.
Thiệt hại uy tín không hề nhỏ
Ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, năm 2015, giá trị sản phẩm hồ tiêu rất tốt. Tính đến tháng 11.2015, cả nước có 86.000ha sản xuất hồ tiêu, sản lượng niên vụ 2015 đạt 130.000 tấn, giảm 26.000 tấn so với niên vụ trước.
Xuất khẩu hồ tiêu năm qua giảm về lượng nhưng giá trị tăng so với 2014, ước đạt khoảng 6.000 tấn, thu về 1,2 tỷ USD. Người dân tích trữ hồ tiêu khá nhiều nên họ đã làm chủ được thị trường giá cả. Tuy nhiên, theo ông Nam, hiện nay, vẫn còn tình trạng trộn tiêu xấu và tốt để bán. Và khi Tây Ban Nha phát đi lời cảnh cáo đến toàn châu Âu về chất lượng tiêu Việt Nam, nỗi lo không mới nhưng thiệt hại đã bắt đầu thấy rõ.
“Tôi lo rằng các đối thủ khác của Việt Nam sẽ lợi dụng lúc này để hạ uy tính ngành hồ tiêu Việt Nam. Các nước nhập khẩu sẽ nhân dịp này tẩy chay sản phẩm hồ tiêu Việt Nam; nhiều nước sẽ dựng lên hàng rào kỹ thuật với hồ tiêu Việt Nam” - ông Nam nói.
Ông Nam cho biết do diện tích những năm qua tăng lên quá nhanh nên việc kiểm soát người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật rất khó. Cùng với đó, Việt Nam chưa kiểm soát được chất lượng hồ tiêu ngay từ trong nước nên khi xuất khẩu, bị phát hiện không đạt là phải trả về.
“Chỉ có cách tăng cường kiểm định hàng hóa bằng cách lập các đơn vị kiểm định hàng hóa trong nước. Song song với đó phải xây dựng các vùng trọng điểm để kiểm soát chất lượng, xuất xứ của hồ tiêu” - ông Nam nói.
Related news
Tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, hơn 1.500ha thảo quả của người dân đã bị chết sau đợt băng giá kỷ lục tại miền núi phía Bắc vừa qua.
Việc Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng yêu cầu lãnh đạo huyện Củ Chi liên hệ với lãnh đạo Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) để bàn việc thu mua sữa bò của nông dân trên địa bàn huyện xuất phát từ bản kiến nghị của Hội Nông dân TP.HCM.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk các nhà máy đường đã thu mua giá mía cây từ 860 đến 935 đồng/kg mía (với 10 chữ đường), tăng từ 210 đến 286 đồng/kg mía cây so với niên vụ năm 2015.