Tiềm năng phát triển nghề nuôi ong lấy mật
Nhận thấy mô hình nuôi ong lấy mật cho hiệu quả kinh tế khá cao, nhiều hộ dân đã đầu tư phát triển nghề chăn nuôi này và đồng thời mở rộng quy mô để kinh doanh dịch vụ các sản phẩm từ ong mật. Đây là mô hình có tiềm năng phát triển theo hướng bền vững, mở ra hướng phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Nuôi ong lấy mật được xem là mô hình mang lại nhiều lợi ích cho hộ nuôi.
Đa dạng sản phẩm từ mật ong
Nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng sử dụng mật ong có chất lượng, đảm bảo an toàn, anh Nguyễn Minh Tùng ở ấp Trường An, xã Trường Khánh (Long Phú) đã thành lập Công ty TNHH Ong Xanh chuyên sản xuất mật ong hữu cơ do anh làm giám đốc. Anh cho biết: “Sau khi tìm hiểu, tôi biết được nhu cầu sử dụng mật ong trên thị trường ngày càng tăng, nhưng vấn đề chất lượng sản phẩm được người tiêu dùng quan tâm hơn. Tôi đã có ý tưởng làm nên sản phẩm mật ong hữu cơ, đảm bảo chất lượng, vệ sinh, không bị nhiễm đường và thuốc bảo vệ thực vật, thông qua việc tận dụng khu vườn của gia đình, với nhiều loại cây ăn trái làm môi trường sống, nuôi dưỡng đàn ong để khai thác mật”.
Đưa chúng tôi ra khu vườn tham quan mô hình nuôi ong, anh Tùng chia sẻ: “Đầu năm 2015, tôi bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình. Tôi mua con giống ở huyện Kế Sách về nuôi thử nghiệm chỉ một thùng gỗ, với thiết kế có các khay và hộp nhỏ để ong có thể làm tổ và cho mật. Sau 1 tháng nuôi, thu được 2 lít mật nguyên chất. Từ hiệu quả bước đầu, tôi quyết định đầu tư mở rộng quy mô để phát triển mô hình này”.
Hiện nay, khu vườn của anh Tùng đã có 30 thùng gỗ, với khoảng 1.500 hộp để ong làm tổ. Trung bình mỗi tháng, lượng mật thu được khoảng 60 lít, đảm bảo về chất lượng khi tối thiểu thủy phần dưới 23%, bán được giá từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng/lít.
“Cùng với sản phẩm mật ong hữu cơ, công ty còn cung cấp đa dạng các mặt hàng khác như: mật ong nguyên sáp, phấn hoa, ong mật giống, dịch vụ thụ phấn cây trồng. Ngoài ra, công ty chúng tôi đang nghiên cứu phương pháp cô đặc mật ong thành đường, rất tốt cho sức khỏe khi sử dụng hàng ngày thay cho đường mía hay đường hóa học tinh luyện” - anh Tùng cho biết thêm.
Hiện tại, nhiều sản phẩm của Công ty TNHH Ong Xanh được bày bán tại các trạm dừng chân cũng như một số điểm tham quan du lịch trong tỉnh. Không chỉ vậy, mô hình nuôi ong của anh Tùng đang được xem là địa điểm tham quan học hỏi của nhiều cá nhân, phòng nông nghiệp tại các địa phương lân cận. Với việc phát huy được tiềm năng, thế mạnh riêng và sự tuân thủ quy trình của người nuôi, sản phẩm mật ong sạch của Công ty TNHH Ong Xanh có thể trở thành sản phẩm chủ lực và phát triển trên quy mô lớn, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Để mô hình nuôi ong lấy mật đạt hiệu quả
Vốn dĩ nghề nuôi ong lấy mật có từ lâu đời, nhưng mấy năm gần đây bắt đầu phát triển nở rộ ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh, như huyện Cù Lao Dung đã thành lập được Tổ hợp tác Nuôi ong ở xã An Thạnh 1. Trong năm nay, Trạm Khuyến nông huyện Mỹ Tú cũng triển khai thực hiện mô hình nuôi ong lấy mật tại nông hộ, với quy mô 20 thùng ong giống/hộ; ước năng suất mật bình quân 20 lít/thùng/năm, với sản lượng mật đạt 360 lít/năm thì thu nhập bình quân tăng thêm cho hộ nuôi có thể được khoảng 2,7 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ về những kinh nghiệm thực hiện mô hình nuôi ong lấy mật cũng như những khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, anh Nguyễn Minh Tùng cho biết: “Để thực hiện mô hình, điều kiện cần nhất là phải có một khoảng vườn nhỏ để đặt đàn ong và che mát cho nó. Có thể đặt ở khu vực có vườn cây ăn trái hay vườn tạp, nhưng bắt buộc nơi đó phải có phấn hoa. So với những con vật khác, nuôi ong ổn định hơn và không có nhiều dịch bệnh như các loài gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, khi mới thực hiện cũng có những khó khăn như là vấn đề tiêu thụ, nhưng khi khẳng định được chất lượng sản phẩm và tạo được sự tin tưởng cho khách hàng thì việc tiêu thụ bắt đầu trôi chảy hơn.”
Đồng chí Ngô Hiền Triết – cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng cho biết: “Nhằm thực hiện chủ trương đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn của mỗi huyện, thì mô hình nuôi ong lấy mật được xem là nghề mới tạo công ăn việc làm và giúp họ có thu nhập tăng thêm. Đây là một loài vật sống chủ yếu từ các nguồn thức ăn tự nhiên, trong quá trình nuôi ít sử dụng các loại thức ăn nhân tạo, ít sử dụng kháng sinh. Bên cạnh đó, trong quá trình lấy mật cũng như là phấn hoa, con ong sẽ giúp thụ phấn cho các loại cây trồng và hoa màu, từ đó sẽ làm tăng hiệu quả đậu trái của cây trồng”.
Đồng chí Ngô Hiền Triết lưu ý: Để nuôi ong mật cho hiệu quả cao, người chăn nuôi cần chú trọng đến kỹ thuật nuôi từ khâu chọn giống, chọn địa điểm, tạo chúa và cho đến thu hoạch mật. Nếu như đáp ứng đầy đủ các quy trình kỹ thuật trong quá trình nuôi, sẽ giúp cho đàn ong sinh trưởng mạnh, ít dịch bệnh, tăng sản lượng và chất lượng của mật ong, góp phần tăng hiệu quả kinh tế của nghề nuôi ong.
Related news
Hàng chục lồng cá chép giòn, cá lăng và cá diêu hồng đem lại thu nhập hơn 1 tỷ đồng hàng năm cho nông dân Hưng Yên.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Gia Lâm, Hà Nội nuôi giun quế để bán giun thành phẩm, phân sạch và dịch nhầy để làm giàu.
Mô hình nuôi tôm áp dụng công nghệ Biofloc được nhiều nước trên thế giới áp dụng rất phổ biến, tại Việt Nam từ năm 2018 các địa phương giáp biển đều áp dụng