Thực Phẩm Chuyển Gen Chỉ Có Lợi
Thực phẩm chuyển gen (GMF) là những thực phẩm được sinh ra hay chế biến từ các cơ thể chuyển gen (GMO- genetically modified organisms). Việc chuyển các gen có lợi vào cây trồng hay vật nuôi là một thành tựu vĩ đại của kỹ thuật di truyền (genetic engineering). GMF xuất hiện từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước với các cây thực phẩm như lúa mỳ, đậu tương, ngô, cà chua...
Trong khoảng thời gian 1996-2005 cây trồng chuyển gen đã được triển khai trên một diện tích rất rộng lớn – khoảng 900 000 km2, có tới 55% là ở Hoa Kỳ. Đến năm 2005 tại Brazil đã có 94 000km2 đậu tương chuyển gen được gieo trồng. Theo thống kê năm 2003 thì cây trồng chuyển gen chủ yếu được triển khai tại Hoa Kỳ (63%), Argentina (21%), Canada (6%), Brazil (4%), Trung Quốc (4%), Nam Phi (1%). Từ năm 2000 đã có 13 nước thực hiện việc triển khai cây trồng chuyển gen. Ngoài các nước nói trên còn có Australia, Bulgaria, Pháp, Đức, Mexico, Rumani, Tây Ban Nha và Uruguay.
Tại Hà Nội đã có một Hội thảo khoa học rất đáng chú ý giữa các nhà khoa học Mỹ và Việt Nam về vấn đề này. Giáo sư Wayne Parrot - một chuyên gia về đất và cây trồng tại Đại học Georgia - nhấn mạnh tiềm năng của thực vật chuyển gen, nhất là ngũ cốc và hoa quả. Ông nói: "Việc thiếu thông tin về thực vật chuyển gen gây ra những nỗi nghi ngờ và sợ hãi cho người sử dụng. Thực tế, công nghệ gen đã làm tăng năng suất, dẫn tới sự giảm giá ngũ cốc trên toàn cầu, khiến tỷ lệ suy dinh dưỡng trong cộng đồng thế giới ngày một giảm".
Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận về nghiên cứu gen, như việc phát hiện các gen kháng sâu và thuốc diệt cỏ, cùng các gen chỉ thị liên quan đến khả năng chống bệnh đạo ôn, bạc lá của lúa, nhân gen, chỉ thị phân tử ADN, nghiên cứu di truyền miễn dịch thực vật, sản xuất vacxin cho gia súc, gia cầm...Tuy nhiên, công nghệ sinh học ứng dụng trong nông nghiệp ở nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn, như thiếu các chuyên gia giỏi, bị hạn chế về đầu tư, hạn chế về công nghệ, về tổ chức, triển khai... Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung mũi nhọn vào nghiên cứu công nghệ gen, chỉ thị phân tử bản đồ gen, hệ gen chức năng (funcional genomics), di truyền miễn dịch, bệnh học phân tử.
Việt Nam vẫn chưa xây dựng xong quy chế Quản lý về an toàn sinh học và có lẽ phải tới năm 2010 mới có thể hoàn thành (!). Việc thiếu một quy chế về an toàn sinh học, cũng như những vấn đề về sở hữu trí tuệ, rào cản kỹ thuật đối với thương mại, nhãn hiệu sản phẩm... chính là nguyên nhân khiến sản phẩm công nghệ sinh học của Việt Nam chưa nâng cao nhanh chóng được sản lượng, chất lượng và khó đặt chân vào thị trường quốc tế.
Thực ra thì hầu hết các mẫu thức ăn chăn nuôi trên thị trường Việt Nam hiện đều chứa sản phẩm biến đổi gen (như ngô và đậu tương) với một tỷ lệ nào đó, theo điều tra mới đây của Bộ NN-PTNT. Phần lớn chúng được nhập chính thức qua các công ty liên doanh với nước ngoài, và chưa được kiểm soát. Từ tháng 8/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, sản phẩm, hàng hoá có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen.
Theo đó, cho phép nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh sinh vật biến đổi gen hoặc sản phẩm của chúng đã được cấp giấy chứng nhận an toàn, song trên nhãn phải ghi rõ: "Sản phẩm có sử dụng công nghệ chuyển gen". Nhưng đến nay, do thiếu văn bản hướng dẫn thực hiện nên quy chế trên vẫn chưa thực sự phát huy tác dụng. Qua điều tra trên, Bộ NN-PTNT cũng nhận định, rất có thể một số thực phẩm chế biến từ đậu tương, ngô, cải dầu... đang được lưu hành trên thị trường có chứa sản phẩm biến đổi gen mà ngoài nhãn mác không hề ghi rõ.
PGS Lê Trần Bình, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học có một ý kiến rất đáng chú ý: "Việc phát triển thực phẩm biến đổi gen cũng giống như việc đi máy bay, biết rõ là sẽ có rủi ro là máy bay có thể gặp tai nạn, nhưng chúng ta không thể không đi mà chỉ có cách chuẩn bị tốt nhất để đảm bảo cho chuyến bay an toàn".
Một thời gian dài, các nước EU không chịu nhập thực phẩm chuyển gen của Mĩ, nhưng về sau này họ chỉ yêu cầu thực phẩm chuyển gen phải có lí lịch chuyển gen rõ ràng. Từ giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước hơn 60% sản phẩm lương thực, thực phẩm chế biến ở các siêu thị Mỹ như bánh pizza, khoai tây lát, xi-rô ngô, bột mỡ, đậu tương, cải dầu,… đều là các thực phẩm chuyển gen.
Về ý kiến ý cho rằng sinh vật biến đổi gen có thể gây tác hại về lâu dài như chuyển gen sang các loài khác, gây bùng phát dịch, người ăn vào sẽ bị đột biến... PGS Lê Trần Bình cho rằng: những ý kiến như vậy xuất phát từ việc thiếu hiểu biết, và không chứng minh được tác hại của chúng.
Có người vẽ ra viễn cảnh rằng các loài cỏ dại có thể nhận được gen kháng thuốc của lúa, trở thành siêu cỏ và không thể diệt nổi. Thực tế, hiện tượng đột biến ở cỏ, hay phát triển khả năng kháng thuốc là hoàn toàn bình thường, vẫn xảy ra trong tự nhiên, chứ không chờ tới khi có sinh vật biến đổi gen. Mặt khác, đối với thực vật bậc cao, việc gen của cây này "phát tán" sang cây kia chỉ có thể xảy ra thông qua thụ phấn chéo, và chỉ khi chúng cùng loài, hoặc rất gần loài với nhau. Trong lịch sử tiến hóa, chưa bao giờ các loài xa nhau có thể trộn lẫn gen vào nhau được, nếu chuyện đó xảy ra thì giờ chúng ta đã có đủ loài kỳ quái. Thế giới hiện có tới 50-60 triệu ha cây trồng biến đổi gen, mà chưa có trường hợp nào được ghi nhận là gây ảnh hưởng tới môi trường.
PGS Lê Trần Bình khẳng định việc đưa các cây trồng chuyển gen vào Việt Nam là chuyện chỉ có lợi mà thôi. Ông cho biết: Việc nghiên cứu sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi chuyển gen thực sự là một cơ hội phát triển và là công cụ mạnh để thúc đẩy nền kinh tế. Ai đứng ngoài cuộc lúc này thì sẽ bỏ mất cơ hội đó, kéo đất nước đi chậm lại. Công nghệ chuyển gen nâng cao năng suất cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực, giảm chi phí phòng sâu bệnh, tạo ra sản phẩm theo ý muốn...
Lợi ích của nó là rất lớn. Ví dụ hiện nay, với cây bông thường, một vụ cần đến 16-17 lần phun thuốc trừ sâu. Trong khi với cây bông kháng sâu mà ta tạo ra được thì không cần phun thuốc trừ sâu, chỉ còn phải phun thuốc trừ bệnh. Như vậy, giá thành sẽ rẻ hơn nhiều giá bông nhập khẩu. Ở đây vấn đề không còn là thích hay không thích nữa, mà là nếu thị trường Việt Nam không chấp nhận cây bông chuyển gen thì mãi mãi chúng ta sẽ vẫn phải nhập 95-98% nguyên liệu. Cũng như vậy, cây đậu tương trung bình cần phun thuốc 6-7 lần/vụ. Hiện nay, chúng ta vẫn phải nhập một lượng lớn để nuôi gia súc. Nếu có loại đậu tương chuyển gen kháng sâu thì sẽ không cần phải nhập khẩu nữa, vì khi đó giá đậu tương trong nước đã rất rẻ rồi.
Tôi đồng tình với những ý kiến có đầy đủ cơ sở khoa học này và mong muốn Chính phủ sớm ban hành những văn bản chính thức về Quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật chuyển gen (GMO) và thực phẩm chuyển gen (GMF).
Related news
Nhằm nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, những năm gần đây người dân ở một số xã như: Cao Thịnh, Lộc Thịnh, Ngọc Trung... (Ngọc Lặc - Thanh Hóa) đã đưa cây dứa gai vào trồng xen với cây cao su trên diện tích đất đồi dốc, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Từ một xã có xuất phát điểm thấp trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), nhờ thực hiện có hiệu quả mô hình sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGap, đến nay, xã Yên Viên (huyện Gia Lâm - Hà Nội) vươn lên xếp thứ 2 trong thực hiện chương trình này của huyện với 18/19 tiêu chí đã hoàn thành.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị sản xuất, nhiều năm qua, nông dân huyện Chợ Gạo đã biết phát huy lợi thế, tăng cường trồng xen canh các loại cây trồng. Bà con chú trọng hiệu quả kinh tế từ cây ớt, cây hẹ, một số loại rau ngắn ngày.
Về Điền Công những ngày này, ai cũng dễ dàng cảm nhận được không khí rộn ràng, phấn khởi bao trùm khắp mọi đường thôn, ngõ xóm. Dọc con đường “Nông thôn mới” kéo dài gần 6km, từ Quốc lộ 18A vào đến trung tâm xã, ô tô - xe máy chất đầy những quả dưa căng mọng nườm nượp vào ra, tạo nên một bức tranh ngày mùa vui, rộn ràng...
Sân nghêu khoảng 300ha ở khu vực cồn Chày Mười (thuộc ấp Thới Hòa 1 và Thới Hòa 2, xã Thới Thuận, Bình Đại, Bến Tre) từ đầu tháng 5 đến nay luôn trong tình trạng hết sức căng thẳng, bởi những người trộm nghêu tấn công!