Thực hư việc nông dân dùng xi măng làm phân bón cho lúa
Xi măng có thể thay phân bón?
Để biết thực hư về vấn đề “nông dân bón xi măng” làm cây lúa cho năng suất cao hơn, phóng viên đã đến ấp Long Thanh, xã Long Hậu ghi nhận.
Phóng viên đã gặp được anh Nguyễn Văn Có, người đang sử dụng phương pháp “kỳ lạ” này khẳng định, đây không phải là mùa đầu tiên mà gia đình ông dùng xi măng để bón cho cây lúa.
Anh Có cho hay, anh đã áp dụng cho 4 mùa vụ, và mùa nào cũng đem lại năng suất cao hơn.
Anh Có nói: “Canh tác hơn 1ha lúa, kể từ khi bón xi măng thì năng suất tăng hơn 200kg/vụ.
Dùng xi măng bón lúa ít tốn kém hơn nhiều so với bón phân NPK.”
Cũng theo anh Có, anh sử dụng cho một vụ hết cả trăm kg phân các loại với chi phí lên đến hàng triệu đồng.
Giờ chỉ sử dụng xi măng và urê nên giảm đáng kể.
“Thậm chí, khi sử dụng xi măng thì phun thuốc trừ sâu chỉ bằng 1/3 so với bình thường mà cây lúa vẫn đẹp” – anh Có nói.
Theo anh Có, không phải ai cũng có thể bón được xi măng lên ruộng đem lại hiệu quả cao.
Thậm chí, anh Có còn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật cho phóng viên rằng: Khi bón cần phải đúng thời điểm và đúng kỹ thuật.
Một mùa vụ, nên chia thành 3 lần bón, lần đầu 5kg xi măng + 10kg urê.
Lần 2 là 10kg xi măng +10kg urê.
Lần 3 là 10kg xi măng + 10kg urê.
Để đạt năng suất cao, người bón cần chú ý, không được mang xi măng khô mà rải vì như vậy sẽ làm cho xi măng theo gió bay qua ruộng khác.
Cần phải cho ít nước vào để xi măng vón cục, bón luồn tay gần gốc thì mới giúp cây lúa tốt hơn.
Khó khăn trong việc bón xi măng vào ruộng là da tay người bón bị ngứa, cần thiết phải dùng bao tay cao su.
Cạnh nhà anh Có, ông Nguyễn Văn Bình cũng dùng xi măng thay cho phân bón.
Ông Bình cho hay: “Nhà tôi có 4 công đất, cũng sử dụng xi măng để làm phân bón mấy mùa rồi.
Mùa nào cũng đem lại hiệu quả tốt.
Tôi thấy phương pháp này vừa tiết kiệm chi phí mà lại cho năng suất cao thì tôi làm.
Chứ còn việc dài lâu ảnh hưởng như thế nào thì tôi không quan tâm lắm”.
Giải thích nguyên nhân vì sao lại sử dụng xi măng đem bón cho cây lúa, anh Có nói: “Tôi có đứa cháu đi phụ hồ.
Hằng ngày nó đem mấy xô trộn hồ về rửa rồi tạt xuống ruộng, ai ngờ chỗ đó lại tốt hơn, nên gia đình mới làm.
Ở xóm này, người ta điều thấy việc đó, nhưng không ai làm theo tại vì người ta sợ.
Chỉ mấy gia đình trong dòng họ nhà tôi là dùng xi măng thay cho phân bón thôi”.
Chính quyền bối rối
"Tuy chưa biết kết quả thế nào, nhưng chúng tôi khuyến cáo người nông dân không nên áp dụng vì phương pháp này có thể ảnh hưởng xấu đến kết cấu của đất, để lại hậu quả lớn về sau”.
Ông Mai Quốc Hậu - Trưởng phòng NNPTNT huyện Lai Vung, Đồng Tháp
Ông Nguyễn Văn Quới - Trưởng ấp Long Thanh cho biết “Thông tin gia đình anh Có dùng xi măng bón ruộng thì tôi đã nghe.
Nhưng tôi chắc chắn trong ấp chưa ai làm theo cả.
Gia đình anh Có tuy ở ấp này, nhưng làm ruộng ở ấp khác nên chúng tôi chỉ nghe nói thôi chứ chưa thấy.
Lúc trước, tôi cũng xây dựng ngôi nhà, rồi lấy nước thải xi măng đổ ra mấy cây lá quê trước nhà, mấy ngày đầu cây tươi tốt lắm, nhưng được vài ngày chết hết ấy mà”.
Ngày 15.1, trao đổi với phóng viên Dân Việt về vấn đề này, ông Mai Quốc Hậu - Trưởng phòng NNPTNT huyện Lai Vung, Đồng Tháp cho biết: “Xã Long Hậu đã có vài hộ dân sử dụng xi măng để bón ruộng.
Tuy chưa biết kết quả thế nào, nhưng chúng tôi khuyến cáo người nông dân không nên áp dụng vì phương pháp này có thể làm hại đến kết cấu của đất, để lại hậu quả lớn về sau.
Xi măng chỉ có tính năng dùng để khử phèn và làm cứng lá, chứ không thể nào làm cho năng suất cây lúa cao hơn được.
Bộ phận nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục theo dõi, tìm hiểu và thông báo rõ hơn về hiệu quả cũng như tác hại của việc sử dụng xi măng dùng làm phân bón đến người nông dân trong thời gian sớm nhất” - ông Hậu nói.
Còn ông Cao Trọng Danh - Chánh văn phòng HĐND và UBND huyện Lai Vung cho hay: “Lãnh đạo huyện vẫn chưa nhận được báo cáo từ chính quyền xã, nhưng đã có nắm qua sơ bộ về vấn đề vì nghe nhiều người dân bàn tán.
Nếu thật sự tình trạng này có xảy ra trên địa bàn, chúng tôi sẽ báo cáo lên Sở TNMT để nhờ sự hỗ trợ về các phương pháp phân tích cho mọi người được hiểu rõ về tác hại của việc bón xi măng vào ruộng”.
PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM Đừng vì lợi ích trước mắt
Một số chất có trong xi măng khi trộn vào phân bón có thể liên kết với một số thành phần trong phân bón ban đầu giúp hỗ trợ phân bón phát huy tác dụng hơn giúp lúa tốt nhưng về lâu về dài lại rất nguy hại cho đất trồng.
Khi bà con bón xi măng cho lúa, lúc này ruộng đang ngập nước, xi măng vẫn có thể hòa tan vào nước, nhưng khi ruộng cạn, để lâu ngày nhiều thành phần trong xi măng sẽ bị cô đọng lại, đóng thành một lớp giống như bê tông.
Qua 1 – 2 năm đầu tiên không sao nhưng nếu sử dụng nhiều năm nó sẽ dần dần phá vỡ cơ cấu của đất, thay đổi tính chất đất.
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Mới là hiện tượng nhỏ lẻ
Chúng tôi đã yêu cầu ngành nông nghiệp kiểm tra, xác minh vụ việc.
Hiện tại chúng tôi vẫn chưa khuyến cáo gì vì đây là hiện tượng nhỏ lẻ.
Khi có kết quả chính xác về tác động của việc bón xi măng lên ruộng, chúng tôi sẽ có thông tin để người nông dân biết.
Kỳ Phương - Nguyễn Thiêm (ghi)
Related news
Tuy mới ra nụ bé bằng đầu đũa, thế nhưng nhiều vườn hoa cúc của người dân Quảng Ngãi thời điểm này đã được thương lái đến hỏi mua, đặt tiền cọc với giá từ 60.000-100.000 đồng/chậu.
Thời gian qua, vốn cho khu vực tam nông đã liên tục được các ngân hàng (NH), tổ chức tín dụng rót vào, tuy nhiên vốn cho hợp tác xã (HTX) vẫn chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn, chưa xứng với tiềm năng.
Với tổng số vốn thực hiện lên đến 6.500 tỷ đồng, đây được coi là siêu dự án đầu tiên trong việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trọng tâm của việc thực hiện dự án sẽ tập trung vào việc tái canh cây cà phê bền vững và tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo.