Thực hư chuyện cá cảnh mắc cạn 10 năm chưa giải quyết
Chỉ là nhầm lẫn thông tin
Ông Trịnh Ngọc Hùng – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Cá Kiểng (Saigon Aquarium, trụ sở tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM) cho biết, cuối tuần trước, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng có ghé thăm Saigon Aquarium. Trong lúc tham quan, Bí thư Thăng hỏi lãnh đạo doanh nghiệp (DN) có khó khăn gì không? Đại diện Saigon Aquarium cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay là không xuất khẩu được cá chép kiểng sang EU.
Cụ thể, từ năm 2005 đến nay, Saigon Aquarium muốn xuất khẩu cá chép kiểng sang thị trường EU, nhưng DN phải đảm bảo an toàn dịch bệnh (ATDB) với virus Mùa Xuân và bệnh KHV. Thế nhưng, đối với bệnh KHV, Saigon Aquarium chưa được công nhận ATDB.
Saigon Aquarium xin lỗi Cục Thú y vì phát biểu nhầm lẫn
Sau khi nhận phản ánh về những vướng mắc khi xuất khẩu cá cảnh vào thị trường EU gần chục năm qua chưa được giải quyết của Saigon Aquarium, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã điện thoại trực tiếp cho Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát để thông tin. Bộ trưởng Phát sau đó yêu cầu Cục Thú y rà soát và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngày 23.5 vừa qua, doanh nghiệp này đã có công văn đính chính gửi Cục Thú y, Cơ quan Thú y vùng VI về những nhầm lẫn trong buổi gặp gỡ với Bí thư Thăng. Theo đó, Saigon Aquarium đã được cấp giấy chứng nhận ATDB đối với virus Mùa Xuân và được gia hạn vào cuối tháng 2.2016 vừa qua. Còn đối với bệnh KHV, Saigon Aquarium vẫn đang hoàn tất quy trình giám sát để gửi hồ sơ trình Cục Thú y công nhận là cơ sở ATDB chứ không đã có công văn đề nghị Cục Thú y từ năm 2005 như báo chí đưa tin những ngày qua.
“Khi nói chuyện với Bí thư Thăng, chúng tôi không hề nói rằng đã gửi hồ sơ lên Cục Thú y từ năm 2005. Do đó, thông tin mà Phó tổng giám đốc Nguyễn Văn Thủy (người tiếp Bí thư Thăng lúc đó -PV) phát biểu về việc không xuất khẩu được cá chép kiểng sang EU trên báo chí những ngày qua có thể là do sự nhầm lẫn của các phóng viên có mặt tại buổi gặp gỡ”(?!) - ông Hùng giải thích.
Ông Bạch Đức Lữu – Giám đốc Cơ quan Thú y vùng VI thông tin, Công ty CP Sài Gòn Cá Kiểng đã được Cục Thú y cấp chứng nhận ATDB đối với virus Mùa Xuân từ năm 2005 và đã được xuất khẩu cá cảnh sang Mỹ. Đối với thị trường EU, DN này cho rằng đã gửi công văn đề nghị lên Cục Thú y từ năm 2006 nhưng Cục Thú y rà soát lại thì không hề có. Ông Lữu cho rằng, có thể đã có sự nhầm lẫn trong tiếp nhận thông tin giữa các phóng viên báo chí trong sự việc này. Vì đến tháng 5.2008 các vấn đề về kiểm dịch thú y thủy sản mới được giao về Cục Thú y.
DN vẫn đang giám sát ATDB
Cũng theo ông Bạch Đức Lữu, để xuất khẩu cá cảnh vào Mỹ hoặc EU, DN phải là cơ sở ATDB. Đối với thị trường Mỹ, DN phải đảm bảo ATDB đối với dịch bệnh virus Mùa Xuân, còn tại thị trường EU, phải ATDB với cả virus Mùa Xuân và bệnh KHV.
Đối với bệnh KHV, DN phải đăng ký tham gia giám sát ATDB liên tục trong vòng 2 năm, trải qua 4 lần lấy mẫu xét nghiệm. Nếu cả 4 lần đều cho kết quả âm tính với bệnh KHV thì cơ quan thú y Việt Nam sẽ đánh giá rồi công nhận là cơ sở ATDB. Sau đó, cơ quan thú y tiếp tục mời phía EU sang đánh giá và công nhận cơ sở ATDB. Lúc này, DN mới được xuất khẩu vào EU.
Ông Phạm Lâm Chính Văn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM cũng cho biết, để hỗ trợ DN đạt chứng nhận ATDB, đảm bảo các yêu cầu xuất khẩu vào thị trường EU, Chi cục Thú y TP.HCM đã thực hiện lấy mẫu theo tiêu chuẩn EU. Tuy nhiên, đợt lấy mẫu tháng 3.2014, kết quả xét nghiệm tại Saigon Aquarium lại cho kết quả dương tính. Do đó, DN này chưa được cấp chứng nhận ATDB đối với KHV.
Sau đó, trong năm 2015, Chi cục Thú y TP.HCM cũng đã lấy mẫu giám sát 2 đợt và có kết quả âm tính. Trong năm nay, đơn vị này sẽ tiếp tục triển khai giám sát 2 đợt nữa. Nếu kết quả là âm tính, Chi cục Thú y sẽ hướng dẫn DN lập hồ sơ trình Cục Thú y để được công nhận là cơ sở ATDB, đủ điều kiện xuất khẩu cá cảnh vào EU.
Theo ông Lữu, nếu DN qua được 4 lần xét nghiệm với kết quả âm tính, các thủ tục khác như Cục Thú y công nhận là cơ sở ATDB hay được phía châu Âu công nhận… chỉ kéo dài khoảng 1 tháng. Hiện chỉ có Cơ quan Thú y vùng VI xét nghiệm được bệnh này.
Hiện tại, TP.HCM cũng có rất nhiều chính sách hỗ trợ DN xuất khẩu cá cảnh thực hiện giám sát ATDB. Mới đây, Chi cục Thú y TP.HCM và Thú y vùng VI đã đi đến thỏa thuận hợp tác phân tích, xét nghiệm 300 mẫu cá cảnh/năm do Chi cục Thú y gửi về.
Related news
Theo Sở NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận hơn 3.000 mẫu tôm giống và hơn 1.000 mẫu nước để xét nghiệm.
Trong khối thị trường Đông Nam Á, Thái Lan là nhà nhập khẩu lớn nhất cá tra của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 12,47 triệu USD, chiếm 36,4% toàn khu vực.
Cách đây hơn 2 năm, báo An Giang đã phản ánh tình trạng hàng trăm nông dân ở xã Khánh Hòa (Châu Phú) và Hòa Lạc (Phú Tân) ồ ạt đào đất ruộng để ương cá lóc giống, mong làm giàu. Ngay sau đó, thị trường cá lóc bị ứ đọng, do cung vượt cầu, giá cá lao dốc không phanh. Hàng loạt nông dân đã nhận trái đắng thua lỗ, rồi san lấp hầm. Và nay, viễn cảnh ấy đã lặp lại…