Thúc đẩy xuất nhập khẩu nông thủy sản Việt Nam – Trung Quốc

Trung Quốc – Thị trường nhiều tiềm năng
Ông Hoàng Chí Hiền, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cho biết: Từ khi tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai hoàn thành thì vai trò của tỉnh Lào Cai trong tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh ngày càng trở nên rõ nét. Lào Cai trở thành cầu nối quan trọng để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của các tỉnh thành trong cả nước sang thị trường rộng lớn và nhiều tiềm năng của tỉnh Vân Nam - Trung Quốc nói riêng và khu vực Tây Nam - Trung Quốc nói chung.
Năm 2014, xuất khẩu gạo vào Trung Quốc đạt 2 triệu tấn (chiếm 31,3% kim ngạch xuất khẩu gạo), trong đó đi qua địa bàn tỉnh Lào Cai là 643 nghìn tấn. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ gạo của Trung Quốc ước khoảng 147 triệu tấn. Tương tự, Trung Quốc cũng là thị trường chính nhập khẩu khoảng ½ sản lượng cao su của Việt Nam.
Đối với mặt hàng thủy sản, thời điểm này, cá tra xuất khẩu sang Mỹ, EU giảm nhưng lại tăng tại thị trường Trung Quốc. Đây cũng là thị trường có nhu cầu nhập khẩu mặt hàng tôm cao, do nhu cầu trong nước gia tăng. Đặc biệt, mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ của Việt Nam đang rất được thị trường Vân Nam, Trung Quốc ưa chuộng, do sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của Việt Nam đa dạng, có xu hướng rẻ hơn 10% so với các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc. Hàng năm, tại các hội chợ thương mại biên giới Việt – Trung (Lào Cai – Vân Nam) mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ luôn được các khách hàng quan tâm đặc biệt.
Ngoài ra, Việt Nam còn được biết đến với nhiều loại nông sản có giá trị khác như cà phê (Tây Nguyên), vải thiều (Bắc Giang), thanh long (Bình Thuận) và một số sản phẩm nông sản của Lào Cai như ngô, sắn, chuối, dứa… cũng được cư dân biên giới 2 bên mua bán, trao đổi thường xuyên.
Tăng cường kết nối
Theo ông Lê Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai: Hội nghị được tổ chức với mục đích triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương của Chính phủ 2 nước, Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ Thương mại Trung Quốc về việc đẩy mạnh giao lưu hàng hóa, nâng cao kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước trong năm 2015 và các năm tiếp theo. Đồng thời, phát huy vai trò “cầu nối” của Lào Cai – Hà Khẩu trên tuyến đường hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; cung cấp những thông tin về cơ chế, chính sách xuất, nhập khẩu hàng nông sản, thủy hải sản và đồ gỗ mỹ nghệ qua cửa khẩu Lào Cai (Việt Nam) và Hà Khẩu (Trung Quốc). Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam đẩy mạnh lưu thông hàng hóa sang thị trường Vân Nam và khu vực Tây Nam – Trung Quốc.
Chính quyền tỉnh Lào Cai cam kết thực hiện một cách đầy đủ và thuận lợi các chủ trương, chính sách của nhà nước về đẩy mạnh xuất khẩu như: Ban quản lý Khu kinh tế, hải quan, biên phòng, lực lượng quản lý thị trường thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng phía Hà Khẩu triển khai phân luồng cửa khẩu và tạo điều kiện thuận lợi nhất trong công tác kiểm dịch, thủ tục thông quan hàng hóa và phương tiện xuất nhập cảnh đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản, thủy hải sản. Hiện tại, các doanh nghiệp đã có thể thực hiện khai báo hải quan điện tử trực tiếp từ trụ sở doanh nghiệp, thực hiện đăng ký trước hồ sơ kiểm dịch… Do vậy, đã rút ngắn thời gian doanh nghiệp thực hiện thủ tục và thời gian thông quan hàng hóa tại cửa khẩu…
Ông Châu Học Văn, Phó Ty Thương vụ Vân Nam nhấn mạnh: Chúng tôi sẽ tạo các điều kiện thúc đẩy nhập khẩu các mặt hàng nông- thủy sản từ Việt Nam. Chúng tôi cũng rất vui mừng nhận thấy phía Việt Nam, đặc biệt tỉnh Lào Cai cũng đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc này. Hội nghị hôm nay góp phần cho doanh nghiệp hai bên xây dựng môi trường giao lưu và hợp tác phát triển thương mại.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang - Mai Thị Ánh Tuyết cho biết: Tỉnh An Giang là tỉnh có thế mạnh về phát triển lúa gạo, cá tra, rau quả chất lượng cao… đã xuất khẩu đi hơn 100 nước trên thế giới. Các doanh nghiệp An Giang đang tích cực mở rộng thị trường mới, trong đó có thị trường Trung Quốc. Hiện, lúa gạo xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu gạo của tỉnh. Sở Công Thương tỉnh An Giang cam kết luôn hậu thuẫn và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên...
Related news

Hội thi Sáng tạo nhà nông do Hội Nông dân (ND) tỉnh Bình Định phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hàng năm đã thu hút hàng trăm lượt hội viên, ND tham gia. Nhiều sáng chế được công nhận, giúp tăng năng suất và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, đời sống ở nông thôn.

Nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của ngành nông nghiệp Hà Tĩnh, dự án “Phục tráng giống bưởi Phúc Trạch” ở huyện Hương Khê đã thành công mỹ mãn.

Sau 5 năm xây dựng NTM, toàn huyện Hóc Môn có hơn 15.200 hộ dân thoát nghèo nhờ các chương trình gia tăng thu nhập cho người dân. Hiện Hóc Môn đã không còn hộ nghèo dưới mức thu nhập 12 triệu đồng/người/năm.

Khi người Nhật trực tiếp mang sang tặng ngư dân Bình Định 25 bộ đồ nghề câu cá ngừ hiện đại, điều này không còn dừng lại ở món quà ngoại giao, mà sâu hơn, họ đã tặng cả tư duy làm giàu cho ngư dân Việt.

Từ đề án hỗ trợ lãi suất mua phân bón trả chậm cho nông dân, do Hội ND tỉnh Bắc Ninh triển khai, 3 năm qua đã có hàng trăm hộ ND nghèo xã Việt Thống được tạo điều kiện mua và giám sát chất lượng phân bón, góp phần hạn chế tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng.