Thức ăn thủy sản
Thức ăn thủy sản là những sản phẩm mà vật nuôi ăn, bổ sung vào môi trường nuôi ở dạng tươi, sống hoặc đã qua chế biến, bảo quản; bao gồm thức ăn dinh dưỡng và thức ăn chức năng ở các dạng: Nguyên liệu, thức ăn đơn, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc, thức ăn bổ sung, phụ gia thức ăn và các sản phẩm bổ sung vào môi trường nuôi nhằm tạo thức ăn tự nhiên, ổn định môi trường nuôi tăng hiệu quả sử dụng.
Phân loại thức ăn
Thức ăn tự nhiên: Là những cơ thể sinh vật sống và phát triển tự nhiên (hoặc được nuôi) trong hệ thống nuôi dùng làm thức ăn cho động vật thủy sản (như các loài rong tảo và các sinh vật phù du động vật).
Thức ăn nhân tạo: Còn được gọi là thức ăn khô hay thức ăn viên. Có hai loại: Thức ăn viên chìm sử dụng chủ yếu nuôi giáp xác và thức ăn nổi sử dụng nuôi cá.
Thức ăn tươi sống: Là các loại động vật tươi làm thức ăn như: tôm cá tạp, ốc, cua…
Thức ăn tự chế: Thức ăn do người nuôi tự phối chế chủ yếu từ các nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, quy trình chế biến đơn giản, thức ăn dạng ẩm.
Trong cùng điều kiện nuôi (môi trường, đối tượng nuôi, các biện pháp kỹ thuật được áp dụng...) thì thức ăn chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi phí chung (50 - 75%), có vai trò quyết định đến năng suất, sản lượng, hiệu quả và là vấn đề cần được quan tâm lưu ý trong nuôi trồng thủy sản. Đồng thời khi cho tôm, cá ăn cần đủ lượng và chất mới nâng cao được năng suất, giảm giá thành sản phẩm.
Việc sử dụng thức ăn
Khi sử dụng thức ăn nhân tạo, mức độ hao hụt cao do có sự tan rã trong nước do vậy cần có những biện pháp thích hợp trong chế biến và sử dụng thức ăn để hạn chế hao hụt (sử dụng chất kết dính, giảm độ ẩm, tạo độ nổi, cho ăn theo giờ và địa điểm cố định...).
Do một phần thức ăn nhân tạo (nhất là thức ăn dạng rời) bị tan rã trong nước mà không được tôm, cá ăn nên sẽ phân hủy, tiêu hao O2, sinh ra nhiều loại chất độc H2S, NH3 ảnh hưởng đến chất lượng nước. Điều này đòi hỏi người nuôi phải linh hoạt cân đối khẩu phần ăn theo loài, giai đoạn phát triển, điều kiện môi trường... cho phù hợp.
Trong môi trường nước luôn có thức ăn tự nhiên, nguồn thức ăn tự nhiên này rất phong phú và đóng vai trò quan trọng trong nuôi thủy sản. Các đối tượng tôm, cá nuôi đềìu sử dụng thức ăn tự nhiên, nhờ đó mà giúp người nuôi giảm được chi phí về thức ăn. Đây là lợi điểm của nghề nuôi thủy sản, nhưng người nuôi thủy sản chưa tận dụng tốt thức ăn tự nhiên (nhất là động vật nổi) để dùng làm thức ăn cho tôm, cá bột; mà đôi khi lại bị thay thế bằng trứng gà, bột đậu nành, bột sữa... là những thức ăn có giá thành cao.
Hiện nay, hình thức nuôi phổ biến là nuôi ghép nhiều loài trong cùng thủy vực. Cá có những quan hệ khác loài về mặt dinh dưỡng, thức ăn, vì vậy việc sử dụng thức ăn nuôi cá cần phải chú ý đến quan hệ hỗ trợ khác loài.
Tùy theo đối tượng nuôi và mức độ thâm canh mà người nuôi sử dụng các dạng thức ăn khác nhau. Trong nuôi tôm thâm canh hiện nay hầu hết các hộ nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp. Đối với mô hình quảng canh thì gần như người nuôi dựa hoàn toàn vào thức ăn tự nhiên.
Related news
Xuất khẩu thủy sản của Ấn Độ có thể vượt ngưỡng 6 tỷ USD trong năm nay do nhu cầu tôm của nước này ngày càng tăng cao trên thị trường toàn cầu.
Về nuôi trồng, diện tích thả nuôi cá tra đến 21/7 đạt 125 ha, lũy kế diện tích thả nuôi là 3.426 ha đạt 67,8% kế hoạch năm (bằng 101% so cùng kỳ)
Công ty C-Feeds, Na Uy đã xây dựng một nhà máy đầu tiên trên thế giới ở vùng ngoại ô Trondheim sản xuất giáp xác chân chèo (copepod), một loài giáp xác nhỏ