Thuận Lợi Đầu Vụ Hè Thu
Vụ lúa hè thu được xem là vụ lúa sản xuất chính trong năm, thời tiết tương đối thuận lợi, chi phí đầu tư sản xuất thấp, hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, bà con nên gieo sạ đúng theo hướng dẫn lịch thời vụ và cơ cấu nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thời tiết và các loại sâu bệnh gây ra. Đặc biệt, tránh thu hoạch lúa vào tháng 9 - thời điểm mưa nhiều, khó bảo quản và tiêu thụ lúa như các năm trước đây.
Ở các huyện vùng ngọt, trong những ngày này, nông dân đang tất bật xuống giống vụ hè thu. Khác với các năm trước đây, năm nay bà con tuân thủ theo đúng lịch thời vụ, chủ động sạ khô sớm để thu hoạch vào giữa và cuối tháng 8 để né trời mưa dầm, lúa sập, thất thoát nhiều sau thu hoạch. Theo kế hoạch, vụ mùa năm nay toàn tỉnh xuống giống 35.500 ha lúa hè thu ở các huyện vùng ngọt hoá.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Tranh cho biết, mùa mưa năm nay đến muộn hơn trung bình nhiều năm hơn nửa tháng và sẽ có 2 đợt ít mưa vào tháng 7 và 8, tập trung mưa nhiều vào tháng 9, thời điểm này là lúc thu hoạch rộ vụ lúa hè thu. Do đó, ngay từ đầu năm, Sở NN&PTNT khuyến cáo bà con nông dân gieo sạ lúa đúng lịch thời vụ, cơ cấu giống để né mưa và các loại dịch bệnh gây hại.
Tranh thủ những cơn mưa đầu mùa, bà con nông dân trong tỉnh đã xuống giống được gần 27.777 ha lúa hè thu. Nhìn chung, thời tiết thuận lợi ngay đầu vụ nên các trà lúa đã xuống giống phát triển tốt. Có gần 1.000 ha bị dế nhũi, bọ trĩ gây hại, bà con nông dân tích cực khắc phục được 630 ha.
Ông Nguyễn Văn Dũng, nông dân xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình, cho biết, sạ khô có nhiều cái lợi, trước mắt giảm chi phí bơm tát nước, cây lúa không bị dông gió làm sập trong lúc làm đòng và trổ bông. Năm nào gia đình ông cũng xuống giống đúng theo lịch thời vụ nhằm tránh các dịch bệnh khác phá hại lúa. Ngoài ra, gia đình ông Dũng còn áp dụng phương pháp sạ hàng, canh tác theo hướng “3 giảm - 3 tăng” để giảm chi phí sản xuất.
Bên cạnh các hộ dân đang tất bật xuống giống, nhiều nông dân có các trà lúa gieo sạ sớm từ 10-20 ngày tuổi đang tiến hành giặm lúa và ra sức chăm sóc kỹ lưỡng, với hy vọng vụ hè thu năm nay sẽ “trúng mùa được giá”. Ông Nguyễn Văn Xưa, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, phấn khởi cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi nên chưa có hiện tượng sâu bệnh phá hại và lúa đang phát triển tốt. Hiện tại, ông và bà con xung quanh đang tích cực chăm sóc lúa với hy vọng sẽ được mùa.
Huyện Trần Văn Thời là địa phương vùng ngọt có diện tích lúa hè thu lớn nhất tỉnh, trên 25.000 ha. Bà con nông dân trong huyện đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xuống giống. Theo anh Nguyễn Văn Bảy, ấp Rạch Cui, xã Khánh Bình, người có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất vụ lúa hè thu, năm nay giá lúa tuy có thấp nhưng bù lại giá các mặt hàng vật tư nông nghiệp không tăng mạnh như các năm trước đây.
Để hướng đến nâng cao năng suất, chất lượng lúa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, anh chọn giống lúa OM 4900 để gieo sạ trên toàn bộ diện tích đất gần 1 ha. Đây là giống lúa chất lượng cao, được ngành chức năng khuyến khích sử dụng.
Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời Duy Quốc Tuấn nhận định, đầu vụ thời tiết tương đối thuận lợi, bà con nông dân đang tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo sạ. Khoảng 20 ngày nữa nông dân sẽ xuống giống dứt điểm vụ lúa hè thu 2014 theo đúng lịch thời vụ.
Đồng thời, khuyến cáo bà con nông dân cần thường xuyên thăm đồng, diệt ốc bươu vàng, hạn chế ốc gây hại mạ non. Bón phân theo bảng so màu lá lúa, hạn chế bón thừa phân đạm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo phương pháp “4 đúng”. Áp dụng chương trình “1 phải, 5 giảm”, phấn đấu đạt năng suất và sản lượng theo kế hoạch đề ra.
Related news
Nhiều DN sữa tại Việt Nam đang hướng tới phân khúc sữa tươi, hiện mới chiếm 30% tổng thị trường sữa nước, đạt mức 200.000 tấn, trị giá 6.000 tỷ đồng trong năm 2013. Nhưng đây cũng là phân khúc kén nhà đầu tư từ phát triển vùng nguyên liệu, đến công nghệ chế biến.
Giá heo hơi, gà công nghiệp đang tăng, giá thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm là những điều kiện thuận lợi để các hộ chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn. Tuy nhiên, bà con hiện vẫn rất thiếu vốn để tái sản xuất.
Toàn tỉnh Bạc Liêu có 18/34 xã, phường, thị trấn thực hiện khai báo thả giống và thiệt hại trong nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh (TC-BTC).
Năm 2013, thời tiết diễn biến phức tạp, biên độ dao động nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn không thuận lợi cho nghề nuôi thủy sản. Tháng 4 và 5-2013 tại vùng nuôi tôm thẻ chân trắng có hiện tượng tôm chết. Trong tháng 6-2013, do ảnh hưởng của cơn bão số 2 có gần 100ha nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng bị chết do sốc môi trường.
Thương vụ Úc tại Việt Nam ngày 10-12 đã thông tin chính thức về việc nguồn cung bò Úc giảm là do yếu tố “thời tiết”, chứ không phải do can thiệp của Chính phủ Úc.