Thu nhập cao từ trồng dứa trái vụ
Giờ đang là thời điểm nông dân vùng trồng dứa Bản Lầu xuống giống cho vụ dứa mới, người dân nơi đây chỉ trồng một vụ trong năm, thường bắt đầu từ cuối tháng 7 và thu hoạch rộ vào tháng 3. Thế nhưng, khác với các thửa nương khác, gia đình anh Phạm Đăng Luân đang tất bật thu hái hơn 2 vạn gốc dứa chín rộ. Đây đã là vụ thứ ba, gia đình anh trồng dứa trái vụ, những ngày này, thương lái vào đặt mua tận chân đồi với giá 5.500 đồng/kg, nhưng không đủ cung cấp.
Hiện, có một thương lái đã đặt mua đều đặn mỗi ngày 500kg dứa. Anh Luân cho biết: Trừ chi phí, nếu thu hết đồi dứa này, cũng mang lại cho gia đình không dưới 30 triệu đồng. Đồi dứa cũng giúp anh không còn cảnh chạy đôn chạy đáo khắp nơi làm thuê trong những ngày nông nhàn như trước đây.
Cách đây 10 năm, khi phong trào trồng dứa bắt đầu manh nha từ các thôn Na Lốc, Cốc Phương cũng là lúc anh Luân tìm cách đưa loại cây này về trồng thay thế đồi cây tạp. Thời gian đầu, do anh chưa nắm được kỹ thuật, nên cây dứa chậm lớn, quả dứa nhỏ, mẫu mã xấu
. Đến khi làm chủ được kỹ thuật, thì vấn đề khác lại nảy sinh đó là đầu ra cho sản phẩm. Vào mùa thu hoạch, vùng dứa Bản Lầu từ Na Lốc, Cốc Phương đến Pạc Bo, Na Mạ đâu đâu cũng tràn ngập dứa. Nông dân chưa kịp vui mừng vì dứa được mùa thì lại phải gánh bao nỗi lo lắng khi bị tư thương ép giá.
Gia đình anh Luân cũng không phải ngoại lệ, những khoản đầu tư không nhỏ từ tiền mua phân bón, thuốc trừ sâu đến thuê nhân công chăm sóc, thu hoạch cho gần 6 vạn gốc dứa sẽ trở thành khoản nợ lớn nếu dứa khó tiêu thụ hoặc rớt giá. “Người trồng dứa Bản Lầu sợ nhất mùa dứa ủng - đó là khi thương lái thu mua không xuể, nhiều nhà rơi vào cảnh nợ nần” - anh Luân nói. Để tiết kiệm chi phí, gia đình anh giảm bớt thuê nhân công, công việc trên đồi dứa đặt hết lên vai hai vợ chồng. Cũng vì thế, nhiều vụ dứa, gia đình anh không theo kịp thời vụ. Do lệch ngày trồng, nên thời điểm thu hoạch dứa rộ, đồi dứa nhà anh vẫn còn xanh.
Nhìn thương lái tấp nập đánh xe vào thu mua, anh chỉ lo đến khi nhà mình thu hoạch thì chẳng còn ai đặt hàng, nhưng nỗi lo ấy hóa ra lại bằng thừa khi nhiều thương lái đặt cọc tiền trước mua cả đồi dứa, thậm chí có thương lái còn đề nghị mua với giá cao hơn để đề phòng anh bán cho người khác. Chỉ lệch ngày thu hoạch nửa tháng mà việc tiêu thụ đã dễ hơn hẳn, nên cách đây hai năm, anh Luân nảy ra ý định chẳng giống ai khi trồng thử 2 vạn gốc dứa trái vụ.
Anh Luân kể, lúc ấy cũng nhiều người bàn tán, bởi mình làm việc chẳng giống ai, nhưng mình chỉ nghĩ đơn giản là làm thử cho biết thôi, thất bại cũng chẳng sao, vì đằng nào đất đai cũng bỏ không, cây giống tận dụng được từ đồi dứa đã thu hoạch, nên không phải lo đầu tư nhiều.
Thời tiết thuận lợi, cây dứa phát triển tốt, đến ngày thu hoạch, anh Luân mang bán đổ khắp nơi, các thương lái vào tận đồi nhìn mới tin là dứa trái vụ do chính gia đình anh trồng. Mặc dù chất lượng quả dứa không đồng đều như dứa chính vụ, nhưng bù lại giá bán cao hơn hẳn, lại không phải lo đầu ra, bởi chẳng ai có dứa bán lúc này.
Tuy nhiên, trồng trái vụ cũng nhiều rủi ro bởi thời tiết nắng nóng dễ làm quả dứa bị cháy, cuống dứa mềm hơn dễ bị gẫy đổ, thêm vào đó lại xuất hiện nhiều sâu bệnh… Cũng vì thế, gia đình anh Luân chỉ duy trì 2 vạn gốc, chứ chưa dám mở rộng. Đến nay, vẫn chưa có những đánh giá cụ thể về hiệu quả của mô hình trồng dứa trái vụ.
Tuy nhiên, thành công bước đầu của gia đình anh Phạm Đăng Luân đã và đang mở ra triển vọng mới cho cây dứa Bản Lầu, góp phần giải bài toán nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
Related news
Trong những năm gần đây diện tích ngô vụ đông trên địa bàn huyện Hạ Hòa giảm dần. Nguyên nhân do yêu cầu khắt khe về thời vụ, ngô phải gieo trước ngày 30-9, trong khi đó lao động đi làm ăn xa, hoặc chọn công việc khác thu nhập cao hơn dẫn đến thiếu lao động khi vào mùa vụ. Hơn nữa, thời điểm thu hoạch lúa mùa, gieo trồng ngô đông thường mưa nhiều nên cũng làm chậm tiến độ sản xuất.
Tham gia đoàn giám sát chúng tôi thấy rất thấm thía về thực trạng hoạt động của các nông, lâm trường. Sau khi rà soát đánh giá thấy tình trạng thất thoát quỹ đất và tài sản của Nhà nước khá nghiêm trọng, kể cả với cơ quan chuyển đổi
Ngày 27.8, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, vừa chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra xử lý hành vi gian lận thương mại biến khoai tây Trung Quốc thành khoai Đà Lạt.
Xuất khẩu giảm, giá cả trên thị trường thế giới cạnh tranh, chi phí tài chính tăng... khiến nhiều doanh nghiệp cá tra giảm lãi tới vài trăm phần trăm, thậm chí lỗ.
Sau 128 ngày, tàu cá vỏ thép mang tên Hải Cảng 1 đã được công ty TNHH MTV đóng Tàu Cam Ranh (thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam) thi công hoàn thành và bàn giao cho ngư dân Nguyễn Việt Hằng (TP Quy Nhơn, Bình Định).