Thử nghiệm một số giống ngô trên đất hai vụ lúa
Thể hiện của giống NK6410
Vừa qua, Chi cục Trồng trọt - BVTV Nghệ An phối hợp với Phòng NN-PTNT, Trạm Trồng trọt - BVTV huyện Diễn Châu tổ chức đánh giá hiệu quả của mô hình sản xuất ngô vụ đông 2017 trên đất hai lúa tại xã Diễn Tân.
Mô hình được thực hiện với quy mô 1,75ha, trong đó 0,25ha là giống ngô lai F1 NK6410 và 1,5ha là các giống chuyển gen NK6410 GT và NK6410 Bt/GT do Cty Syngenta VN sản xuất và Cty CP Vật tư kỹ thuật NN Bắc Giang cung ứng.
Kết quả mô hình cho thấy, giống NK6410 và các giống chuyển gen trên nền NK6410 đã mang lại hiệu quả thiết thực trên đồng ruộng, thể hiện vượt trội so với các giống khác trồng cùng một xứ đồng. Cây khỏe, bộ lá xanh bền, bắp to, lõi nhỏ, kết hạt tốt, dù thời tiết bất lợi. Tính chống chịu tốt trước các điều kiện bất lợi như mưa nhiều, ngập úng, khô hạn và giá rét. Các đặc tính này sẽ rất thích hợp với điều khiện khí hậu bất lợi tại miền Trung trong vụ đông và vụ xuân.
Tại buổi hội thảo, ông Võ Khánh Khoa, Phó trưởng phòng NN-PTNT Diễn Châu đánh giá cao về sự thể hiện, tính thích nghi của các giống NK6410, NK6410 GT, NK6410 Bt/GT trên đất hai lúa. Đây là kết quả tốt nhất của cây ngô vụ đông ở Diễn Châu năm nay.
Còn ông Nguyễn Văn Phú, Trạm trưởng Trạm TT-BVTV Diễn Châu, sau khi kiểm tra ruộng ngô bình thường và ngô chuyển gen cũng đánh giá rất cao khả năng kháng sâu đục thân, sâu đục bắp, một số loài sâu ăn tạp và tính chống chịu thuốc trừ cỏ Glyphosate của giống chuyển gen NK6410 Bt/GT.
Hàng năm, vụ đông là vụ ngô chính của Nghệ An, với diện tích hơn 24.500ha, trong đó khoảng 4.000ha trồng lấy sinh khối làm thức ăn gia súc và cung ứng cho các trang trại bò trên địa bàn tỉnh. Nên năm nay tỉnh xác định vụ đông là vụ sản xuất chính, đặc biệt là tái khôi phục gieo trồng ngô trên đất hai lúa.
Với 92.000ha đất trồng lúa mỗi vụ, một năm hai vụ lúa, sau vụ HT là giai đoạn có thể khai thác cây vụ đông, chủ yếu là cây ngô. Tuy nhiên điều kiện thời tiết vụ đông các năm đều bất lợi, mưa ngập, bão lũ, giá rét… tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ruộng ngô NK6410 Bt/GT sạch cỏ dại sau khi xử lý Glyphosate
Dù vậy, đa số nông dân đã quen dãi dầu nắng mưa với ruộng đồng thì không thể bỏ ruộng được, có làm mới có ăn, có làm mới có ngô hạt để chăn nuôi, ngô cây để cung cấp cho các trang trại như TH, Vinamilk, nếu không hàng chục nghìn con bò cũng đối diện với nguy cơ thiếu thức ăn. Tuy có những năm mất, nhưng cũng có những năm được, còn không làm thì năm nào cũng mất. Xác định làm nông là làm bạn với cả những lúc nắng, mưa, gió bão, nên bà con rất lạc quan, cán bộ cùng đồng hành chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ chuyên môn tận tình.
Nông dân Đinh Thị Yến ở xóm 2 xã Diễn Tân chia sẻ: “Chưa năm nào chúng tôi bỏ vụ đông. Vụ này tôi trồng 3 sào (sào 500m2) giống ngô NK6410. Năm nay mưa khủng khiếp, đầu vụ có lúc mưa cả ngày đêm, lúc trỗ cũng gặp mưa, rét đậm, sau đó lại thiếu nước do xã làm lại kênh nên không tưới được, nhưng đến hôm nay kết quả như thế này là quá tốt, hơn hẳn các giống ngô khác trồng trước đây”.
Còn ông Lưu Văn Ngữ, cán bộ KN xã chia sẻ: “Nhờ trồng giống này còn gỡ gạc được, chứ năm nay khí hậu thời tiết khắc nghiệt quá, giờ các vùng nuôi trâu bò thiếu thức ăn, nên họ tranh nhau mua, không cân đo gì cả, với sào 1,6 triệu đồng, tự chặt, tự đưa xe bò đến chở, nên khỏe hơn bán cho trang trại bò sữa, vì mình phải chặt xong chở ô tô đến họ mới mua”.
Ông Nguyễn Đình Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Nghệ An chia sẻ: “Giống NK6410 đã được khẳng định trên đất bãi ven sông từ vụ xuân. Nay cho thấy trên đất hai lúa cũng vượt trội, đặc biệt là giống chuyển gen NK6410 Bt/GT sạch sâu bệnh, cỏ dại, không có sâu đục thân, đục bắp. Cần tiếp tục nhân rộng mô hình cũng như thử nghiệm thêm trên một số đồng đất ở các huyện khác, để người dân được tiếp cận với các tiến bộ khoa học, nâng cao hiệu quả kinh tế”.
Related news
Rầy, sâu cuốn lá nhỏ, bọ trĩ mật độ, tỷ lệ hại thấp; chuột, ốc bươu vàng, tuyến trùng rễ tiếp tục hại. Những dịch bệnh hại cần chú ý trong tuần (từ 16 - 22/1)
Kỹ thuật trồng cây Lan Bình rượu tưởng chừng như khó khăn nhưng thực chất lại cực kỳ đơn giản bởi đây là loài cây dễ sống ở nhiều điều kiện khác nhau.
Phân đạm có 3 loại được sử dụng thường xuyên cho cây đó là: Phân urê, Phân sunphat đạm, Phân photphat đạm...