Thu mua hải sản trong đêm
Nhộn nhịp trong đêm
Vừa nhận tin đìa tôm của anh Nguyễn Hồng Anh (xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) sắp xuất khoảng 1 tấn tôm thẻ chân trắng, chị Nguyễn Thị Hương (phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh) lập tức gọi điện cho bạn hàng.
Vừa chốt giờ hẹn chị vừa lấy sổ, cẩn thận ghi lại lượng hàng đặt mua. Khi thấy đã khớp với lượng tôm báo xuất, chị gọi điện cho anh Hồng Anh hẹn giờ.
1 giờ sáng, chúng tôi cùng chị Hương có mặt tại đìa tôm của anh Hồng Anh. Không lâu sau, có tiếng xe máy giòn giã của các bạn hàng.
Không khí ban đêm mát lạnh, nhưng khuôn mặt nhiều người vẫn lấm tấm mồ hôi. Theo quan sát của chúng tôi, hầu như xe máy nào cũng được trang bị máy sục khí oxy dạng nhỏ để duy trì hải sản tươi sống.
Anh Hồng Anh cho mang vài chục bao đá lạnh ra rồi gọi người kéo tôm.
“Xuất tôm sống phải tùy đơn hàng mà bố trí người kéo tôm. Nhiều người đến cùng lúc thì kéo bằng lưới lớn; đến rải rác thì dùng lưới vừa. Có vậy, hải sản mới luôn tươi sống”, anh bảo.
Mẻ tôm đầu tiên vừa cất lên, trong ánh sáng lập lòe của những chiếc đèn pin, người mua, người bán cùng chụm lại đánh giá: mã tôm khá đẹp, đạt giá 120.000 đồng/kg.
Một dây chuyền vận chuyển liền hình thành: Người giữ lưới, người xúc tôm bằng rổ lớn rồi khiêng lên bờ, xúc sang các rổ nhỏ hơn chờ cân. Ai đến trước mua trước, không ồn ào, tranh giành.
Cả khu đìa tập trung hơn chục người nhưng chỉ thấy tiếng tôm quẫy tanh tách, tiếng lách cách từ đĩa cân và vài tiếng nói nhỏ nhẹ.
Từng rổ, từng rổ được đặt lên bàn cân, cân đủ 10kg. Chị Hương trực tiếp cân rồi ghi vào sổ. Cân xong, rổ tôm được chuyển ngay sang chiếc thùng treo ở xe máy đã sẵn sàng máy sục khí hoặc đổ đá lạnh.
Chưa đầy 15 phút sau khi mẻ tôm đầu tiên được kéo lên, hơn 3 tạ tôm đã cân xong. Lưới lại cất lên. Cứ vậy, chưa đến 3 giờ sáng, gần 1 tấn tôm ở đìa anh Hồng Anh đã thu hoạch xong.
Buôn có bạn...
Anh Trần Văn Hùng (phường Cam Phúc Bắc, TP. Cam Ranh) kể, nghe anh Hồng Anh dặn chuẩn bị lưới kéo, vợ chồng anh đã gọi thêm người vì thấy lượng tôm xuất khá nhiều.
Cứ mỗi đêm đi kéo tôm, tùy lượng hàng mà họ được trả công cao hay thấp. “Như bữa nay, 4 người chúng tôi được trả 300.000 đồng/người”, anh Hùng nói.
Ngoài ra, chủ đìa và bạn hàng còn tạo việc làm cho khoảng 5 người xúc tôm và khiêng rổ từ đìa lên cân. Tuy được trả công thấp hơn người kéo lưới nhưng họ vẫn vui. Anh Phạm Nhơn (xã Cam Thịnh Đông) cho biết:
“Công của nhóm do chủ đìa và tiểu thương cùng trả. Đối với mấy anh em tôi, vài trăm ngàn đồng một đêm là vui rồi”.
Rổ tôm cân xong được úp lại ngay để tránh hao hụt
Những người mua hải sản cho biết, anh Hồng Anh hiện là một trong những người có diện tích nuôi thủy sản lớn ở Cam Ranh với gần 40 đìa nuôi cá mú, tôm thẻ chân trắng và ốc hương.
Anh đang thuê khoảng 20 nhân công, trả công 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, nếu họ làm tốt, anh còn chia 10% tiền lãi sau 1 năm xuất bán hải sản.
Chị Hương chia sẻ, chị đứng mối thu mua hải sản ở Cam Ranh đã mười mấy năm nay.
Khi biết có chủ đìa xuất hải sản, chị liên hệ với bạn hàng rồi báo lại với chủ đìa. Nếu đơn hàng ít, chị sẽ hẹn thu hoạch sang đêm sau, nhưng ít nhất cũng phải vài tạ. Riêng đìa của anh Hồng Anh, mỗi kỳ thu hoạch có thể cho tới 5 - 6 tấn tôm.
Ngoài bán cho các đơn vị thu mua lớn (công ty chế biến hải sản tại Ninh Thuận hoặc TP. Hồ Chí Minh), anh Hồng Anh luôn dành khoảng 8 tạ đến 1 tấn tôm bán cho các tiểu thương.
Chừng 2 tiếng sau, những con tôm tươi này đã ra chợ sớm
Trước kia, khi nhiều người chưa có điện thoại di động, chị Hương phải đến tận các chợ ở TP. Cam Ranh, hỏi từng đầu mối rồi đặt hàng với chủ đìa.
Chị cũng là người thanh toán toàn bộ tiền cho chủ đìa, bảo lãnh cho bạn hàng chưa thanh toán và được chủ đìa cùng bạn hàng trích tiền bồi dưỡng.
Đã thành luật, nếu muốn tiếp tục lấy hàng, bạn hàng phải thanh toán với chị Hương trước ngày thu mua hải sản tiếp theo.
“Cam Ranh là đầu mối hải sản lớn, cung ứng cho cả TP. Nha Trang, các tỉnh phía nam, thậm chí chở ra miền Bắc nên việc chuẩn bị phải kỹ lưỡng, nếu tính không khớp sẽ khiến mọi người thua lỗ, lần sau chủ đìa không gọi mình nữa”, chị Hương nói.
Ở đìa tôm một đêm, chúng tôi biết thêm một quy tắc mua bán đầy tính chia sẻ:
Khi tôm kéo lên không đạt chất lượng, người mua sẽ tự nguyện trả thêm cho chủ đìa 1.000 - 2.000 đồng/kg như để hỗ trợ khó khăn cho người nuôi; ngược lại, nếu tôm đạt chất lượng cao, chủ đìa sẽ giảm giá tương tự để giúp người mua bán hàng nhanh hơn, được giá hơn.
Để hải sản tươi ra chợ sớm
Chị Hương cho biết, người thu mua tôm đến từ nhiều nơi: Ninh Hòa, Vạn Ninh, thậm chí từ tỉnh Ninh Thuận, nên tất cả phải cố gắng để khoảng 3 giờ sáng là mua xong, kịp về bỏ mối.
Chỉ cần trước 5 giờ sáng có hải sản giao là chuyến hàng coi như thuận lợi.
Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là những người đi thu mua hải sản đêm phần lớn là phụ nữ và đều đi xe máy.
Chỉ cần nhìn lỉnh kỉnh mấy thùng nước, máy sục khí và gần tạ tôm vừa thu mua cũng thấy sự vất vả của các chị khi phải chạy xe vài chục km xuyên đêm tối để có hải sản tươi ngon ra chợ vào sáng hôm sau.
Chị Trần Thị Sáu (thị xã Ninh Hòa) làm nghề này đã vài năm.
Chị cho biết, ở Ninh Hòa cũng có điểm thu mua hải sản tươi nhưng buôn có bạn, bán có phường; vả lại, sang Cam Ranh lấy, giá rẻ hơn chút ít, mỗi chuyến tiền hàng cũng bớt được 500.000 đồng.
Vậy nên mỗi lần đi Cam Ranh lấy hàng, chị Sáu phải đi từ chiều, ngủ nhờ nhà người quen rồi nửa đêm ra đìa. “Đi cả trăm cây số ấy chứ.
Nhưng đi riết rồi quen! Hồi đầu, tôi cũng thấy vất vả quá, nhưng mua được hải sản tươi sống, các điểm thu mua ổn định nên ham”, chị Sáu nói.
“Buôn bán mà, phải chịu khó mới nuôi 2 con học đại học và cấp 3 được!”, chị Sáu cười khẽ rồi chào chúng tôi, thoăn thoắt chằng 3 thùng tôm, bật sáng chiếc đèn đeo trên trán để nhìn đường rõ hơn rồi lên xe. Chiếc xe máy rẽ hơi sương, lao vút vào màn đêm tĩnh mịch.
Theo sau chị, những chiếc xe máy chở hải sản cũng xuyên đêm đen, hướng về chợ sớm…
Related news
Theo quan niệm của nhiều người, có thịt lợn rừng để ăn trong ngày Tết là may mắn cho năm mới. Vì vậy, ở nhiều vùng quê xuất hiện một số mô hình chăn nuôi lợn rừng phục vụ tết. Trang trại của anh Hồ Khắc Hiệp ở xóm 1 Đồng Tâm, xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An là một điển hình như vậy.
Cách đây 5 năm, một số hộ dân các xã khu đông huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã mang giống tiêu nổi tiếng ở Vĩnh Linh về trồng. Nhưng cây tiêu mọc lên còi cọc nên nhiều người muốn bỏ. Thế nhưng, chỉ vài năm sau, cây tiêu bỗng phát triển xanh tốt, đơm hoa, kết trái, đem lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều nông dân đã bắt đầu chú trọng đến việc phát triển cây tiêu.
Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là tới Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 nên thời điểm này nông dân trồng dưa hấu đang rất hồi hộp, bởi giá dưa hấu thời điểm những ngày cận tết thường biến động. Tuy nhiên, đối với những người trồng dưa hấu bán trước Tết thì coi như được mùa, trúng giá và có cái Tết ấm no, sung túc.
Hợp tác xã bưởi da xanh Sông Xoài, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 các xã viên sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 60 - 80 tấn bưởi mang thương hiệu bưởi da xanh Sông Xoài. Người trồng bưởi ở xã này cũng cung cấp khoảng 20 tấn bưởi Năm Roi cho thị trường Tết.
Theo người dân, năm nay, mặc dù thời tiết bất thường, năng suất thấp, nhưng giá xoài cao gấp 2-3 lần các năm nên các vườn xoài đều có lãi cao. Ông Lê Văn Đàng, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cam Đức, cho biết, giá xoài năm nay cao do phía Trung Quốc tiêu thụ mạnh, trong khi nguồn cung không đủ.