Thu lợi trên 300 triệu đồng từ mô hình sáng tạo lúa-tôm
Với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, huyện Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang) có nửa năm nước mặn, nửa năm nước ngọt, rất khó khăn trong vấn đề phát triển giống cây trồng, vật nuôi.
Việc gieo sạ lúa dưới đầm nuôi tôm không những giảm được chi phí sử dụng thuốc trừ sâu, rầy, khi lúa xuất hiện tình trạng sâu, rầy. Ảnh: TTXVN
Nhưng cũng chính từ cái khó đó, các ban ngành, cùng người dân đã thích ứng và phát triển mô hình sản xuất đan xen giữa tôm và lúa đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay, toàn huyện Tân Phú Đông có trên 500ha diện tích mô hình tôm – lúa với năng suất thu nhập từ lúa khoảng 5 – 6 tấn/ha và trên 6 tấn/ha đối với tôm sú, 8-12 tấn/ha đối với tôm thẻ chân trắng, người dân thu về lợi nhuận trên 300 triệu đồng/ha/vụ.
Theo ông Nguyễn Trung Hòa, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, những năm qua, ngành nông nghiệp huyện đã tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học, kĩ thuật mô hình tôm – lúa cho người dân.
Nhờ vậy, phần lớn nông dân đã học hỏi được kinh nghiệm đối với kỹ thuật canh tác này, từ khâu xử lý môi trường ao nuôi, đo nồng độ nước đến việc theo dõi quá trình sinh trưởng của tôm để chủ động phòng chống dịch bệnh.
Cũng theo ông Nguyễn Trung Hòa, trong 2 vụ tôm liên tiếp, nhiều hộ dân đã hoán đổi mỗi vụ một giống để vừa thích nghi với môi trường nước, vừa phòng tránh dịch bệnh trên tôm. Bởi theo lý giải của người dân nơi đây, sau khi thu hoạch vụ trước họ sẽ phải vệ sinh khu vực ao đầm sau đó thả giống tôm mới sẽ giúp tăng sức đề kháng của tôm.
Việc gieo sạ lúa dưới đầm nuôi tôm không những giảm được chi phí sử dụng thuốc trừ sâu, rầy, khi lúa xuất hiện tình trạng sâu, rầy, nông dân chỉ cần thả nước cho gần ngập cây lúa, lúc đó sâu rầy trở thành thức ăn cho tôm, cá.
Qua đó, không những cây lúa vẫn phát triển bình thường mà còn được cung cấp thêm nhiều dưỡng chất từ thức ăn sót lại của tôm còn tích tụ trong đất. Đáng lưu ý, mô hình này chi phí rất thấp mà đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Hải, ấp Phú Tân, huyện Tân Phú Đông cho biết, việc áp dụng mô hình tôm – lúa nhiều năm nay đã đem lại cho ông nhiều kinh nghiệm, với 5ha canh tác của mình, mỗi vụ thuận lợi, gia đình thu về trên 1,5 tỷ đồng tiền lãi.
Cũng là người canh tác mô hình tôm – lúa nhiều năm nay, ông Lê Văn Nhỏ, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông chia sẻ, nuôi tôm – lúa cũng còn trông chờ vào thời tiết nhiều, nếu như may mắn, không có thiên tai thì 1 ha diện tích tôm – lúa của tôi cũng cho thu lợi nhuận trên 300 triệu đồng/ vụ.
Với điều kiện địa lí khó khăn, khắc nghiệt nhưng chính quyền và người dân huyện Tân Phú Đông đã không ngừng sáng tạo, vươn lên xây dựng kinh tế.
Hiện nay mô hình sản xuất, canh tác tôm – lúa nói riêng và nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản nói chung đã và đang được địa phương xác định là hướng đi phát triển kinh tế chủ lực, giúp đem lại đời sống ổn định hơn cho người dân.
Related news
Đức khởi động việc phát triển Monitorfish có đủ điều kiện kỹ thuật chăm sóc sức khỏe cá
Với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, việc thích ứng và phát triển mô hình sản xuất đan xen giữa tôm và lúa đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Để đảm bảo chất lượng cua giống, tỷ lệ sống cao, cua bột phải được chăm sóc trong vèo (lưới). Điều kiện nước trong ao phải phù hợp