Thu 800 triệu đồng mỗi ha chanh tứ quý sạch
Trồng theo hướng hữu cơ, anh Nguyễn Hữu Hà ở Hưng Yên áp dụng thành công mô hình làm kinh tế hiệu quả, làm giàu với loại cây trồng này.
Lựa chọn cây chanh tứ quý bởi loại cây này cho thu hoạch quanh năm và thu nhập đều đặn. Ảnh: Bizmedia.
Trở về nước sau 5 năm làm việc trong lĩnh vực rau quả tại Nga, anh Hà khởi nghiệp với cây vải năm 2005. Dù thất bại nhưng với đam mê nông nghiệp, năm 2012, anh Nguyễn Hữu Hà bắt đầu lại với cây chanh tứ quý.
Lần này, trong khi nhiều vùng trồng chanh không thoát khỏi cảnh được mùa mất giá thì những cây chanh tứ quý tại xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên do anh Hà và bà con phát triển lại mang về hàng trăm triệu mỗi năm cho người trồng mà không tốn quá nhiều công chăm sóc.
Mô hình trồng chanh tứ quý:
Anh Hà quyết định chọn cây chanh tứ quý (còn gọi là chanh tứ thì) bởi giống này thích hợp với điều kiện canh tác nhỏ, năng suất cao hơn so với nhiều giống cây trồng khác. Bên cạnh đó, quả chanh lại là gia vị thiết yếu hàng ngày nên cây ra quả quanh năm sẽ giúp cho bà con có thu nhập ổn định hơn, không bị thương lái ép giá.
Rút kinh nghiệm thất bại từ quả vải, khi bắt đầu với cây chanh, anh hà nghiên cứu kỹ cả về mùa vụ, kỹ thuật lẫn đầu ra. Nhiều năm tiếp xúc với nền nông nghiệp Nga, anh Hà lựa chọn cách sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm đáp ứng được nhu cầu thị trường hiện đại. Do đó, những cây chanh tứ quý ở vườn anh Hà được trồng hoàn toàn không có hóa chất.
Để đất phì nhiêu, đủ dinh dưỡng cho cây ra quả quanh năm, anh Hà thử bón trực tiếp đậu tương vào đất. Quan sát thấy những con giun quanh gốc ăn trực tiếp tới 70% lượng bột đậu tương này, phân đùn của giun cho đất độ tơi xốp cao nên bên cạnh cách ủ phân chuồng hoai mục thông thường, anh Hà cho đất "ăn" thêm đậu tương luộc và bột đậu tương để nuôi giun.
Anh Hà (bên phải) quan sát kỹ cây chanh để tìm ra cách chăm sóc cây hiệu quả. Ảnh: Bizmedia.
Tháng 3-5 Âm lịch thường là thời điểm sâu đục thân phá hoại trên cây có múi, phát hiện được nguyên nhân chính từ con xén tóc nên anh Hà và công nhân chú ý quan sát thấy xén tóc đẻ vào nhánh cây và phát hiện trứng là loại bỏ ngay. Nhờ đó, vườn cây ít sâu hại, các bệnh thường gặp ở cây có múi như Greening cũng chưa từng xuất hiện suốt 4 năm, đồng thời cho năng suất cao, mỗi gốc chanh có thể cho tới 3 tạ quả mỗi năm.
Sau 4 năm áp dụng, cách làm này giảm tới 60% chi phí sản xuất, phù hợp với cả những lao động nông nhàn ở nông thôn. Với giá bán ổn định tại vườn là 25.000-30.000 đồng mỗi kg, mỗi hecta chanh có thể cho thu tới 40 tấn, chưa trừ chi phí có thể thu về trên 800 triệu đồng.
Cây chanh sai quả quanh năm mang lại giá trị kinh tế ổn định cho người trồng. Ảnh: Bizmedia.
Dù chỉ sở hữu 5,7ha chanh tứ quý nhưng anh Hà đã hướng dẫn cho bà con địa bàn lân cận kỹ thuật trồng và cách nhân giống nên tại xã Tân Dân hiện nay có tới khoảng 18ha đang cho thu hoạch. Các sản phẩm chanh sạch của Hưng Yên không chỉ được nhiều khách hàng có nhu cầu giảm cân ưa chuộng mà còn có mặt tại nhiều chuỗi cửa hàng sạch và siêu thị tại Hà Nội như Sói Biến, Hà Đăng, các chợ đầu mối.
Với mong muốn đưa chanh sạch của Hưng Yên vươn ra thế giới, anh Hà dự định sẽ cùng bà con thành lập hợp tác xã để cây có điều kiện phát triển tốt hơn và thuận lợi khi xây dựng thương hiệu chanh tứ quý Hưng Yên.
Related news
Viện Nghiên cứu rau quả đã đề xuất được các chỉ tiêu kỹ thuật cho hoàn thiện quy trình trồng dưa lưới công nghệ cao áp dụng...
Giúp nông dân tiết kiệm được chi phí SX, tăng thu nhập, đồng thời đảm bảo chất lượng lúa hàng hóa, bảo vệ môi trường...
Theo báo cáo của Sở Công Thương Bắc Giang, tính đến nay, toàn tỉnh đã tiêu thụ được khoảng trên 22.000 tấn vải thiều.