Thơm thảo chuối lùn Liên Khê
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi những khu trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng chuối lùn, người dân xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) đã ngày càng khấm khá.
Nhìn những vườn chuối tươi tốt, vườn nọ nối tiếp vườn kia, hàng nối hàng, ít ai biết rằng trước đây là những đồng lúa năng suất rất bấp bênh. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, cả xã Liên Khê có khoảng 100ha trồng chuối tiêu. Đây là diện tích đất ruộng trũng tâng lên để chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ năm 1997.
Ban đầu bà con chuyển đổi theo kiểu tự phát, nhưng rồi thấy trồng chuối không vất vả như trồng lúa mà hiệu quả lại cao hơn nên diện tích ngày càng tăng, đến nay đã hình thành vùng chuối đặc sản Liên Khê. Một sào chuối, trung bình bán quanh năm được khoảng 7 triệu đồng.
Còn năm nào chuối được mùa vào đúng dịp tết thì có hộ được hơn 10 triệu. Do vậy, từ năm 1999, người dân bắt đầu tập trung vào trồng chuối tết. Đặc biệt làng Thiểm Khê nổi tiếng trồng nhiều chuối nhất xã. Từ tháng 7 trở ra là mùa của chuối tiêu, quả to ngon, thơm và rất ngọt.
Mới đây, một số ban ngành chức năng đã về khảo sát vùng chuối của xã Liên Khê và nhận định, mô hình trồng chuối là hướng đi phù hợp và hiệu quả, giúp nhiều hộ có thu nhập khá và có thể mở rộng diện tích loại cây trồng này.
Chị Nguyễn Thị Lượt, trú tại thôn 9, xã Liên Khê, cho biết: Gia đình chị gắn bó với cây chuối từ 5 năm nay. Hiện tại, nhà chị canh tác khoảng 8 sào chuối lùn. Có những năm chuối được giá, gia đình chị thu tới trên 100 triệu đồng. Hiện nay, tuy giá chuối thấp hơn trước, nhưng thu nhập vẫn cao hơn so với trồng lúa. Theo chị Lượt, trồng chuối cũng có những vất vả riêng.
Thời tiết thuận lợi thì không sao, nhưng lo nhất là những hôm có bão, cả gia đình phải tập trung đóng cột, chằng chéo, bao bọc cho từng nải chuối. Những lúc ấy chỉ mong sao cây không bị đổ, buồng không bị gãy. Vất vả là thế nhưng bù lại, nhờ cây chuối mà gia đình chị có của ăn của để. Chị Lượt tiết lộ rằng, những người sành ăn thường chọn chuối Liên Khê vì quả căng, mã sáng, đặc biệt có mùi thơm, vị ngọt đặc trưng.
Là người gắn bó với thăng trầm của vùng chuối Liên Khê, ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ Liên Khê cho biết: Từ 10 năm trở lại đây, người dân nhận thấy chuối lùn bán dịp Tết được giá nên mở rộng diện tích trồng để tăng thu nhập. Hiện nay thị trường tiêu thụ chính của chuối lùn Liên Khê là Quảng Ninh và Hải Phòng.
Theo đánh giá của ông Hùng, thu nhập từ trồng chuối tại địa phương cao gấp 5-7 lần so với trồng lúa. Đặc biệt, trồng chuối không phải dùng thuốc trừ sâu. Nếu có cũng chỉ trừ sâu đục thân lúc mới đưa cây giống ra trồng nên sản phẩm chuối đảm bảo sạch, an toàn.
Hiện tại, ông Hùng đã hoàn tất thủ tục và chờ cơ quan chức năng cấp thương hiệu cho chuối Liên Khê, đồng thời HTX cũng xây dựng kế hoạch bao tiêu sản phẩm để tạo đầu ra ổn định cho vùng chuối, giúp người dân yên tâm sản xuất.
Related news
Nhờ liên kết với doanh nghiệp, nhiều nông dân thôn Quang Lãng, xã Quang Lãng (Phú Xuyên, Hà Nội) đã tiếp cận với phương thức chăn nuôi hiện đại, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ một loài cây mọc tự nhiên trên đồi núi, cây chè hoa vàng đã được huyện Quế Phong (Nghệ An) có chủ trương bảo tồn và phát triển, phục vụ cho bào chế dược liệu, mở ra hướng làm giàu mới cho người dân vùng núi còn nghèo khó này…
Việc nông dân tự tay làm được phân hữu cơ vi sinh là hướng đến một nền nông nghiệp xanh, an toàn, bền vững.