Thoát Nghèo Nhờ Nuôi Bò Sữa

Nuôi bò sữa, nhiều hộ dân ở xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng đã vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế bền vững.
Trở lại xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng những ngày này mọi người đều cảm nhận được khát vọng mãnh liệt vươn lên thoát nghèo của bà con nơi đây. Nhiều bà con cho biết, nhờ mô hình chăn nuôi bò sữa của dự án do Canada tài trợ, một trong những chương trình an sinh xã hội trợ giúp cho hộ nghèo và cận nghèo đã giúp cuộc sống của bà con được cải thiện rất nhiều.
Là một trong những hộ được hưởng lợi từ chương trình, chỉ sau một năm tham gia, gia đình anh Lý Đa Va ở xã Phú Mỹ đã thoát nghèo bền vững, không còn lam lũ, mưu sinh khắp nơi như trước đây. Anh cho biết đang nuôi 4 con bò sữa, lợi nhuận rất khá. Hiện có 2 con bò đang cho sữa, lúc cao điểm có thể cho hơn 30 lít sữa mỗi ngày, lợi nhuận thu vào khoảng 250 nghìn đồng.
Anh Lý Đa Va phấn khởi cho biết: “Nghèo, được nhà nước hỗ trợ tiền để mua bò sữa, mua về cũng cho gia đình tôi thu nhập khá giả. Khi nhà nước chưa hỗ trợ tiền mua bò sữa, gia đình tôi rất nghèo. Có bò sữa giúp cuộc sống gia đình tôi ổn định, con cái được học như người ta”.
Chung niềm vui này còn có gia đình của anh Tăng Sáu, nhờ vật nuôi này mà anh đã có một mái ấm và cuộc sống ổn định như hôm nay. Trò chuyện với chúng tôi trong ngôi nhà khang trang vừa mới xây anh Sáu kể: trước đây gia đình nghèo, chỉ có 2 công đất, phải đi làm mướn đủ nghề mà vẫn không đủ ăn. Khoảng 5 năm trở lại đây, nhờ được hỗ trợ bò sữa mà cuộc sống gia đình được cải thiện.
Hiện nay, anh Sáu đã phát triển đàn bò lên 5 con, có 3 con bò đang cho sữa, lợi nhuận mà anh có được mỗi tháng từ sản phẩm sữa khoảng 10 triệu đồng. Anh Sáu còn cho biết, khi mới lập gia đình rất vất vả, phải đi làm thuê nhưng lúc nào cũng không đủ ăn. Bây giờ có bò nuôi, lời, đỡ nhiều. Bò sữa vừa cho sữa lại vừa cho con bê”.
Theo tính toán của bà con, trung bình mỗi con bò sữa cho gần 15kg sữa/ngày, bán với giá 12.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người nuôi còn lời khoảng 150 nghìn đồng. Ngoài nguồn thu từ sữa, bà con còn có điều kiện phát triển đàn bò từ những đàn bê sau khi sinh. Ông Danh Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú cho rằng, đây là mô hình rất triển vọng trong thực hiện xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Với lợi thế là vật nuôi ít dịch bệnh, thị trường sữa lại ổn định, thức ăn chủ yếu là cỏ và phụ phẩm nông nghiệp nên chỉ cần bỏ công lao động là có thể thực hiện được. Nghề chăn nuôi bò rất phù hợp với hộ dân nghèo, cận nghèo, hộ không đất sản xuất. Cũng theo ông Danh Hiền, nhờ quản lý và chăm sóc tốt nên đàn bò sữa của địa phương hiện đang phát triển rất mạnh: “So với bò vàng, bò sữa cho hiệu quả hơn. Chúng tôi hiện nay đang nhân rộng khắp nơi toàn xã Phú Mỹ. Xã có 7 ấp, đã có 5 ấp tham gia với hơn 400 con”.
Với những hiệu quả kinh tế đã khẳng định trong thời gian qua, bò sữa đang là niềm hy vọng, là chìa khóa của rất nhiều hộ dân nghèo xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú nói riêng và tỉnh Sóc Trăng nói chung trong quá trình xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu từ những vật nuôi, cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng và tập quán chăn nuôi của người dân địa phương...
Related news

Thị trường RAT trong nước hiện gần như không kiểm soát được nguồn gốc và chất lượng. Hàng loạt vụ lừa đảo rau không rõ nguồn gốc dán nhãn RAT khiến cho thị trường rau sạch mới được gây dựng đã bị làm loạn.

Những ngày qua, giá cá tra ở Đồng Tháp nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng mạnh. Song, thay vì phấn khởi, vui mừng, nông dân lại thấy lo bởi nhiều khả năng đây chỉ là cơn “sốt giá ảo”.

Những năm gần đây, phong trào nuôi cá nước ngọt nhằm tăng thu nhập đã được nông dân Bến Tre ứng dụng rộng rãi. Tùy theo điều kiện đất đai, môi trường nước và nguồn vốn, nông dân đã chọn nuôi những đối tượng khác nhau, trong đó, con cá sặc rằn được nuôi phổ biến ở vùng Lạc địa, thuộc xã Phú Lễ, huyện Ba Tri.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tây Ninh cho biết, đã xác định được nguyên nhân làm hàng ngàn con cá nuôi bè bị các vết lở loét.

Ông Nguyễn Văn Hơn cư ngụ ở ấp Đồng Lớn 2, xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu thực hiện mô hình trồng bông súng kết hợp nuôi cá trên diện tích 14 công tầm cấy (1,82 ha) đã 3 năm nay, cho hiệu quả rất cao.