Thoát nghèo nhờ cá rô phi: Hiệu quả bất ngờ!
Từ nguồn vốn 300 triệu đồng của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN- PTNT), dự án nuôi cá rô phi được xã Hồng Tiến (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) triển khai từ tháng 7- 11/2017 cho hiệu quả cao. Từ đó giúp các hộ tham gia dự án thoát nghèo, mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp tại địa phương.
Mô hình nuôi cá rô phi của gia đình ông Hoàng Văn Phiệt
Gần đây, người dân xã Hồng Tiến đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả kết hợp tận dụng triệt để mặt nước ao hồ và bãi bồi ven sông để nuôi các loại thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao.
Dẫn chúng tôi đi tham quan các mô hình nuôi cá rô phi tại xã Hồng Tiến, ông Cao Hải Đường, Phó Chủ nhiệm HTX Thuỷ sản Hồng Tiến phấn khởi: “Mô hình nuôi cá rô phi tại địa phương đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo nhờ loại cá này”.
Tại xã Hồng Tiến, đi đầu trong phong trào nuôi cá nước ngọt, đặc biệt là mô hình nuôi cá rô phi phải kể đến gia đình ông Hoàng Văn Phiệt (thôn Nam Tiến). Từ một nông dân nghèo, nay ông đã trở thành triệu phú.
Nhận thấy mô hình nuôi trồng thủy sản thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, ông Phiệt đã quyết định chuyển đổi gần 10.000m2 ruộng từ diện tích cấy lúa kém hiệu quả và diện tích vùng đất bãi ven sông gia đình ông đã quy hoạch, đào ao nuôi cá.
Thời gian đầu, gia đình ông nuôi các loại cá truyền thống như cá trôi, trắm, chép, mỗi năm thu hoạch được 2 vụ, nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình là bao. “Cá truyền thống sức đề kháng kém, thường xuyên dịch bệnh nên không đem lại hiệu quả kinh tế cho lắm”, ông Phiệt bộc bạch. Được sự giúp đỡ của HTX Thủy sản Hồng Tiến, từ con giống, vôi bột khử trùng cho đến tham gia các lớp tập huấn, ông đã chuyển sang mô hình nuôi cá rô phi, một loại cá có sức đề kháng tốt, phát triển nhanh, ít dịch bệnh.
Ông Phiệt cho biết: “Được HTX Thủy sản Hồng Tiến hỗ trợ 2.900 con cá rô phi giống, tôi đã thả tất thảy và thả xen kẽ thêm một ít cá truyền thống. Hàng tháng cũng có cán bộ kỹ thuật xuống kiểm tra thức ăn, nguồn nước, môi trường… xem có đảm bảo vệ sinh môi trường không”.
Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn cá rô phi lớn nhanh như thổi, ít dịch bệnh. Đến thời kỳ thu hoạch, con to có trọng lượng khoảng 1,5kg; con nhỏ nhất cũng dao động từ 8 - 9 lạng. Theo ông Phiệt, với mô hình nuôi cá rô phi đơn tính, ông thu hoạch được hơn 3 tấn cá. Với giá bán 35 - 37 nghìn đồng/cân, ông Phiệt “đút túi” hàng chục triệu đồng.
Là một trong những hộ nghèo của xã, bà Phạm Thị Là (thôn Nam Tiến) đã được HTX Thủy sản xã Hồng Tiến hỗ trợ cá giống, vôi bột khử trùng và mời tham gia học các lớp tập huấn. Sau khi có kiến thức cơ bản, bà quyết định chỉ nuôi cá rô phi đơn tính. Vụ thu hoạch vừa qua, gia đình bà đã thu hoạch được gần 3 tấn cá rô phi, sau khi trừ tất cả chi phí, bà Là lãi khoảng 30 triệu đồng.
Theo bà Là, so với các loài cá truyền thống khác, các rô phi có sức đề kháng tốt, ít xảy ra dịch bệnh, giá cả không bấp bênh, đầu ra không bị “tắc”. Ngoài ra, cho năng suất cao, thu nhập ổn định, thịt cá rô phi thơm và chắc… “Nuôi cá rô phi không tốn nhiều thời gian chăm sóc, thức ăn đơn giản, năng suất lại cao, thu nhập ổn định. Nhờ mô hình cá rô phi mà gia đình tôi mới thoát khỏi diện hộ nghèo”, bà Là khẳng định.
Related news
Kỹ thuật nhà lưới dùng bạt lót nuôi tôm đáp ứng được trong việc ngăn cản tác động tiêu cực từ ô nhiễm môi trường vào ao nuôi, giúp năng suất tăng cao.
Luân canh tôm - lúa là hình thức nuôi tôm được đánh giá hiệu quả và bền vững ở khu vực ĐBSCL.
Cuối năm 2017, tình hình nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra vẫn trên đà thuận lợi, tuy nhiên, các chuyên gia phân tích thị trường cũng nêu lên một số vấn đề