Thị trường vải thiều sớm được giá, bán chạy
Tín hiệu thị trường tốt
Nhà có 150 gốc vải thiều, ông Nguyễn Xuân Thủy- một hộ trồng vải thiều ở thôn Cạn, xã Phúc Hòa (huyện Tân Yên) cho biết, từ ngày 15/5 đến nay trung bình mỗi ngày gia đình ông bẻ từ 1 - 3 tạ quả, bán chủ yếu cho các thương lái người Việt thu mua dọc tuyến đường trục xã. Ông Thủy chia sẻ: “Vải thiều được thương lái thu mua với giá từ 20.000 - 23.000 đồng/kg, so với trước đó giảm 3.000 - 5.000 đồng/kg nhưng tính ra giá vẫn tốt”.
Theo ông Nguyễn Tú Ngọc - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Yên, toàn huyện có 1.600 ha vải, trong đó diện tích vải thiều sớm có 1.023 ha (đang cho thu hoạch) nằm chủ yếu ở xã Phúc Hòa (450 ha), Cao Thượng (hơn 300 ha), Hợp Đức (200 ha)…, còn lại là diện tích vải muộn gần 600 ha dự thu vào cuối tháng 6. “Vải sớm của huyện do sản lượng ít, nên đa phần đều bán cho thương lái nội địa như TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội. Vải sớm rất được giá, không bao giờ lo ế” - ông Ngọc khẳng định.
Không chỉ có vải sớm Phúc Hòa, tại các xã ở huyện Lục Ngạn như: Phượng Sơn, Tân Mộc, Nam Dương, Nghĩa Hồ... nhiều xe tải nhỏ đỗ nối đuôi nhau chờ “ăn” hàng đi các tỉnh lân cận. Bà Nguyễn Thị Phượng- thị trấn Chũ - hồ hởi nói: “Tôi cân vải tại nhà đã hơn chục năm. Vải sớm tôi thu mua theo đơn đặt hàng của khách, có ngày chỉ vài tạ nhưng cao điểm có thể lên 5 đến 7 tấn”. Còn ông Chu Văn Báo - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn thông tin: “Vụ thu hoạch vải sớm tại 2 xã Tân Mộc và Nam Dương bắt đầu từ ngày 25 - 27/5, trước đó một số đơn vị, doanh nghiệp đặt hàng mua vải chính vụ như Rồng Đỏ (TP.Hồ Chí Minh) đặt hàng với giá cao mua hơn 100 tấn, Tổng công ty Thương mại Hà Nội đặt 5.000 tấn”.
Không bị ép giá
Tín hiệu giá cả tại thị trường nội địa khá sáng sủa là khởi đầu tốt đẹp cho mùa vải chính vụ, với hơn 1.000 ha, sản lượng vải sớm của huyện Tân Yên ước đạt 6.000 tấn quả, tăng 1.500 tấn so với năm ngoái, ước thu khoảng 90 tỷ đồng.
Ông Trần Đức Hanh- Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa nhận định: “Theo đánh giá của các thương nhân, vụ này, vải Phúc Hòa có mẫu mã đẹp hơn, vỏ mỏng, vị ngọt thanh đạt chất lượng cao nên ít gặp khó khăn trong khâu tìm đầu ra, đặc biệt là người dân không bị ép giá dù sản lượng ít hay nhiều”.
Trao đổi với ông Vũ Đình Phượng- Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang- diện tích vải sớm toàn tỉnh hiện có 6.000 ha, trong đó gần 450 ha vải sản xuất theo quy trình VietGAP. Ngoài ra, các hộ dân chủ động áp dụng quy trình này với diện tích gần 1.000 ha. Đây là một trong những giải pháp đột phá góp phần tăng năng suất, chất lượng vải sớm.
Ông Phan Văn Hùng - Phó giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang- cho biết, để điều tiết thị trường, Sở phối hợp với chính quyền địa phương và người dân để có những giải pháp “dài hơi” từ khâu thu hoạch đến khâu tiêu thụ. Hàng ngày, Sở Công Thương đều cập nhật thông tin giá tại một số chợ đầu mối nông sản trong nước, các cửa khẩu và những vùng trồng vải trọng điểm trong tỉnh Bắc Giang trên website: bacgiangintrade.gov.vn.
Related news
Nông dân vùng mặn ở huyện Đông Hải (Bạc Liêu) đang đẩy mạnh nuôi tôm sú - cua kết hợp, nuôi cua trên ruộng muối cho thu nhập khá cao.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, những năm gần đây, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.
Trước nay, nhiều hộ dân trồng rau màu ở Đức Trọng (Lâm Đồng) đã phải chịu cảnh “Được mùa rớt giá, được giá mất mùa” và thường bị thương lái ép giá với những lý do về chất lượng sản phẩm. Từ khi áp dụng sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng sản phẩm được đảm bảo, đầu ra ổn định và kinh phí đầu tư cũng giảm.
Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế, đến ngày 22/5 trên địa bàn tỉnh có gần 33 ha tôm nuôi bị chết; trong đó chuyên tôm sú gần 14 ha ở huyện Quảng Điền, Phú Lộc, Hương Trà và tôm chân trắng 19 ha ở huyện Phong Điền, Phú Lộc.
Theo tin từ Sở Công Thương, trong 4 tháng đầu năm 2013, thanh long Bình Thuận xuất khẩu chính ngạch đạt 7.451 tấn, trị giá 5,27 triệu USD. Thanh long đã xuất vào 8 thị trường, chủ yếu là châu Á, trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường chính với kim ngạch đạt 2,64 triệu USD, chiếm tỷ trọng 53,6%, kế tiếp là Indonesia 1,33 triệu USD, Thái Lan 0,42 triệu USD.