Thị trường tôm bắt đầu phục hồi tại Trung Quốc
Doanh số và giá bán mặt hàng tôm đã bắt đầu phục hồi tại các vùng NTTS chính tại Trung Quốc từ đầu tháng 4. Các thương lái tại đây phải cạnh tranh gay gắt mới thu mua được tôm nguyên liệu.
Thị trường nội địa ấm dần
Nguồn cung các loại tôm cỡ 30 - 40 con/jin (1 jin= 0,5 kg) cũng là mặt hàng được tiêu thụ phổ biến trên thị trường bán lẻ đang thiếu hụt tại Trung Quốc do nhu cầu tiêu thụ tăng cao trở lại. Nhìn chung, ngành tôm Trung Quốc đang đón nhận những tín hiệu khá lạc quan mặc dù nhiều vùng miền vẫn đang gặp không ít trở ngại.
Theo số liệu thống kê chính thức, giá tôm tại Trung Quốc đã tăng 3 tuần liên tiếp kể từ cuối tháng 3 sang đầu tháng 4 tại tỉnh Quảng Đông. Có thơi điểm giá tôm tăng 5 yuan/jin tại một số thành phố. Giá trung bình khoảng 30 - 31 yuan/jin với tôm cỡ 30 con/jin, thậm chí tôm cỡ nhỏ hơn cũng có giá không dưới 20 juan/jin.
Trong khi, mặc dù một số nông dân tại tỉnh Phúc Kiến đang đối mặt khó khăn do tỷ lệ tôm chết lên đến 20% do thời tiết thay đổi, thì những con tôm đạt cỡ 30 con/jin vẫn được bán ra với giá khoảng 33 juan/jin; còn nguồn cung các loại tôm cỡ lớn luôn bị thiếu hụt. Tại tỉnh Hà Bắc, giá các cỡ tôm tương tự cũng tăng khoảng 2 yuan/jin tới 32 yuan/jin từ trước đó. Thương lái địa phương cũng đang săn lùng các loại tôm này nhưng không có hàng.
Kỳ vọng kích cầu
Nông dân ở Hải Nam vẫn đang lo lắng do lượng hàng bán ra bị hạn chế, rớt giá kéo dài và kết quả là thua lỗ triền miên; tôm cỡ 30 - 40 chỉ bán ra với giá thấp 19 yuan/jin ở một số thành phố. Trong lúc, nhiều nông dân ở tỉnh Quảng Tây đang buộc phải bán tôm thu hoạch sớm do thời tiết xấu và tỷ lệ mắc bệnh tương đối cao, thì một số nông dân khác đang nuôi tôm cỡ lớn cũng nản chí vì giá tôm quá thấp.
Mặc dù thừa nhận vẫn còn phải đối mặt nhiều khó khăn, song hầu hết nông dân tại Trung Quốc đều cảm nhận được những tín hiệu tích cực về triển vọng thị trường tôm nhưng chỉ trong một tương lai gần. Một số đang giữ tôm trong ao chưa thu hoạch để chờ giá bán cao hơn và một số lại có tỷ lệ mắc bệnh cao hoặc tỷ lệ chết cao nói rằng họ đã xuống giống vụ mới khi thời tiết ổn định hơn, có lẽ là sau ngày lễ Thanh Minh mưa nhiều. Vẫn còn nhiều nông dân nuôi tôm vẫn ngờ vực sự phục hồi của thị trường tôm và cho rằng đây chỉ là sự may mắn ngắn hạn. Do đó, không ít nông dân bán vội tôm và chuẩn bị xuống giống vụ mới.
Thực tế, nhiều người nuôi rất lạc quan về giá tôm sẽ còn tăng cao hơn khi COVID-19 tạm thời được kiểm soát ổn thỏa và người tiêu dùng sẵn sàng mua bán trở lại. Sắp tới là ngày lễ Lao động cũng được coi là thời điểm kích cầu tiêu thụ mặt hàng tôm và nhiều loại thủy hải sản chất lượng cao tại thị trường Trung Quốc; nông dân Trung Quốc có đủ cơ sở để tự tin vào sự đi lên của ngành tôm nội địa, do COVID-19 đang làm ngành tôm nhiều quốc gia khác phải điêu đứng. Rất nhiều nước trong số này là nguồn cung tôm lớn tại Trung Quốc.
Dù vậy, vài tháng tới, nguồn cung tôm nội địa của Trung Quốc cũng bị hạn chế trong khi nhu cầu tiêu thụ dự kiến tăng cao; từ tháng 4 này, rất nhiều doanh nghiệp quay lại sản xuất và đây là cơ sở để kỳ vọng tiêu thụ tôm nội địa sẽ bùng nổ. Và do nguồn cung trong tháng 4 và tháng 5 đều thấp, nên giá tôm sẽ duy trì ở mức cao mặc dù trên thị trường tôm thời điểm này chỉ có tôm chất lượng thấp như bị bệnh, chết hoặc tôm non.
Bóng đen COVID-19
Theo số liệu thống kê, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 0,7 - 0,9 triệu tấn tôm hàng năm; nhưng hiện số nguồn cung tôm chính cho thị trường Trung Quốc đang khốn khổ vì COVID-19, buộc phải giảm diện tích nuôi tôm, hoặc tạm thời tạm dừng nhận đơn đặt hàng.
Chẳng hạn, Ecuador đã phải đóng cửa một số biên giới do bùng phát dịch bệnh, khiến cho các công ty tôm khó xuất khẩu tôm sang thị trường châu Á đúng lúc cầu tăng cao trở lại. Thành phố Guayaqui - vựa nuôi tôm của Ecuador trở thành vùng tâm dịch COVID-19, giá tôm nguyên liệu mua tại cổng trại vào tuần đầu tháng 4/2020 đã giảm 0,1 - 0,5 USD/kg xuống mức 2,40 - 3,60 USD/kg tùy cỡ. Giá bán tôm tại đây đã thấp hơn chi phí sản xuất, nhiều hãng sản xuất lo sợ phá sản. Trong khi đó, Ấn Độ cũng yêu cầu nhiều trại tôm địa phương và nhà máy chế biến đóng cửa, một số khác dù không nằm trong vùng phong tỏa nhưng cũng phải ngừng sản xuất do thiếu hụt lao động, giá tôm Ấn Độ sụt giảm mạnh.
Theo nhận định của FAO, thị trường tôm toàn cầu trong năm 2020 vẫn bị bao phủ bởi bóng đen COVID-19 xuất hiện ở Trung Quốc từ cuối tháng 12/2019. Thị trường Trung Quốc đang phục hồi nhưng các hãng nhập khẩu tôm tại đây khá khôn ngoan khi không ồ ạt mua hàng với số lượng lớn vì muốn giữ giá ở mức thấp nhất có thể. Bên cạnh đó, do Trung Quốc là một trong những thị trường tôm nuôi lớn nhất châu Á nên kế hoạch sản xuất cho năm 2020 sẽ rất khó khăn với các nước nuôi tôm tại châu Á - nơi diễn ra nhiều vụ nuôi vào tháng 3 và tháng 4; khó khăn tương tự cũng bao trùm ngành tôm Mỹ Latinh. Dự báo sản lượng nuôi tôm toàn cầu vào nửa đầu năm 2020 sẽ thấp hơn hẳn cùng kỳ năm ngoái.
Về giao dịch thương mại quốc tế, các hãng xuất khẩu tôm sẽ phụ thuộc nặng nề vào thị trường Mỹ và châu Âu cho đến khi tiêu thụ tôm tại Trung Quốc hồi phục về mức bình thường trước khi xảy ra COVID-19. Giá tôm nhìn chung sẽ chịu áp lực từ những thị trường này mà suy yếu đi.
Related news
Đây là Đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm cấp Bộ do TS Huỳnh Kim Hường - Phó Trưởng khoa Nông nghiệp - Thủy sản (Trường ĐH Trà Vinh)
Xử lý nước thải chế biến thủy sản bằng công nghệ SNAP không chỉ loại bỏ hiệu quả nồng độ Ammonium mà còn xử lý đến 90% chất hữu cơ.
Sử dụng men vi sinh là một trong những phương pháp kiểm soát miễn dịch hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản, được coi là chiến lược bổ sung, thay thế cho vắc-xin