Thị trường nông sản ngày 23/6: Hoa quả Việt Nam thu hút khách trên thị trường thế giới
Không chỉ bán chạy tại Nhật Bản, vải Việt Nam còn đang hút khách tại thị trường Australia. Ngoài vải, xoài Mai Sơn cũng được lựa chọn xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản (Bộ Công Thương) cho biết năm 2014 Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) bắt đầu đàm phán với Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản nhằm xúc tiến mở cửa thị trường Nhật cho quả vải thiều Việt Nam.
Thương vụ đã thu xếp đưa đối tác Nhật về Bắc Giang tìm hiểu khả năng nhập khẩu quả vải thiều Lục Ngạn và giới thiệu công nghệ bảo quản vải tươi của Nhật Bản 3 lần là tháng 11/2018, tháng 5/2019 và tháng 11/2019.
Đến ngày 15/12/2019, sau hơn 5 năm đàm phán giữa hai bên, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản gửi thư cho Cục Bảo vệ thực vật thông báo chính thức mở cửa cho quả vải thiều Việt Nam xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản kèm theo quy định về kiểm dịch thực vật nhập khẩu đối với vải thiều Việt Nam.
Ngay trong ngày 18/6 đã có gần 5 tấn vải thiều được xử lí xông hơi và được chuyên gia Nhật xác nhận kết quả đạt chuẩn.
Đến ngày 19/6, 1 tấn vải đầu tiên đã xuất đi Nhật bằng đường hàng không. Gần 4 tấn vải còn lại sẽ đi bằng đường biển. Dự kiến khoảng gần 200 tấn vải thiều tươi sẽ xuất khẩu thành công vào thị trường Nhật trong năm nay.
Không chỉ bán chạy tại Nhật Bản, vải Việt Nam còn đang hút khách tại thị trường Australia.
Thương vụ Việt Nam tại Australia (Bộ Công Thương) cho biết, vải U hồng Việt Nam, lô hàng thu hoạch sớm để xuất khẩu đợt một, vừa mới chính thức cập cảng Australia và ra mắt người tiêu dùng tại hai bang Tây Australia và Nam Australia.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia mặc dù tiết trời giá rét (hiện tại Australia đang là mùa Đông) và các lệnh hạn chế nhằm kiểm soát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang được áp dụng nghiêm ngặt, nhiều chủ cửa hàng, siêu thị, các nhà nhập khẩu nông sản tiềm năng vẫn tìm đến địa điểm tổ chức nhằm tìm hiểu, thống nhất cách tiếp thị, đồng thời mua hàng về bán.
Công ty 4waysfresh tại thị trường Australia đã nhập khẩu thành công 9 tấn vải U hồng đợt một, tới đây sẽ tiếp tục nhập khẩu thêm các lô hàng tiếp theo, dự kiến lên đến 18 tấn vải mỗi tuần.
Ngoài ra, công ty này đang nghiên cứu nhập khẩu măng tây của Việt Nam theo đề nghị của Thương vụ, để giới thiệu mặt hàng nông sản tươi không phải đàm phán mở cửa thị trường này vào Australia.
Tháng 5/2020, hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Australia đạt hơn 22,6 triệu USD, tăng 42% so với cùng kì năm trước.
Ngày 22/6, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La tổ chức công bố lô xoài đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Xoài xuất khẩu là giống xoài tượng da xanh có trọng lượng từ 0,6-1,1 kg, mẫu mã đẹp, không bị rám nắng. Việc quả xoài được lựa chọn xuất khẩu là niềm vui lớn đối với những người trồng xoài trong bối cảnh khó khăn từ khi có dịch COVID-19.
Huyện Mai Sơn hiện có trên 2.600 ha trồng xoài, trong đó, 145 ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Hiện nay, diện tích cho trái đạt hơn 1.250 ha, với sản lượng thu hoạch đạt 14.000 tấn mỗi năm.
Ngoài xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong đợt này, ngay từ đầu vụ xoài năm 2020, huyện đã thực hiện xuất khẩu sang Trung Quốc với sản lượng 1.600 tấn và tiêu thụ trong thị trường nội địa hơn 5.000 tấn.
Dẫn nguồn VOV, theo dự báo, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành nông sản sẽ tăng đáng kể cho tới năm 2025 nhờ EVFTA.
Đặc biệt, EVFTA còn góp phần thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp chuyển giao công nghệ, cách thức tổ chức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó giúp tăng sản lượng, chất lượng nông sản, giúp nông sản Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu.
Related news
Tiêu thụ dầu cọ trên toàn cầu niên vụ này dự báo sẽ giảm lần đầu tiên trong lịch sử do Covid-19 làm giảm nhu cầu dầu mỡ.
Hiện siêu thị Nhật chỉ giữ lại một ít để làm sự kiện, trong khi đó hệ thống bán lẻ đã hết hàng. Khách tiêu dùng tại Nhật Bản đánh giá tốt
Giá lúa mì xuất khẩu Nga trong tuần kết thúc ngày 19/6/2020 giảm bởi vụ thu hoạch mới đang đến gần và giá lúa mì trên thị trường toàn cầu giảm.