Thị trường nguyên liệu - Thủ tướng đồng ý xuất khẩu 400.000 tấn gạo
Tuần qua, Thủ tướng đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Công Thưong về việc cho phép xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành liên quan báo cáo tình hình xuất khẩu gạo trong tháng 4 và đề xuất Thủ tướng phương án điều hành xuất khẩu gạo tháng 5 trước ngày 25/4.
Xây dựng kịch bản điều hành thị trường gạo trong nước và xuất khẩu trong trường hợp dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài đến hết năm 2020.
Đồng thời Thủ tướng giao Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, NN&PTNT và các cơ quan liên quan theo thẩm quyền bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia.
Đồng thời giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người nông dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan...
Cuối cùng, Thủ tướng giao Bộ Công Thương phối hợp Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung chế tài đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không thực hiện chế độ báo cáo cho Bộ Công Thương theo qui định tại Nghị định 107 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo (nếu cần thiết).
Sau khi Thủ tướng đồng ý phương án trên, Bộ Công Thương cũng đã chính thức công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo tháng 4/2020 với những nguyên tắc quản lí hạn ngạch cụ thể.
Theo đó, áp dụng hạn ngạch xuất khẩu tháng 4 đối với mặt hàng gạo là 400.000 tấn. Thương nhân đăng kí tờ khai hải quan trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước. Số lượng trên tờ khai hải quan đã đăng kí sẽ được trừ lùi vào số lượng được xuất khẩu trong tháng 4.
Trường hợp tờ khai hải quan không còn giá trị làm thủ tục hoặc số lượng thực xuất ít hơn số lượng đã khai hải quan thì số dư sẽ được cộng trở lại số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4.
Theo Bộ Công Thương, tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan cho tới khi tổng số lượng đăng kí xuất khẩu của các tờ khai chạm mốc 400.000 tấn, tờ khai hải quan nào có số lượng vượt quá mốc này sẽ không có giá trị làm thủ tục hải quan.
Trường hợp tờ khai không còn giá trị làm thủ tục hoặc số lượng thực xuất ít hơn số lượng đã khai hải quan thì số dư sẽ được cộng trở lại số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4.
Ngoài ra Bộ Công Thương cho biết chỉ cho phép xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế gồm đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ, đường hàng không.
Nhiều doanh nghiệp trúng thầu cung cấp gạo dự trữ từ chối kí hợp đồng
Cũng trong ngày 10/4, theo văn bản (hỏa tốc) gửi Bộ Công Thương về việc tham gia ý kiến đối với dự thảo báo cáo Thủ tướng về phương án điều hành xuất khẩu (XK) gạo, Bộ Tài chính cho biết Tổng cục Dự trữ nhà nước đã đấu thầu và trúng được 178.000/190.000 tấn gạo kế hoạch mua dự trữ năm 2020.
Tuy nhiên, đến nay có rất nhiều doanh nghiệp (DN) đã được phê duyệt kết quả trúng thầu và thông báo kết quả trúng thầu nhưng đã có văn bản từ chối kí hợp đồng hoặc không đến kí hợp đồng theo qui định với số lượng gạo là 160.300 tấn.
Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ cho phép thực hiện XK gạo với những DN đã trúng thầu với Cục Dự trữ nhà nước khu vực và phải kí hợp đồng, giao gạo xong cho các Cục Dự trữ nhà nước khu vực và chỉ được thực hiện XK gạo sau ngày 15/6/2020.
Nói về lí do các DN từ chối kí hợp đồng đã trúng thầu với Tổng cục Dự trữ nhà nước, đại diện một DN XK gạo ở ĐBSCL cho rằng, có thể giá kí hợp đồng đã thấp hơn so với giá thị trường hiện nay nên các DN ‘không muốn’ thực hiện hợp đồng. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác là do hiện nay đang hạn hẹp về nguồn cung gạo cấp thấp (gạo được lựa chọn để mua dự trữ).
Related news
Thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới 07/04/2020: Giá ngô tăng trở lại
Thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới 08/04/2020: Giá lúa mì giảm phiên thứ 2 liên tiếp
Thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới 09/04/2020: Giá lúa mì giảm phiên thứ 2 liên tiếp