Thị trường gạo tuần 25/2020: Philippines hủy nhập khẩu 300.000 tấn gạo
Trong tuần này, báo chí Philippines đưa tin, Tổng công ty Thương mại quốc tế Philippines (PITC) đã hủy kế hoạch nhập khẩu 300.000 tấn gạo thông qua hình thức G2G (liên Chính phủ), sau khi thảo luận với Bộ Nông nghiệp nước này (DA).
Trong thông báo đưa ra ngày 26/6/2020, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Philippines DTI, ông Ramon M. Lopez, cho biết, kế hoạch nhập khẩu gạo nói trên ban đầu được đưa ra dựa trên những đánh giá tiêu cực về nguồn cung trên thị trường quốc tế, sau khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ (hồi tháng 3-5/2020) khiến một số nước xuất khẩu gạo lớn kiềm chế xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dòng chảy gạo thế giới đã bình thường trở lại. Nguồn cung gạo trong nước của Philippines ở thời điểm này cũng đã được đảm bảo.
Trước đó, báo chí Philippines đưa tin, ngày 8/6/2020 PITC đã mở thầu nhập khẩu 300.000 tấn gạo để nhập khẩu vào tháng 7 và 8/2020, thu hút sự tham gia của đại diện đến từ các quốc gia: Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Ấn Độ.
Kết quả bỏ thầu có các đại diện của Việt Nam, Myanmar và Ấn Độ trúng thầu, Thái Lan không trúng vì giá quá cao. Tuy nhiên, sau phiên đấu thầu đó, PITC ra thông báo: Mới chỉ có xếp hạng nhà thầu của phiên đấu giá này, còn công bố kết quả thầu phải chờ việc giải ngân ngân sách; hợp đồng nhập khẩu sẽ phụ thuộc vào ngân sách từ Chính phủ Philippines; và việc dự thầu này chưa cấu thành cam kết nhập khẩu của PITC cũng như chưa xác nhận hợp đồng cho các bên dự thầu.
Trao đổi với hãng tin Reuters hôm 19/6, B.V. Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ (IREA), cho biết: “Nông dân Ấn Độ đang quan tâm hơn đến lúa gạo. Họ có thể mở rộng diện tích gieo trồng nhờ nhận được sự hỗ trợ của chính phủ. Trong niên vụ mới 2020/2021, chúng tôi có thể sản xuất đến 120 triệu tấn gạo”.
Con số này sẽ phá mức sản lượng kỉ lục 117,97 triệu tấn gạo trong niên vụ 2019-2020.
Hồi đầu tháng 6, chính phủ Ấn Độ thông báo sẽ mua các loại gạo thường của nông dân trong niên vụ mới với mức giá cao hơn 2,9%.
Bộ trưởng Nông nghiệp Ấn Độ, Narendra Singh Tomar, nói rằng chính phủ Ấn Độ sẽ ấn định giá gạo thường mua bổ sung cho các kho dự trữ nhà nước ở mức 1.868 rupee (570 ngàn đồng)/100kg.
Ấn Độ đang bước vào vụ gieo trồng lúa mùa hè giữa lúc mùa mưa đang diễn ra thuận lợi khắp các vùng trồng lúa ở miền nam và miền bắc của đất nước.
Lượng mưa dồi dào hơn so với thường lệ và sản lượng xuất khẩu gạo đang tăng nhờ giá gạo tăng trên toàn cầu trong thời gian gần đây khuyến khích nông dân Ấn Độ mở rộng diện tích gieo trồng, Nitin Gupta, Phó Chủ tịch phụ trách mảng kinh doanh gạo của Công ty xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp Olam India, cho hay.
Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Việt Nam tăng lên các mức cao mới trong năm nay nhờ nguồn cung hạn chế.
Song sản lượng gạo cao hơn của Ấn Độ trong niên vụ mới có thể ghìm giá gạo trong nước đồng thời giúp gạo xuất khẩu của Ấn Độ cạnh tranh hơn và bù đắp cho nguồn cung thấp hơn từ hai đối thủ ở Đông Nam Á.
Sản lượng gạo của Ấn Độ cao hơn trong niên vụ mới có thể buộc các công ty nhà nước phải tăng mua gạo của nông dù các kho dự trự gạo của họ đang đầy ắp.
Related news
Do tác động của dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu chè của Argentina, Ấn Độ và Trung Quốc đều sụt giảm thì Việt Nam lại ghi nhận tăng trưởng cả về lượng
Trung Quốc vẫn đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2020 với 60,8% thị phần.
Giá dầu cọ tại Malaysia ngày 26/6/2020 giảm và có tuần giảm đầu tiên trong 7 tuần, do gia tăng lo ngại làn sóng virus corona thứ 2 sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu