Thay vì chọn đực, nuôi tôm càng xanh toàn cái có hiệu quả hơn không?
Israel phát triển kỹ thuật nuôi tôm càng xanh toàn cái, thích hợp nuôi mật độ cao hơn nuôi toàn đực.
Nuôi tôm toàn cái là một lựa chọn để có một vụ tôm thành công và đồng nhất.
Tôm càng xanh toàn đực là kỹ thuật đang được áp dụng rộng rãi nhằm cải thiện tốc độ sinh trưởng và kích cỡ thu hoạch. Tuy nhiên nuôi tôm càng xanh toàn đực chỉ phù hợp với diện tích rộng, hình thức nuôi xen canh, quảng canh. Để phát triển nuôi tôm càng xanh có hiệu quả cao hơn, các nhà khoa học Israel đã nghĩ đến hướng phát triển ngược lại: là nuôi tôm càng xanh toàn cái.
Nghiên cứu cho thấy rằng đối với tôm càng xanh, việc nuôi tôm toàn cái là một phương pháp bền vững để sản xuất một vụ tôm thành công và đồng nhất. Quần thể tôm càng xanh toàn cái có kích thước đồng đều và ít hung dữ, phù hợp để phát triển mô hình nuôi quy mô công nghiệp với diện tích nhỏ và mật độ cao.
Quần thể tôm càng toàn cái được tạo ra bằng kỹ thuật di truyền, tác động ngược dòng quá trình sinh sản tạo ra sự thay đổi ở tôm cái sinh sản khiến chúng sinh ra tôm chỉ có giới tính cái. Nhiễm sắc thể xác định giới tính của tôm càng xanh hoạt động theo cách tương tự ở người: có tín hiệu nhiễm sắc thể (nghĩ là nhiễm sắc thể X/Y) được quyết định bởi một cơ quan tạo ra hormone kiểm soát sự phát triển của giới tính đực và cái. Nhưng không giống như ở con người, tôm càng xanh cái cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển giới tính của thế hệ tiếp theo.
Sử dụng đặc điểm di truyền giới tính của tôm càng xanh, các nhà khoa học tiến hành lấy một số tế bào từ cơ quan sản xuất hormone ở tôm đực, sau đó tiêm vào tôm cái non, hormone sẽ khiến chúng phát triển thành con đực nhưng về mặt di truyền vẫn là con cái. Giống như tôm đực tự nhiên, chúng có thể giao phối bình thường với những con cái khác, con của các cặp tôm này sẽ phát triển thành tôm cái bất kể chúng mang nhiễm sắc thể nào, quần thể tôm toàn cái có đặc điểm tăng trưởng nhanh, kích thước lớn vượt trội và đồng đều. Kỹ thuật này liên quan đến một số thao tác đáng kể về sinh học, vì vậy sản phẩm có thể không được xem là thuần tự nhiên. Tuy nhiên, không giống như những thực phẩm biến đổi gen, quá trình sản xuất tôm càng xanh giống sinh ra đàn con đơn tính không làm cho vật liệu di truyền tự nhiên của tôm bị ảnh hưởng, vì vậy an toàn khi dùng làm thực phẩm.
Các nhà khoa học cũng sử dụng kỹ thuật tương tự để phát triển công nghệ song song tạo ra tôm giống có khả năng sinh ra tôm toàn đực. Dù là nuôi tôm càng xanh toàn đực hay toàn cái thì quần thể tôm càng xanh đơn tính giúp loại bỏ sự cạnh tranh giữa những con đực, khắc phục các vấn đề tôm hao hụt và tốc độ tăng trưởng chậm. Loại bỏ các tác nhân kích thích các hành vi hung hăng cũng làm giảm căng thẳng, giúp tôm tập trung sử dụng dinh dưỡng cho quá tăng trưởng. Điều này có thể cải thiện sản lượng tới 45%, nghĩa là có thể tăng 50 - 60% thu nhập cho người nuôi.
Lựa chọn nuôi tôm càng xanh toàn đực hay toàn cái còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: hình thức nuôi, trình độ phát triển kỹ thuật hỗ trợ, vốn đầu tư ban đầu… Đánh giá sơ bộ, mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực thích hợp nuôi mật độ thấp, ít đầu tư với hình thức xen canh, quảng canh. Trong khi đó, nuôi tôm càng xanh toàn cái phù hợp mô hình thâm canh, mật độ dày với vốn đầu tư cao hơn.
Related news
Tôm càng xanh là một trong những đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao, ít rủi ro, thời gian nuôi từ 5- 6 tháng.
Chức năng các phần phụ của tôm thẻ chân trắng và tôm càng xanh khi ăn cho người đọc hình dung được tôm ăn như thế nào.
Mô hình nuôi ghép tôm càng xanh với rong gai cho hiệu quả kinh tế và môi trường.