Thay đổi môi trường cảnh quan vùng trồng cà phê
Qua hỗ trợ của Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) và chính quyền các cấp, nông dân trồng cà phê ở Lâm Đồng xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả.
Mô hình trồng xen cây lâm nghiệp trong vườn cà phê cũng giúp người dân nâng cao thu nhập và góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: ĐL.
Khơi hồ trữ nước
Tại xã Tân Nghĩa (huyện Di Linh, Lâm Đồng) hồ nước của gia đình ông Lê Ngọc Toàn thời gian qua đã trở thành nguồn sống cho hơn 20ha cà phê cư dân địa phương. Theo ông Toàn, công trình hồ chứa ở gia đình có tên gọi là hồ thủy lợi cộng đồng, được gia đình hiến đất và Chương trình cảnh quan bền vững (ISLA) của IDH phối hợp cùng chính quyền hỗ trợ vốn xây dựng.
Ông Toàn chia sẻ, vào tháng 10/2020, từ sự hỗ trợ trên, gia đình bắt tay vào đào đất làm hồ trên diện tích gần 3 sào (3.000m2). Công trình sau khi hoàn thành có độ sâu 4m và có sức chứa lên đến 11.000 khối nước.
Một người dân địa phương cho biết, những năm trước, vùng Tân Nghĩa thường xảy ra tình trạng khô hạn kéo dài trong khi nguồn nước ngầm tụt giảm nghiêm trọng. Do vậy, vấn đề nước tưới rất nan giải. Cũng chính lẽ đó nên cà phê kém phát triển, giảm năng suất.
Ông Toàn thổ lộ: “Mùa khô vừa rồi, nhờ có nguồn nước tưới từ hồ thủy lợi cộng đồng nên vườn cây phát triển mạnh. Cũng nhờ công trình mà người trồng cà phê có thể chủ động được thời gian tưới, giúp cây phát triển hoa và đậu trái cao hơn”.
Theo ông Lê Ngọc Toàn, trước đây, việc xây dựng hồ chứa nước để đảm bảo cho tưới tiêu cũng được người dân thực hiện. Tuy nhiên, các hồ chứa thường rất nhỏ và hệ đến mùa khô là trơ đáy.
Biết rằng xây dựng hồ nước lớn sẽ đảm bảo nguồn tưới nhưng nguồn vốn bỏ ra ban đầu lại quá lớn. Ông cho hay: “Như những năm gần đây, cà phê liên tục rớt giá đã khiến nhiều gia đình lâm cảnh ‘cháy túi’. Do vậy, việc bỏ hàng chục triệu đến cả trăm triệu đồng đào hồ chứa là điều vô cùng khó khăn. Nếu không có các chương trình dự án hỗ trợ thì người trồng cà phê cũng sẽ phải dựa vào nguồn nước trời”.
Kế cạnh hồ thủy lợi cộng đồng của gia đình ông Toàn là hồ nước mới được hỗ trợ, xây dựng của gia đình ông Đoàn Mỹ. Công trình này nằm trải dài dưới triền đồi, được đào sâu 4-5m để chứa nước.
Chương trình cảnh quan bền vững ISLA của IDH được thực hiện từ năm 2018 ở các địa phương có diện tích lớn về sản xuất cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái tại 2 tỉnh Lâm Đồng và Đăk Lăk. Chương trình kỳ vọng nhân rộng ở vùng Tây Nguyên, hướng tới áp dụng trên diện tích 357.000ha vào năm 2025.
Một cán bộ địa phương cho hay, công trình hồ thủy lợi cộng đồng có kết cấu đơn giản, không cần bê tông hóa taluy bờ hồ hoặc bê tông đáy. Về mùa mưa, nước đổ về sẽ được tích trữ. Nguồn này sau đó thẩm thấu vào lòng đất và cũng từ đó góp phần tạo duy trì được tầng nước ngầm.
Hồ thủy lợi cộng đồng ở gia đình ông Đoàn Mỹ (xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh) nhìn từ trên cao.
Ông Lê Ngọc Chánh, Bí thư Đảng ủy xã Tân Nghĩa cho hay, Tân Nghĩa là xã ít sông suối nên người dân sản xuất nông nghiệp chủ yếu tận dụng nguồn nước ngầm. Thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ từ các chương trình dự án nên người dân địa bàn xã cũng xây dựng được 150 công trình hồ chứa dưới 500m2 và trên 500 giếng khoan. Riêng hồ thủy lợi cộng đồng thì toàn xã có 6 công trình, đảm bảo nguồn nước cho hàng trăm ha cây trồng.
Theo ông Lê Ngọc Chánh, các công trình hồ chứa trên đã góp phần đảm bảo chống hạn hiệu quả. Người dân chủ động được nguồn nước tưới, thời gian tưới và chủ động tưới theo thời kỳ sinh trưởng của cây.
“Trước đây, xã cũng có những đợt hạn hán kéo dài và việc sản xuất bị ảnh hưởng nhiều. Những năm trở lại đây, khi có các dự án ao hồ nhỏ cộng đồng thì tình hình thiệt hại về mùa khô hạn mới được hạn chế”, ông Chánh cho hay.
Trồng xen bảo vệ rừng
Tại Lâm Đồng, song song với việc hỗ trợ người dân thực hiện hồ chứa nước cộng đồng, IDH cũng thực hiện mô hình trồng xen gắn với bảo vệ rừng.
Ông Bùi Đức Hào, Điều phối viên chương trình cảnh quan của tổ chức IDH tại Miền Trung - Tây Nguyên cho hay, huyện Di Linh là địa phương có diện tích đất nông nghiệp tiếp giáp rừng khá lớn. Do vậy, để bảo vệ rừng, tránh tình trạng người dân xâm phạm rừng thì tổ chức IDH đã cùng với cơ quan kiểm lâm và cơ quan bảo vệ rừng địa phương thực hiện chương trình trồng xen cây lâm nghiệp.
Nhờ chủ động nước tưới nên cà phê tươi tốt qua mùa khô.
Trong thời gian qua, dự án IDH đã hỗ trợ 20.210 cây giống giổi, 9.420 cây giống mắc ca cho nông dân áp dụng trồng xen. Nguồn giống này được hỗ trợ theo hình thức vốn ngân sách dự án hỗ trợ 80%, nhân dân đối ứng 20%.
Dự án cũng phối hợp cùng các đơn vị chủ rừng trong việc cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật đến người dân, đảm bảo đúng quy trình, kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Hiện nay, trên 980 ha diện tích đất lâm nghiệp mà người dân canh tác cà phê ổn định đã được trồng xen thêm cây rừng với mật độ bình quân 80 cây/ha.
Theo ông Bùi Đức Hào, Điều phối viên chương trình cảnh quan của tổ chức IDH tại Miền Trung - Tây Nguyên, trước khi chương trình thực hiện, mật độ trồng xen ở Di Linh trung bình chung chỉ ở vào khoảng 6%. Đến nay, sau thời gian 2 năm, mật độ này đã tăng lên 20%. Riêng tại các xã mà dự án can thiệp thì mật độ tăng từ 9% năm 2018 lên 48,5% vào giữa năm 2020.
“Hiện nay, ý thức người dân thay đổi rất rõ nét. Việc trồng xen không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn giúp bảo vệ rừng, bảo vệ đất, nguồn nước và làm giảm khí thải… Chương trình thành công và cũng đóng góp tích cực vào xóa đói giảm nghèo”, ông Hào nói và cho biết thêm.
Bên cạnh đó, Dự án cũng đồng hành với Hạt kiểm lâm huyện, các công ty lâm nghiệp trong việc tăng cường các hoạt động truyền thông và giám sát bảo vệ rừng. Qua đó góp phần làm giảm các vụ vi phạm lâm luật.
Theo UBND huyện Di Linh: Trong năm 2020, IDH đã tiến hành khảo sát, lấy thông tin hiện trạng vườn cà phê của 97 hộ trong tổng số 150 hộ trong vùng tiểu cảnh quan 50ha của thôn Tân Nghĩa (xã Tân Nghĩa); đánh giá, thiết kế chi tiết cho từng mảnh vườn thuộc vùng cảnh quan. Sau khi đã có bản thiết kế, cho từ mảnh vườn, Ban quản lý dự án đã tổ chức thu thập ý kiến của các nông hộ liên quan và thực hiện việc đăng ký thực hiện vùng cảnh quan. Đưa ra giải pháp canh tác bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê, cây ăn quả, bảo vệ đất nước.
Trên cơ sở thành công lớn tại khu vực xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh đã đề xuất IDH mở rộng vùng dự án thêm 2 xã: Đinh Lạc và Gung Ré. Hỗ trợ một phần chi phí cho bà con nông dân mua cây giống cho hoạt động trồng xen và hoạt động trồng rừng trên đất lâm nghiệp. Tăng cường năng lực cho nông dân thông qua các hoạt động tập huấn và khảo sát, xây dựng chiến lược phát triển vùng cà phê cảnh quan trên địa bàn 19 xã, thị trấn của huyện Di Linh trong giai đoạn 2021-2025.
Related news
Việc thực hiện đúng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc vườn cà phê sau thu hoạch rất quan trọng trong việc quyết định năng suất, sinh trưởng, bền vững vườn cà phê
Cà phê hút dinh dưỡng bất cứ thời kỳ nào trong năm nên cần được cung cấp dinh dưỡng đều đặn để có thể sinh trưởng phát triển tốt và cho năng suất cao.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất lạc trên đất lúa kém hiệu quả giúp tăng lợi nhuận lên đến trên 50 triệu đồng mỗi ha so với cây lúa.