Thấp thỏm trước vụ tiêu mới
Mặc dù mới vào đầu vụ thu hoạch, nhưng giá hồ tiêu tại Tây Nguyên đã giảm khá mạnh so với năm ngoái. Bên cạnh đó, một số diện tích tiêu đang bị chết hàng loạt do hạn hán và sâu bệnh..., khiến bà con vừa lo lắng, vừa hoang mang.
Trong ảnh: Nông dân huyện Chư Sê (Gia Lai) thu hoạch tiêu chín sớm. Ảnh: I.T
Mất đứt chục triệu đồng/tấn tiêu
Còn hơn tháng nữa vườn tiêu của anh Nguyễn Đức Thắng ở tổ 14, thị trấn Chư Sê (Gia Lai) mới được thu hoạch, nhưng ngày nào anh cũng thấp thỏm vì giá tiêu đang giảm mạnh so với năm ngoái. Anh cho biết, hiện thương lái thu mua hạt tiêu ở mức 110.000 – 120.000 đồng/kg khô. “Năm 2016, giá tiêu lúc cao nhất là 180.000 – 200.000 đồng/kg, nhưng năm nay mới vào đầu mùa mà giá đã thấp như vậy, không biết đến chính vụ sẽ thế nào. Chỉ cần giảm như hiện nay thì mỗi tấn tiêu cũng đã mất đứt chục triệu đồng. Năm vừa rồi, nhà tôi cũng có hơn 100 trụ tiêu bị chết do nắng hạn và sâu bệnh. Nhiều nhà xung quanh cũng thế, có nhà còn bị chết từ 500 – 1.000 trụ, số diện tích còn lại năng suất cũng giảm sút” – anh Thắng cho hay.
Anh Thắng cũng đang lo ngại trước thông tin về việc thị trường châu Âu, Mỹ siết chặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hạt tiêu nhập khẩu. Anh Thắng chia sẻ: “Một năm nhà tôi chỉ phun thuốc diệt nấm bệnh 1 lần, thế thì làm sao còn dư lượng hóa chất gì được? Xung quanh nhà tôi, các hộ trồng tiêu cũng làm như vậy nên hạt tiêu nguyên liệu đảm bảo an toàn, sạch sẽ. Trừ khi chính các thương lái thu mua về rồi pha trộn chất gì đó để bảo quản, dẫn tới việc hạt tiêu xuất khẩu bị cảnh báo về dư lượng hóa chất”.
Theo anh Phan Công Phùng - hộ trồng tiêu ở xã Dun (Chư Sê), nhiều năm nay, gia đình anh đã có sự thay đổi trong cách trồng tiêu, cụ thể là thay thế các chất hóa học ảnh hưởng đến sức khỏe con người cũng như cây trồng bằng việc sử dụng các chế phẩm sinh học, các loại phân hữu cơ.
“Tuy nhiên, dù trồng sạch hay bẩn, thương lái cũng chỉ mua cùng một giá. Thương lái mua cao, nhà nông được lãi cao, nhưng họ mua thấp chúng tôi cũng phải bán. Nếu không bán cho họ thì biết lấy cái gì để trang trải? Trong khi đó, hầu hết nông dân chúng tôi chưa liên kết được với các đơn vị, doanh nghiệp xuất khẩu. Toàn bộ việc tiêu thụ đều phải phụ thuộc vào thương lái nên chúng tôi cũng không thể đảm bảo được chất lượng sản phẩm do chính mình làm ra” – anh Phùng nói.
Cấp bách tổ chức lại sản xuất
Theo ông Hoàng Phước Bính – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, hầu hết các hộ trồng tiêu trên địa bàn đều biết quy định về chất cấm nên đã chuyển sang sử dụng những sản phẩm phòng trừ bệnh sinh học, vừa đảm bảo an toàn cho người, vừa an toàn cho cây trồng. Tuy nhiên, do chưa có sự liên kết giữa đầu vào và đầu ra nên chưa kiểm soát được chất lượng tiêu.
“Nói đơn giản thế này, trong 10 hộ, có 9 hộ làm sạch, 1 hộ làm bẩn. Thương lái thu mua như nhau, làm sao quản được chất lượng? Việc sản xuất tiêu trên địa bàn vẫn chủ yếu là các nông hộ nhỏ lẻ, tiêu thụ phụ thuộc vào thương lái, do đó việc đảm bảo được chất lượng sản phẩm tới dư lượng hóa chất rất khó khăn. Chỉ có tổ chức lại sản xuất, liên kết người nông dân với các doanh nghiệp, có sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước mới giải quyết được bài toán này” – ông Bính cho hay.
Tìm hiểu của phóng viên, trên địa bàn huyện Chư Sê hiện mới có một mô hình thí điểm liên kết sản xuất hồ tiêu giữa HTX với doanh nghiệp. Theo ông Hoàng Phước Bính, trước đây huyện cũng đã có mô hình liên kết như vậy, nhưng thất bại hoàn toàn vì chưa có cơ chế cũng như thiếu sự vào cuộc đồng bộ của cơ quan chức năng. Sau đó, Bộ NNPTNT nhận thấy tính hiệu quả của mô hình này mới đầu tư thí điểm trở lại.
Với việc giá tiêu giảm mạnh từ đầu vụ, ông Bính cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do cung nhiều hơn cầu, do diện tích tiêu trên cả nước đã vượt quy hoạch. “Giá tiêu đã từng lên “đỉnh” với mức 200.000 đồng/kg trong năm ngoái, nhưng hiện nay giá đang trên đà giảm mạnh và dự báo sẽ tiếp tục giảm không chỉ năm nay mà còn diễn tiến trong các năm tiếp theo. Đây là thời điểm chúng ta phải tái cơ cấu lại ngành tiêu, ổn định diện tích trồng tiêu, hướng đến gia tăng giá trị sản phẩm là chính” – ông Bính nhận định.
Nhiều rào cản với tiêu Việt Nam
So với năm 2015, xuất khẩu hạt tiêu năm 2016 đã tăng 34% về lượng và gần 13% về trị giá. Hiện, hồ tiêu Việt Nam đã có mặt ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, xuất khẩu hồ tiêu đang phải đối mặt với hàng rào kỹ thuật ngày càng cao tại các nước nhập khẩu. Ví dụ trước đây, lượng tối đa cho phép của hóa chất Metalaxyl trên hạt tiêu nhập khẩu vào EU là 0,1ppm, nhưng mới đây Ủy ban châu Âu (EC) đã đệ trình lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) yêu cầu điều chỉnh mức này lên 0,05ppm.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, nếu tình hình sản xuất hồ tiêu vẫn như 2016 thì đồng nghĩa với việc năm 2017 có thể có tới trên 80% hạt tiêu của Việt Nam khó có cơ hội vào được thị trường châu Âu, thị trường chiếm 23% tổng lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam.
Related news
Ngay sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính thức có chỉ đạo về tạo điều kiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Cánh cửa thị trường khó tính nhất thế giới là Mỹ đã mở cho trái cây Việt nhưng chọn sản phẩm nào để xuất khẩu vào thị trường này là bài toán khó.
Ông là Ðỗ Ðình Hòa (54 tuổi) ở thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận (Tây Sơn), người vừa được Bộ NN&PTNT tôn vinh nông dân có sáng kiến, sáng chế tiêu biểu năm 2016.