Thành tỷ phú nhờ bị mắng gàn dở khi bỏ phố về rừng
Khe Đẻn, xã Khai Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) 10 năm trước là rừng cây dại, hoang vu, nhiều dốc núi cheo leo, dựng đứng, trâu bò thả rông trong rừng cũng không bước chân đến kiếm ăn.
Vì thế, khi nghe ông Nguyễn Hữu Kim, 1 thợ mộc trong vùng nhận quản lý 32ha rừng này, ai cũng cười khẩy và nghĩ ông gàn dở.
Cái sự gàn của ông lên đến đỉnh điểm khi ông bỏ hẳn nghề thợ mộc vốn đang rất thịnh, vào hẳn rừng sâu dựng lán, trồng rừng, làm trang trại.
Nhiều đêm thao thức, bắc tay qua trán tính bài toán phát triển kinh tế, đôi lúc bản thân ông cũng thấy dao động trước sự can ngăn của gia đình và bạn bè.
Nhưng với ý chí của người lính từng được rèn luyện trong quân ngũ, ông vẫn quyết đi theo con đường mình đã chọn. 'Tôi tự hỏi, liệu mình có quá tự tin vào sự thành công mà bỏ ngoài tai sự góp ý của mọi người để thỏa mãn đam mê?
Hay viễn cảnh thành công đã khiến tôi không còn sáng suốt?Tôi tự nhủ bản thân, phải thành công vì đó là câu trả lời xác đáng nhất cho những hoài nghi của mọi người', ông Kim tâm sự.
Những đồi chè, vườn cam trong trang trại của ông Kim.
Năm 2004, ông Kim vay mượn bạn bè, thế chấp nhà đất vay ngân hàng thuê nhân công phát dọn 32ha rừng hoang tạp.
Có những thời điểm, người làm công trong nhà ông lên đến hơn 100 người.
Nhưng sức người trở nên nhỏ bé trước rừng núi bao la. Ông bán tiếp 2 lô đất, mua máy ủi san lấp mặt bằng, làm đường giao thông, ngăn đập nuôi cá, xây nhà ở cho người làm, dựng trang trại chăn nuôi trâu bò, lợn, gà.
Một vài năm đầu, khi cây trồng lâu năm chưa cho thu hoạch, cuộc sống khó khăn, ông trồng xen sắn để có thu nhập trước mắt.Diện tích trang trại lớn, không đủ tiền để xây hệ thống hàng rào bao bọc nhưng nhờ có máy, ông múc hệ thống hầm hào bao quanh đủ để làm tường bao.
Vì thế trang trại ông an toàn tuyệt đối, gia súc, gia cầm không thể vượt ra ngoài, kể cả khi không có người trông nom. 3 khe nước lớn đã được ông ngăn thành đập nuôi cá, lấy nước tưới cho cam, chè...
Sau 5 năm, những đồi cây keo nguyên liệu, chè, cây ăn trái bắt đầu cho thu hoạch.
Tính bình quân, nguồn thu hàng năm từ việc bán keo nguyên liệu, chè, cam, cá, gà, trâu bò, đót, trừ các chi phí gia đình ông thu về trên 250 triệu đồng.... Để bắt kịp nhu cầu thị trường ông dự định trồng thêm 5ha tràm và 2ha trám đen.
Nhiều bồn nước lớn đã được ông lắp đặt trên các đỉnh đồi để trồng thêm một số diện tích cam V2 theo mô hình ruộng bậc thang.
Đứng giữa đồi cam, chè xanh mướt, gió ngàn reo gọi, ông Kim tâm sự: 'Năm nay, nắng nóng kéo dài, cây chè của người dân địa phương cháy rụi, thiệt hại rất lớn.
Nhưng anh thấy đấy, vườn chè nhà tôi vẫn sống khỏe và thu hái đúng kế hoạch. Tôi nghĩ, việc sử dụng máy để xới đất, tạo tầng canh tác dày trước lúc trồng chè đã giúp khả năng giữ nước, giữ ẩm được tốt hơn là đào xới bằng phương pháp thủ công.
Trên những đồi chè, cách năm bảy bước chân, tôi lại trồng xen kẽ cam V2. Cam vẫn trĩu quả còn đồi chè lại được hưởng bóng râm...'.
Năm 2010, khi 'hậu cứ' đã dần ổn định, ông Kim lại lấn sân sang lĩnh vực xây dựng. 'Xuống núi' lần này, ông mua thêm xe tải, máy múc phục vụ nhu cầu san lấp mặt bằng, cải tạo vườn tạp của người dân địa phương. Mỗi năm, từ dịch vụ này, gia đình ông thu về trên 1 tỷ đồng lợi nhuận.
Khi nguồn thu không ngừng tăng lên, sẵn có máy móc, gia đình ông tự nguyện ngăn đập, nuôi cá và điều tiết nước cho người dân 2 thôn trong xã có nước sản xuất.
Con đường từ QL 7 vào trang trại được ông Kim đào đắp với khối lượng hàng chục vạn m3 đất đã tạo điều kiện cho người dân mạnh dạn nhận đất rừng phát triển sản xuất, thuận tiện trong việc vận chuyển nguyên vật liệu. Trang trại của gia đình ông thu hút 20 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Related news
Cơn mưa lớn từ tối 13-9 làm nhiều vườn rau trên địa bàn Đà Nẵng hư hại nặng. Để vớt vát lại chút vốn liếng, công sức, người dân đã cố gắng thu hoạch, dù giá rất rẻ.
Năm nay, điều kiện thời tiết khá thuận lợi nên năng suất sầu riêng đạt khá, giá thu mua trên thị trường lại tăng cao nên nhiều hộ nông dân trồng loại cây này đang rất phấn khởi.
Tuy mới đưa vào trồng những năm gần đây, nhưng bưởi da xanh ở Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã phát huy hiệu quả kinh tế. Và với những thành quả này, Khánh Vĩnh đang hy vọng trở thành một vùng cây đặc sản bưởi da xanh nổi tiếng.
Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đang cấp hơn 8 nghìn cây giống cam Vinh cho nông dân xã Mỹ An, Tân Lập, Tân Mộc.
Không ngoài dự kiến của người chăn nuôi có kinh nghiệm ở Bình Định, sau thời gian dài “tuột dốc”, hiện giá các loại gia súc, gia cầm đang bắt đầu tăng cao. Các trang trại đang nô nức tái đàn để cung ứng cho thị trường tết.