Thanh Hóa chủ động con giống trong nuôi trồng thủy sản
Để từng bước chủ động nguồn giống cho nuôi trồng thủy sản và hiện đại hóa khâu sản xuất giống thủy sản ngay trong tỉnh, năm 2012, UBND tỉnh đã quyết định đầu tư xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất giống thủy sản Thanh Hóa tại 2 xã Hoằng Thanh và Hoằng Phụ (Hoằng Hóa).
Trung tâm có quy mô 8 ha, tổng kinh phí đầu tư 106 tỷ đồng, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến. Hiện tại, các kỹ sư, chuyên gia của trung tâm đã bước đầu tiếp cận công nghệ sản xuất giống tôm sú, tôm càng xanh, ngao trắng, cá bống đen và công nghệ nuôi thương phẩm cá hồi vân, tôm thẻ chân trắng...
Với hệ thống hạ tầng và cơ sở kỹ thuật mới được đầu tư, mỗi năm, trung tâm có thể cung cấp cho thị trường 50 triệu giống tôm sú PL 15, 100 triệu giống tôm thẻ chân trắng, 2 triệu giống cua xanh, 500 triệu giống ngao Bến Tre, 2 triệu giống tu hài và hàu... Ông Hoàng Văn Tuân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất giống thủy sản Thanh Hóa, cho biết: Việc đầu tư xây dựng trung tâm giống hiện đại cùng với các hoạt động nghiên cứu, sản xuất giống thủy sản tại trung tâm sẽ tạo thuận lợi về con giống cho người nuôi trồng thủy sản trong tỉnh.
Các chủ đồng nuôi trong tỉnh cũng sẽ được mua con giống thủy sản khỏe hơn do không bị thay đổi bởi khí hậu, môi trường sống. Hiện, trung tâm đã cử cán bộ vào tỉnh Ninh Thuận để học hỏi kinh nghiệm và chọn tôm bố mẹ về nuôi dưỡng, chuẩn bị điều kiện để sản xuất giống tôm thẻ chân trắng; tiếp nhận 20 vạn trứng cá sủ đất và cá hồng mỹ từ tỉnh Quảng Ninh về ấp nở và ươm giống. Ngoài ra, trung tâm còn sản xuất các loại giống, như: Cua xanh, cá bống bớp, ngao Bến Tre... để cung cấp cho bà con trong vụ xuân này.
Toàn tỉnh hiện có trên 50 cơ sở sản xuất giống thủy sản. Trong đó có 44 cơ sở sản xuất giống nước ngọt, 4 cơ sở sản xuất giống nước lợ, mặn và 6 cơ sở sản xuất ngao giống tập trung. Trong sản xuất giống cá nước ngọt, chủ yếu các loại cá truyền thống, quy trình sản xuất giống đơn giản nên cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu.
Riêng với cá rô phi chất lượng cao, phục vụ cho thâm canh vẫn phải nhập từ các tỉnh phía Bắc. Phần lớn các trại giống vẫn hình thành tự phát, thiếu đầu tư đồng bộ nên chưa đáp ứng được yêu cầu (chưa có hệ thống quan trắc môi trường phục vụ sản xuất giống thủy sản, xả thải trực tiếp ra môi trường không qua xử lý...).
Các trại giống sản xuất cá truyền thống phần lớn ở các hộ gia đình ươm nuôi theo quy trình cũ, dựa trên kinh nghiệm là chính và cung cấp ra thị trường theo mùa vụ...
Theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp, từ nay đến năm 2020 diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh tăng lên 24.000 ha và 29.000 ha năm 2025 đồng thời tập trung vào 3 đối tượng chính có lợi thế, gồm: Tôm he chân trắng, ngao Bến Tre và cá rô phi, phấn đấu chủ động hoàn toàn việc sản xuất các giống thủy sản chủ lực như tôm, ngao, cua, cá...
Để đạt được mục tiêu trên, trước hết ngành nông nghiệp cần chủ động sản xuất giống thủy sản chủ lực, bảo đảm nguồn giống được kiểm soát dịch bệnh, giúp người nuôi trồng yên tâm sản xuất. Đồng thời, thực hiện tốt mục tiêu phát triển các vùng nuôi thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp với nhu cầu thị trường.
Sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, phân tán ở các hộ gia đình, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao hiệu quả, hình thành các trung tâm ứng dụng công nghệ cao sản xuất giống. Tập trung triển khai, ưu tiên nguồn vốn, hỗ trợ hạ tầng, nâng cấp trang thiết bị cũng như đầu tư xây dựng cho các dự án sản xuất giống trong toàn tỉnh.
Related news
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, qua kiểm tra môi trường vào ngày 4/2/2016, các chỉ tiêu pH, NH4, NO2, H2S đều nằm trong giới hạn cho phép. Riêng chỉ tiêu COD (dùng để xác định hàm lượng chất hữu cơ có trong nước và nước thải công nghiệp) cao hơn rất nhiều so với quy chuẩn Việt Nam 08:2008/BTNMT (
Với diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 38.470ha và cho tổng sản lượng khoảng 59.000 tấn/năm, Đông Hải được đánh giá là một trong những huyện có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn của tỉnh Bạc Liêu. Phát huy thế mạnh này, năm 2016, Đông Hải quyết tâm đưa nghề nuôi trồng thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.
Trong khi các ao, đầm nuôi cá vược tại Thái Bình lao đao vì thời tiết, diện tích nuôi cá vược tại xã Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) chỉ bị ảnh hưởng nhẹ. Vậy đâu là bí quyết?