Thành Công Bước Đầu Mô Hình Nuôi Cá Tầm Ở Sơn La
Những ngày đầu tháng 10, trong chuyến công tác tại huyện Quỳnh Nhai (Sơn La), tôi đến thăm mô hình nuôi cá tầm của HTX Hạnh Lợi ở bản Nặm Uôn, xã Chiềng Ơn. Thật bất ngờ khi tận mắt nhìn thấy những con cá tầm, loài cá chỉ thích nghi ở vùng nước lạnh lại sống khỏe mạnh, phát triển tốt ngay trên hồ thủy điện Sơn La.
Say mê nghề thủy sản
Trong ngôi nhà nổi ngay đầu cầu Pá Uôn, bà Vũ Thị Lợi, Chủ nhiệm HTX Hạnh Lợi và mấy công nhân đang mải mê khâu lưới. Sau câu chuyện xã giao, bà Lợi khiêm tốn: Mới nuôi thử nghiệm mấy nghìn con thôi, đã có gì để viết đâu!. Phải mất một lúc thuyết phục bà Lợi mới cởi mở hơn, nhưng tay vẫn không ngừng khâu lưới.
Vốn là người kinh doanh thương mại, nhưng bà Lợi lại rất say mê với nghề nuôi trồng thủy sản. Hợp tác xã của bà ở Tân Phong (Lai Châu), sau khi thủy điện Sơn La đóng đập, bà đã xây dựng 2 mô hình nuôi cá tầm ở đây, nhưng không thành công, do độ dốc lớn, những khi thủy điện Sơn La xả lũ nước hồ xuống thấp, cá không chịu được nóng nên chết hết. Với quyết tâm phải tìm địa điểm thích hợp để nuôi được cá tầm, bà Lợi đã xuôi theo hồ sông Đà, khi đến khu vực huyện Quỳnh Nhai, thấy hồ rộng mênh mông, nước sâu và trong xanh, bà Lợi biết mình đã tìm được địa điểm lý tưởng có thể nuôi được cá tầm.
Bằng những kinh nghiệm của bản thân, cộng với sự giúp đỡ, động viên của các chuyên gia Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cùng với chủ trương của tỉnh Sơn La về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhằm khai thác tối đa lợi thế vùng lòng hồ sông Đà. Bà Lợi đã được tham gia mấy cuộc họp của (VASEP) ở tỉnh Sơn La, được lãnh đạo tỉnh cho phép, tạo điều kiện cho đầu tư, bà đã tích cực đi tham quan, hỏi hỏi thêm kinh nghiệm, sưu tầm tài liệu nghiên cứu về cá tầm và bắt tay vào xây dựng mô hình.
Vượt qua khó khăn, thử thách
Sau khi đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng nhà nổi 1.000 m2, với mục đích để phục vụ khách tham quan du lịch, kết hợp dịch vụ bán thức ăn và thuốc thú y cho người nuôi cá, cùng với khu bè nuôi cá rộng 600 m2, tháng 11-2011, bà Lợi thả lứa cá đầu tiên 2.200 con, giống được mua ở Công ty thủy sản 1 Thác Bạc (Lào Cai). Ngay lứa đầu tiên với trên 120 triệu đồng tiền giống bà đã thất bại. Do chưa có kinh nghiệm, giống cá mua quá bé 120 con/kg, mắt lưới của bè nuôi lại to, nên cá ra sông hết, còn lại khoảng 300 con khi nuôi được hơn 1 kg/con bị bắt trộm hết.
Không nản, bà Lợi tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền địa phương và giúp đỡ của các chuyên gia của VASEP, đầu năm 2012, bà tiếp tục mua 1.500 con giống về thả, rút kinh nghiệm, bà mua loại giống to hơn và đầu tư lưới có chất lượng cao, thuê người bảo vệ, nên lứa cá thứ hai của bà đã phát triển rất tốt, không con nào bị chết. Đến tháng 4 và tháng 5, bà tiếp tục mở rộng khu bè nuôi và thả thêm 1.500 con nữa.
Bà Lợi cho biết: Với loài cá tầm, nguồn nước rất quan trọng, phải luôn bảo đảm nước sạch, nếu nước bị ô nhiễm cá sẽ bị mắc bệnh và chết. Thức ăn của cá cũng không phải quá cầu kỳ, ngoài thức ăn công nghiệp, cho ăn thêm cá, tôm tép nhỏ, điều cơ bản phải chăm sóc và cho ăn đúng kỹ thuật.
Tìm hiểu thêm một chút về bà Lợi, tôi thầm cảm phục con người với niềm say mê của mình mà chấp nhận khó khăn, thử thách và cả những rủi ro. Bà Lợi thuộc diện gia đình chính sách, chồng là bộ đội đánh Mỹ, bị mắc sốt rét và nhiễm chất độc mầu da cam, đã mất cách đây hơn 10 năm, bà có 3 con, thì hai người cũng bị ảnh hưởng chất độc mầu da cam.
Bà Lợi chia sẻ: Mọi người bảo tôi là “thân làm tội đời”, ngoài 50 tuổi, nhà cao cửa rộng, kinh tế đàng hoàng, đáng lẽ ra chỉ việc ở nhà chơi với cháu, giờ ra đây chăm sóc đàn cá, để rồi “ăn không ngon, ngủ không yên” cũng vì đàn cá.
Nói là vậy, nhưng bà Lợi lại rất tâm huyết với nghề này, HTX của bà ở xã Chiềng Ơn có 4 người, ngoài ra bà con tạo việc làm cho gần chục người dân địa phương, với mức thu nhập trung bình 3 triệu đồng/người/tháng. Chị Lường Thị Loan, ở bản Nậm Uôn, cả hai vợ chồng được nhận vào làm ở đây. Hằng ngày, chị Loan khâu lưới, chăm sóc cá, vệ sinh bè nuôi, còn chồng làm bảo vệ. Chị Loan bảo công việc ở HTX không vất vả, lại có thu nhập ổn định.
Thành công bước đầu của mô hình
Đến nay, lứa cá thả đầu năm đã có trọng lượng từ 3,5 - 4 kg/con và giá bán từ 350.000 - 400.000 đồng/kg. Lợi nhuận đã thấy rõ, nhưng bà Lợi rất ít khi bán, theo bà những lứa cá này chủ yếu nuôi to để mọi người tham quan, học tập để nhân rộng mô hình, bà sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình với những ai có tâm huyết với nghề nuôi cá tầm này.
Theo đánh giá của các chuyên gia VASEP, việc HTX Hạnh Lợi nuôi thành công cá tầm trên hồ sông Đà là những kinh nghiệm quan trọng, giúp cho các cơ quan chức năng nghiên cứu để triển khai ra các địa phương khác thuộc vùng hồ thủy điện Sơn La. Tới đây, VASEP sẽ hỗ trợ HTX của bà Lợi làm lồng nuôi mới, hiện đại, có tuổi thọ cao, hình thức đẹp, quy mô nuôi đến hàng vạn con. Ngoài mục đích về kinh tế, đây sẽ là điểm phục vụ khách tham quan, du lịch và chuyển giao khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển các mô hình khác, khi có sản phẩm nhiều, VASEP sẽ hỗ trợ trong khâu chế biến và xuất khẩu.
Chia tay bà Lợi và những công nhân của HTX khi nắng chiều dần tắt, cũng là thời điểm chuẩn bị cho cá ăn. Bà Lợi cho tôi biết thêm một thông tin, nuôi cá thịt thành công rồi, tới đây sẽ mở rộng thêm mô hình nuôi thử nghiệm để lấy trứng, bởi vì trứng cá tầm là sản phẩm có giá trị kinh tế rất cao.
Related news
Sản xuất nhỏ lẻ, năng suất thấp nhưng chi phí cao đã khiến ngành chăn nuôi dễ bị tổn thương. Theo nhiều chuyên gia, nếu Nhà nước không có hành động quyết liệt thì ngành chăn nuôi sẽ đối mặt với nguy cơ “thua trên sân nhà”.
Dịch cúm gia cầm xuất hiện chủ yếu trên đàn vịt có quy mô lớn của các hộ dân chăn nuôi trên địa bàn 4 huyện, thị xã… của Bắc Ninh.
Mô hình chăn nuôi heo và gà trên đệm lót sinh học mà bà con nông dân xã Bình Ba (huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) áp dụng đã hạn chế ô nhiễm môi trường cũng như tăng hiệu quả kinh tế. Đây là phương pháp sử dụng chế phẩm Balasa N01 (dùng để khử độc, mùi hôi phát sinh từ chất thải chăn nuôi) kết hợp với mùn cưa, trấu, hoặc bột bắp… tạo ra quần thể vi sinh xử lý chất thải của vật nuôi, hạn chế mầm bệnh.
Gần giáp Tết Nguyên đán, gia đình ông Nguyễn Văn Định, thôn Vạn Ty, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) lại có nguồn thu lớn từ đàn trâu chuẩn bị xuất chuồng. Năm nay giá bán trâu vẫn duy trì ở mức 30 triệu đồng/1 con, trừ chi phí đàn trâu mang lại nguồn lợi cho gia đình trên 100 triệu đồng.
Tỉnh từ năm 2009 đến nay, UBND tỉnh đã cho thành lập 11 khu bảo vệ thủy sản, với tổng diện tích gần 350, chiếm khoảng 1,5% diện tích đầm phá. Nền tảng để duy trì các khu bảo vệ thủy sản này chủ yếu dựa vào cộng đồng, gắn trách nhiệm quản lý, bảo vệ và hưởng lợi của người dân.