Thặng dư xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 7 tháng đạt 6,28 tỷ USD
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố ngày 1/8 cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 7 tháng năm 2022 đạt 32,3 tỷ USD (tăng 12,2%), còn kim ngạch nhập khẩu ước trên 26 tỷ USD. Như vậy, thặng dư xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản trong 7 tháng là gần 6,3 tỷ USD, tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất trong bảy tháng, chiếm 26,8%, đạt gần 8,7 tỷ USD. Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc với tổng giá trị xuất khẩu trên 5,7 tỷ USD, chiếm 17,8% thị phần; thứ 3 là thị trường Nhật Bản trên 2,3 tỷ USD, chiếm 7,2%; thứ 4 là thị trường Hàn Quốc đạt trên 1,5 tỷ USD, chiếm 4,7%.
Xét theo khu vực, châu Á là thị trường xuất khẩu chiếm thị phần lớn nhất với 42,4%, tiếp đến là châu Mỹ 29,3%, châu Âu 11,9%, châu Đại Dương 1,7% và châu Phi 1,6%.
Cũng trong bảy tháng, có 4 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD gồm: Càphê, gạo, tôm và sản phẩm gỗ.
Xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt 13,3 tỷ USD, tăng 8,4%; lâm sản chính đạt trên 10,4 tỷ USD, tăng 1,3%; thủy sản ước đạt gần 6,7 tỷ USD, tăng 34,2%; đầu vào sản xuất gần 1,7 tỷ USD, tăng 66,7%; duy chỉ có xuất khẩu chăn nuôi là giảm 11,6% (ước đạt 225,6 triệu USD).
Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ như: Càphê đạt trên 2,6 tỷ USD, tăng 46,2%; tôm đạt trên 2,7 tỷ USD, tăng 26,2%; cá tra đạt khoảng 1,6 tỷ USD, tăng 83,6%; cao su đạt trên 1,6 tỷ USD, tăng 7%; gạo trên 2 tỷ USD, tăng 9%; hồ tiêu khoảng 661 triệu USD, tăng 11,7%; sắn và sản phẩm sắn đạt 904 triệu USD, tăng 32,1%... Đặc biệt, giá trị xuất khẩu phân bón các loại đạt 848 triệu USD, tăng gấp 3,2 lần.
Bên cạnh đó, giá trị xuất khẩu của một số mặt hàng đã giảm so với cùng kỳ như nhóm hàng rau quả đạt trên 1,9 tỷ USD, giảm 16,1%; hạt điều ước đạt gần 1,8 tỷ USD, giảm 10,4%; sản phẩm chăn nuôi đạt 225,6 triệu USD, giảm 11,6%; sản phẩm gỗ giảm 6,9%.
Nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tính chung 7 tháng ước trên 26 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó nhập khẩu thủy sản, lâm sản chính, nhóm đầu vào sản xuất tăng còn nhập khẩu nông sản chính và sản phẩm chăn nuôi giảm. Argentina, Trung Quốc và Hoa Kỳ là 3 thị trường cung cấp các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất cho Việt Nam trong 7 tháng qua.
Related news
Hiện nay trong tỉnh đang tiến hành gieo cấy lúa mùa, với điều kiện năm nay, thời vụ hết sức khẩn trương nên cần tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi.
Mùa mưa bão thường có nhiều sự thay đổi về điều kiện thời tiết như nhiệt độ và độ ẩm, đặc biệt là sự xuất hiện của các cơn bão có thể gây thiệt hại rất lớn.
Từ nay đến cuối năm, Bộ NN&PTNT phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tăng cường kiểm soát giá thịt lợn, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm.