Thận Trọng Khi Mở Rộng Diện Tích Cây Có Múi
Được trồng tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) khoảng 7 năm trước, đến nay, cam Đường Canh, cam Vinh, bưởi Diễn (gọi chung là cây có múi) đã đứng vững trên vùng đất này, diện tích đang tăng từng ngày. Xung quanh việc mở rộng diện tích cây có múi ở Lục Ngạn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm.
Cây có múi lãi gấp 40 lần trồng lúa
Năm nay, các nhà vườn trồng cam, bưởi ở Lục Ngạn trúng lớn, hộ trồng ít thu vài chục triệu, hộ trồng nhiều thu vài tỷ đồng. Chuyện cây cam, cây bưởi "nhả vàng” chưa lắng lại "nóng” chuyện mở rộng diện tích thâm canh. Dừng tay tưới dưỡng ruộng cam Đường Canh giữa cánh đồng, ông Vũ Văn Nhật, thôn Lường, xã Hồng Giang tâm sự, ông có 5 sào vườn và hơn 1,5 mẫu ruộng. 7 năm trước, gia đình được chính quyền cho chuyển đổi 8 sào ruộng cấy một vụ lúa không ăn chắc sang trồng cam Đường Canh.
Theo ông, một sào cam trồng được khoảng 70 cây, mỗi cây cho trung bình 20 kg (cây ở giai đoạn kinh doanh, từ 3 năm trở lên), tính theo giá và năng suất hiện tại, doanh thu đạt từ 55 đến 60 triệu đồng/sào/năm, sau khi trừ chi phí lãi từ 45 đến 50 triệu đồng. Trong khi đó, nếu cấy lúa chỉ thu lãi hơn 1 triệu đồng/sào/năm. Theo bà Nguyễn Thị Chiến, chủ trang trại cam Vinh lớn tại thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc, năm nay, mỗi sào cam Vinh thu lãi gần 45 triệu đồng.
Cách đây 5 năm, khi giá vải xuống thấp, gia đình ông Trần Kim Dưỡng, thôn Thác Do, xã Tân Quang đã chặt hơn một mẫu vải 15 năm tuổi chuyển sang trồng cam Đường Canh và 2 sào bưởi (75 cây). Vụ này, mỗi cây bưởi cho trung bình 70 quả, bán "xô” với giá 20 nghìn đồng/quả, thu lợi nhuận tương đương cam Đường Canh. Như vậy, trung bình mỗi ha canh tác cây có múi, bà con Lục Ngạn thu lãi khoảng 1,2 - 1,3 tỷ đồng, cao gấp 40 lần trồng lúa.
Ồ ạt trồng cam, bưởi
Do cây có múi mang lại nguồn thu lớn nên vài năm gần đây, người dân Lục Ngạn đã tự ý chuyển đổi nhiều diện tích vải thiều và cây trồng khác sang trồng cam, bưởi, đặc biệt, trong số đó có hàng chục ha đất lúa. Tháng 9-2012, gia đình ông Vũ Văn Nhật có đơn đề nghị chính quyền xã Hồng Giang cho chuyển nốt 7 sào đất lúa còn lại sang trồng cam.
Tuy nhiên, thời điểm ấy chưa có chủ trương của cấp có thẩm quyền nên đề nghị của ông Nhật không được giải quyết. Mặc dù vậy, gia đình ông vẫn đầu tư hơn 100 triệu đồng, thuê nhân công đổ hàng nghìn m3 đất màu san lấp toàn bộ diện tích này để trồng cam. Thấy vậy, nhiều hộ khác trong thôn Lường như gia đình chị Đường Thị Nhân, anh Nguyễn Văn Nghĩa làm theo. Mới đây, ngày 2-1-2014, chỉ trong một ngày gia đình anh Trần Văn Tư (cùng thôn Lường) đã cho san lấp và trồng 290 cây cam Đường Canh trên chân ruộng cấy lúa.
Bà Lê Thị Phúc, trưởng thôn Lường cho biết, năm 2013, thôn có 16 gia đình không được bình xét gia đình văn hoá vì cố ý đổ đất màu lên ruộng lúa để trồng cam, bưởi. Hai năm trở lại đây, thôn Lường đã có 5/12 ha đất lúa được người dân tự ý chuyển sang trồng cây có múi. Tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều xã khác như: Thanh Hải, Tân Quang, Tân Mộc. Một số hộ xã Trù Hựu còn trồng cam trên núi mặc dù loại cây này không thích hợp với nơi khô hạn. Năm 2011, Lục Ngạn có 35 ha cam Đường Canh, cam Vinh, đến nay tăng lên 580 ha. Hiện có 370 ha cho thu hoạch, sản lượng khoảng 2.600 tấn.
Lường trước hậu quả
Cách đây hơn 10 năm, khi cây vải cũng được coi là "cây vàng” thì người làm vườn Lục Ngạn đã ồ ạt trồng vải trên đồi cao, lấy đất đồi san lấp ruộng để có vườn vải. Đến nay, những diện tích này cho hiệu quả rất thấp, phần lớn đã được chuyển sang trồng cây khác. Cách đây không lâu, hồng Nhân Hậu cũng được thâm canh tại Lục Ngạn như một cây thế mạnh thì hiện nó đang mang "thân phận” của cây trồng ở đất xen kẹp và hàng rào. Hiện cây có múi, đặc biệt là cam Đường Canh và cam Vinh "lên ngôi” thì không ít hộ đang có những vườn vải đẹp cũng chặt đi để trồng cam.
Thực tế, so với năm ngoái, sản lượng cam Đường Canh và cam Vinh vụ này tăng khoảng 300 tấn, giá đều giảm gần 10 nghìn đồng/kg. Trong vòng 5 - 10 năm nữa, rất có thể giữa các loại cây ăn quả trên địa bàn huyện lại "đổi ngôi” dẫn tới vòng luẩn quẩn trồng - chặt, chặt - trồng. Hơn nữa, chi phí trồng cam đến khi thu hoạch khá cao, khoảng 10 triệu đồng/sào.
Theo Đề án cây ăn quả giai đoạn 2014 - 2020 của huyện Lục Ngạn, những năm tới, Lục Ngạn tiếp tục mở rộng diện tích cây có múi. Để bảo đảm hiệu quả, chính quyền huyện và các xã cần tăng cường quản lý đất đai, phát triển cây có múi trong vùng quy hoạch; tập trung xây dựng mô hình canh tác tiên tiến, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ; tăng cường tập huấn trồng và chăm sóc, phòng bệnh, đồng thời xây dựng và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa cây có múi của Lục Ngạn.
Thời điểm này, nhu cầu trồng cam, bưởi tăng cao, cơ quan chuyên môn cần chú trọng tới việc kiểm soát nguồn cây giống, ngăn chặn tình trạng cung cấp giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Trước khi trồng cây có múi, người dân nên chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng quy định, không "liều” trồng cam trên đồi cao hay những chân ruộng trũng.
Ông Chu Văn Báo, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Lục Ngạn cho biết, tháng 11- 2013, UBND huyện Lục Ngạn đã phê duyệt Đề án cây ăn quả giai đoạn 2014 - 2020, theo đó, đến năm 2020 diện tích cây ăn quả của huyện đạt hơn 22 nghìn ha; trong đó, cơ cấu cây ăn quả gồm: Vải thiều 16 nghìn ha, cây có múi 3 nghìn ha (tăng gần 2,5 nghìn ha so với hiện nay), còn lại là các loại cây ăn quả khác; phát triển tập trung tại 12/30 xã có điều kiện đất đai thổ nhưỡng phù hợp.
Related news
Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang về tình hình sản xuất, giá thu mua mía nguyên liệu trong thời gian qua, đồng thời triển khai kế hoạch sản xuất trong thời gian tới, ông Nguyễn Hoàng Ngoan (ảnh), Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), cho biết:
Dù phần thịt, ruột và hạt bên trong và cách dùng phổ biến nhất của trái bo bo cũng giống như bí đao là dùng để nấu canh thịt. Thế nhưng hương vị của canh bo bo rất đặc biệt và hoàn toàn khác hẳn: Nước ngọt thanh và tỏa mùi thơm nhẹ như dưa hấu.
Những năm gần đây, nghề nuôi tôm không còn nhộn nhịp, rầm rộ như trước vì dịch bệnh liên tiếp xảy ra khiến nông dân chán nản, kiệt quệ. Thế nên thành công của một số mô hình nuôi tôm theo hướng an toàn dịch bệnh đã và đang mang lại sức sống mới cho nghề nuôi tôm…
Trong 5 năm qua, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, Quảng Ngãi chịu nhiều tác động bất lợi của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu.
Sau hơn 1 tháng triển khai Quyết định số 28 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo giao cho NHCSXH thực hiện đã có hơn 30.000 hộ trên toàn quốc được vay vốn phát triển sản xuất.