Thách thức vụ nuôi tôm chính
Ngành nông nghiệp Cà Mau đang tập trung triển khai quy trình kỹ thuật nuôi tôm siêu thâm canh cho người dân; nhất là công nghệ 4.0 trong nuôi tôm, cụ thể nhất là thiết bị cảnh báo sớm môi trường ao nuôi, điều mà người dân nuôi tôm gần như chưa chủ động.
Tại tỉnh Cà Mau, từ sau Tết Nguyên đán, nông dân nuôi tôm tại các huyện trọng điểm như Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân…, nhất là loại hình nuôi thâm canh và siêu thâm canh đang bước vào vụ nuôi chính với tâm thế cho vụ nuôi thắng lợi.
Nông dân nuôi tôm còn gặp nhiều thách thức
Hồi sinh
HTX Dịch vụ Nuôi trồng thủy sản Đầm Dơi được xem là cái nôi của mô hình nuôi tôm từ những ngày đầu chuyển dịch, đến nay HTX dần đến thành công khi trải qua những thăng trầm về hiệu quả sản xuất trước những thách thức của nạn ô nhiễm môi trường, giá cả thị trường biến động và cả yếu tố con người. HTX được thành lập vào tháng 8/2010 và phát triển nhanh chóng tới 40 thành viên và 200 ha diện tích nuôi cũng như đẩy nhanh ứng dụng quy trình kỹ thuật vào loại hình nuôi mang lại sản lượng lớn; tuy nhiên vẫn còn những bất cập trong quá trình phát triển. Giám đốc HTX Trần Văn Đáng cho biết: “Ngoài những khó khăn về vốn, thì kỹ thuật của xã viên vẫn còn hạn chế. Hay tác động của con giống kém chất lượng, thời tiết không thuận lợi, giá tôm nguyên liệu không ổn định đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất. Từ đó, số lượng xã viên nuôi cho hiệu quả kém dần và cũng dần rời khỏi HTX để tìm hướng đi cho riêng mình. Từ 40 xã viên nay còn 18 xã viên với diện tích 100 ha. Cũng từ đó, HTX đã dần tìm ra hướng đi mới, hiệu quả được nâng dần lên.
HTX xây dựng lại theo mô hình mới với nòng cốt là những hộ có tâm huyết, có điều kiện về kỹ thuật, vốn. Và hiện nay thành viên của HTX đều thực hiện mô hình nuôi theo hình thức siêu thâm canh và liên kết chuỗi đã nâng dần chữ tín của HTX đối với các đối tác vật tư đầu vào, doanh nghiệp đầu ra bằng những hợp đồng ký kết ngay từ đầu vụ nuôi. Thêm vào đó, HTX cũng đang cùng doanh nghiệp xây dựng đạt chứng nhận ASC sẽ giúp doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định trong thời gian tới”.
Anh Thái Văn Tuấn, thành viên HTX cho biết: “Hiện tôm đạt trọng lượng khoảng 60 con về lớn, so với những năm trước thì có phần chậm hơn nhưng ở thời điểm hiện tại tốc độ như thế này là quá tốt rồi. Cùng đó, HTX thực hiện mô hình liên kết chuỗi và được doanh nghiệp thu mua với giá thị trường thì vụ này có lẽ chi phí thấp và lợi nhuận sẽ tăng hơn so với vụ trước”.
Khẳng định giá trị
Ông Trần Văn Đáng thông tin thêm: “Hiện anh em trong xã viên rất vui mừng khi hiểu và tham gia vào chuỗi liên kết ngành hàng tôm và con tôm của mình sản xuất ra đều đạt chứng nhận ASC (có truy xuất nguồn gốc) và được Công ty XNK Thủy sản Minh Cường thu mua. Quan trọng nhất là xã viên đều được tiếp cận các loại vật tư đầu vào với giá gốc đã góp phần giảm đi chi phí của vụ nuôi rất lớn”.
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau, cho biết: “Mục tiêu của ngành là phải nâng cao chất lượng. Trong các vấn đề chất lượng sản phẩm, thương hiệu, uy tín trên thị trường của con tôm Cà Mau thì việc xây dựng vùng nuôi có chứng nhận là rất quan trọng. Nghĩa là vùng nuôi mà các HTX là yếu tố quyết định của loại hình nuôi này phải có chứng nhận, phải có truy xuất nguồn gốc đối với con tôm của vùng nuôi đó. Ngành thủy sản địa phương cũng hướng đến tất cả các loại hình nuôi kể cả tôm - rừng, tôm sinh thái, tôm - lúa và tôm quảng canh truyền thống; đặc biệt, ở loại hình nuôi tôm siêu thâm canh phải hướng đến xây dựng nhiều loại chứng nhận để đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu mà các doanh nghiệp đã và đang thực hiện”.
Giải pháp của ngành thủy sản Cà Mau là phải phối hợp các bên có liên quan làm sao phải đảm bảo chuỗi tôm khép kín, quản lý về chất lượng và nguồn vốn. Tức là phải liên kết với các đối tác để đáp ứng tốt nhu cầu của mô hình sản xuất; đồng thời, việc tổ chức quản lý, kiểm soát chặt chẽ cung ứng đủ năng lực đầu vào như về con giống, thuốc, thức ăn; đầu ra thì đảm bảo sản phẩm có chứng nhận truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm để đảm bảo xuất khẩu.
Sở NN&PTNT Cà Mau đang tập trung phát triển các loại hình nuôi, trong đó tập trung vào việc tăng năng suất, tăng hiệu quả nhưng phải bền vững với các loại hình nuôi có lợi thế như: tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, thâm canh và siêu thâm canh. Mặt khác, để thực hiện giải pháp tăng sản lượng thì phải chỉ đạo phát triển mạnh loại hình nuôi tôm siêu thâm canh, bởi thời gian qua, loại hình này đã khẳng định được hiệu quả qua từng vụ nuôi (hiện, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh toàn tỉnh là trên 2.000 ha).
Related news
Ông Nguyễn Hồng Dũng làm 4 bể lót bạt nuôi lươn không bùn. Sau 7 tháng nuôi, mỗi bể gia đình ông thu được 2 tạ lươn thịt, lãi 12 triệu đồng
Quy mô mỗi mô hình xây dựng 2 bể nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao” thể tích 250 m3/bể (kích thước 25 x 5 x 2 m) trở lên; ao nuôi có diện tích hơn 1 ha
Năm 2018, ngành hàng cá tra đạt kết quả tốt, đồng bộ trên mọi phương diện: sản lượng tăng 13,6%, kim ngạch xuất khẩu tăng 26,5%; không xuất hiện dịch bệnh lớn