Thách thức thủy sản Việt Nam tại Mỹ
Là một trong những thị trường trọng điểm cho xuất khẩu nông sản Việt Nam, nhưng Mỹ vẫn được dự báo là còn không ít khó khăn nhất là với ngành thủy sản trong năm 2018 này.
Mỹ là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam. Ảnh: Huy Hùng
Tín hiệu khả quan
Thống kê của Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy, sản tháng 2 năm 2018 ước 2,6 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt 6,1 tỷ USD, tăng 30,2% so cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước 3,3 tỷ USD, tăng 27,8%; thủy sản ước gần 1,2 tỷ USD, tăng 29,5%; các mặt hàng lâm sản chính ước 1,43 tỷ USD, tăng 28,5%; nhóm các mặt hàng khác đạt 237 triệu USD, tăng 107,1%.
Năm 2017, ngành nông nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng khá với hơn 36 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 13% so năm 2016, trong đó nhiều dấu mốc mới như xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên vượt 8 tỷ USD; góp phần đưa thặng dư tuyệt đối của ngành nông nghiệp đạt con số 8,55 tỷ USD, tăng hơn 1,1 tỷ USD so năm 2016, với 10 nhóm hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 55,3% tổng giá trị xuất khẩu.
Rào cản tại thị trường Mỹ
Tuy thuộc top những thị trường nhập khẩu hàng đầu sản phẩm thủy sản Việt Nam; nhưng xuất khẩu thủy sản nói chung sang thị trường Mỹ dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong năm 2018.
Cụ thể là Chương trình giám sát hải sản nhập khẩu (SIMP) chống lại các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU) và gian lận hải sản vào nước này được triển khai từ đầu năm 2018, sẽ khiến thủy sản xuất khẩu sang thị trường này bị kiểm soát nguồn gốc chặt hơn. Chương trình này được thiết lập dành cho 13 loài nằm trong nguy cơ bị đánh bắt trong đó có cá ngừ. Cá ngừ lại là sản phẩm cá biển chủ lực của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ. Việc đưa ra những rào cản kể trên theo VASEP là để các nhà nhập khẩu Việt Nam nhận diện rõ những thách thức mà họ sẽ phải đối mặt trong hoạt động sản xuất chế biến và xuất khẩu của mình. Từ đó cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định một cách có trách nhiệm, bền vững đối với thị trường này.
Mặt khác, thủy sản vẫn là mặt hàng đang chịu nhiều áp lực nhất khi xuất khẩu sang Mỹ; bởi thị trường này liên tục đưa ra các rào cản về thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp. Đơn cử, tháng 9/2017, Bộ Thương mại Mỹ (USDC) công bố Kết luận sơ bộ đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 13 (POR13) đối với sản phẩm cá tra - basa nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, sau khi Mỹ tiến hành kiểm tra 100% lô hàng cá tra Việt Nam từ ngày 2/8/2017, USDC đã quyết định áp mức thuế 2,39 USD/kg, cao gấp 3 lần mức thuế suất riêng lẻ trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 12. Xuất khẩu cá tra sang Mỹ năm 2018 có thể sẽ giảm khoảng 10%. Ngày 12/1/2018, Việt Nam đã đệ trình khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), liên quan đến cách Mỹ đánh thuế mang tính trừng phạt các mặt hàng cá fillet Việt Nam vì cho rằng, Mỹ đã vi phạm các quy định của WTO trong cách áp thuế lên cá fillet Việt Nam. Mỹ sẽ có thời gian 60 ngày để giải quyết khiếu nại hoặc Việt Nam có thể yêu cầu WTO phân xử.
Để tháo gỡ những khó khăn trên, Bộ Công thương đang tích cực hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp cập nhật thông tin, ứng phó với các vụ việc hàng hóa xuất khẩu bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, thông tin cảnh báo về cách phòng tránh, xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Hiện, Bộ Công thương cũng đang phối hợp cùng Bộ NN&PTNT triển khai các chương trình hành động về an toàn thực phẩm, đặc biệt là tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm theo chuỗi liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp và thị trường. Đồng thời, tăng cường nâng cao hoạt động thực thi Luật An toàn thực phẩm, Luật Thủy sản…
Tuy nhiên, cùng với các giải pháp tháo gỡ khó khăn thị trường của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần có giải pháp nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn thị trường nhằm giữ vững và mở rộng thị phần xuất khẩu
>> Năm 2017, Mỹ là thị trường đơn lẻ thứ 3 của Việt Nam, chiếm 17% trên tổng giá trị xuất khẩu sang các thị trường với 1,4 tỷ USD, giảm 2,5% so cùng kỳ năm 2016. Cùng đó, ba mặt hàng thủy sản chính của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ gồm tôm chiếm trên 17%; cá tra 19,3% và cá ngừ trên 23%.
Related news
Ở Việt Nam nghề nuôi cá chình đang ở bước khởi đầu. Một trong những vấn đề khó khăn nhất hiện nay là nguồn giống.
Tôm nước lợ là một trong những đối tượng chủ lực góp phần giúp ổn định, phát triển ngành thủy sản nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung của tỉnh Bạc Liêu
Theo thương lái mua bán tôm, trước đó, có thời điểm các mối thu gom hàng chạy chợ cuối năm sang Trung Quốc đột ngột ngưng sớm, giá tôm giảm 15-20%.