Tàu tấp nập vào bờ, giá hải sản vẫn ở mức đáy
Sáng 2.8, PV Dân Việt có mặt tại cảng cá Cửa Việt (Gio Linh, Quảng Trị) chứng kiến cảnh tàu thuyền vào ra khá tấp nập nhưng giá hải sản vẫn ở mức thấp. Hiện cá nục loại đẹp chỉ có giá 11.000 đồng/kg, còn loại nhỏ chỉ 6.000-8.000 đồng/kg (chỉ bằng 1/3 so với giá cá các năm trước đây). Các loại cá khác như cá ngừ, thu… giá cũng chỉ còn chưa đến một nửa.
Tiểu thương Trần Thị Thương cho biết: “Chúng tôi tưởng giá cá sẽ tăng dần nhưng ai ngờ cứ dậm chân tại chỗ. Việc mua bán hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, người dân vẫn chưa dám ăn hải sản. Người dân chúng tôi muốn biết bao giờ thì biển sạch, bao giờ thì ăn được cá”.
Chị Lê Thị Chính – tiểu thương ở xã Triệu Lăng (Triệu Phong) khẩn khoản nói: “Trước đây bán buôn thuận lợi, có đồng vào đồng ra, gia đình đỡ khổ. Nay cá không ai ăn, buôn bán ế ẩm nên lâm cảnh khốn cùng. Nhà chỉ có ít đất, muốn vay vốn trồng trọt, chăn nuôi nhưng không có tài sản thế chấp nên ngân hàng không cho vay, chúng tôi lấy gì làm ăn”.
Đang loay hoay thu hoạch dưa, ngư dân Nguyễn Thanh Phấn (trú thôn 7, xã Triệu Vân, Triệu Phong) cho biết, từ sau sự cố cá chết hàng loạt không ai dám ăn hải sản nên bà con ngư dân nghỉ đi biển, gia đình mất nguồn thu. Cái khó ló cái khôn, nhà có 5 sào đất (2.500 m2) anh Phấn đem trồng đậu xanh xen dưa, ngô... để có thu nhập. “Tuy thu nhập không cao nhưng vẫn có tiền lo cho mấy miệng ăn trong nhà. Không ra biển thì phải lên bờ chứ tính sao. Nhưng nói thật từ sau khi xảy ra sự cố cá chết hàng loạt, đời sống ngư dân chúng tôi vô cùng khó khăn, nhất là lúc con em sắp vào năm học mới” – anh Phấn tâm sự.
Không thể ra khơi, ngư dân Nguyễn Thanh Phấn tăng cường canh tác trồng trọt, chăn nuôi để có thu nhập nhưng đời sống vẫn rất khó khăn.
Ông Nguyễn Đức Chính – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, thiệt hại từ sự cố môi trường do Formosa gây ra còn hơn một trận siêu bão quét qua 4 tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Trị. Dù là địa phương nghèo nhưng Quảng Trị đã chủ động tìm nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ khẩn cấp cho người dân. Mới đây, tỉnh đã quyết định trích ngân sách tỉnh 3,2 tỷ đồng hỗ trợ 16 xã, thị trấn ven biển (thuộc 4 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng – mỗi xã 200 triệu đồng) bị thiệt hại do sự cố môi trường gây ra để xây dựng mô hình sản xuất chăn nuôi và trồng trọt hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Cùng với hỗ trợ tiền, tỉnh còn cử 16 kĩ sư về 16 xã để thực hiện việc xây dựng mô hình cho hiệu quả.
Ngư dân Hồ Văn Thuông (56 tuổi, trú thôn 6, xã Gio Hải, Gio Linh, Quảng Trị) bên chiếc thuyền gác mái ngóng ra biển nhớ nghề.
Theo thống kê sơ bộ, sự cố môi trường cá chết đã làm 8.008 hộ/44.045 nhân khẩu ở Quảng Trị bị ảnh hưởng. Có 2.829 tàu thuyền (2.628 tàu ven bờ, 201 tàu xa bờ) gặp khó khăn, đa số ngư dân ở nhà, không có sinh kế. Lượng khách du lịch quốc tế và nội địa đến Quảng Trị giảm chỉ còn 1/10 so với cùng kỳ năm 2015.
Related news
Chỉ số độ mặn thực đo tại các vuông tôm nuôi quảng canh các huyện trồng lúa trên đất nuôi tôm đang ở mức 15 - 20‰. Với độ nặm này, người dân trồng lúa cũng như ngành nông nghiệp phải quyết tâm hơn nữa trong công tác rửa mặn khi lịch thời vụ đang đến gần.
Trong khi chờ cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, xét nghiệm hơn 800 sản phẩm thức ăn chăn nuôi thủy sản và sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) của doanh nghiệp (DN) đã được đóng dấu kiểm định khống vừa bị phát hiện tại Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), người NTTS đứng ngồi không yên.
Từ đầu năm đến nay cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu đã kiểm tra bắt giữ nhiều vụ bơm tạp chất vào tôm để ăn gian tăng trọng.