Tạo sức bật cho kinh tế biển
Bước vào căn nhà rộng hơn 300m2 với nhiều vật dụng hiện đại của gia đình ông Nguyễn Tấn Biểu, toạ lạc ngay khu vực khóm 1, thị trấn Sông Ðốc, không ít người choáng ngợp. Lão ngư Nguyễn Tấn Biểu đã có trên 40 năm theo nghề biển. Ông chia sẻ: “Tất cả cơ ngơi này cùng với đội tàu 10 chiếc hiện nay của gia đình là do lộc từ biển mà có”. Câu khẳng định chắc nịch ấy của lão ngư Nguyễn Tấn Biểu khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, bởi nghề khai thác biển những năm gần đây gặp không ít khó khăn do nguồn tài nguyên đang ngày một cạn kiệt, nhiều ngư dân phải chịu cảnh thua lỗ liên tục. Càng ngạc nhiên hơn khi ông cho biết, đang làm hồ sơ để xin vay vốn đóng thêm tàu mới công suất khoảng 400 CV từ Nghị định 67 của Chính phủ.
Ông Biểu trần tình: “Ðể khai thác hiệu quả trong giai đoạn nào cũng vậy, phải biết áp dụng và kết hợp giữa tiến bộ khoa học - kỹ thuật với kinh nghiệm, sự hiểu biết về biển”. Ông minh chứng, trang bị máy tầm ngư cho phương tiện khai thác chính là tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Tuy nhiên, sử dụng thiết bị này như thế nào cho hiệu quả nhất thì đòi hỏi phải có kinh nghiệm. Thí dụ, máy tầm ngư phát hiện có “đồ” (“đồ” là các loại cá, tôm, mực… theo cách nói của ngư dân) trong khu vực tàu đang hoạt động nhưng bủa lưới đánh bắt chưa chắc mang lại hiệu quả. Nếu có kinh nghiệm nhìn trên máy từ cách di chuyển, vị trí, độ sâu, mật độ… tài công sẽ biết đó là loại gì và sản lượng nhiều hay ít để tính toán lời, lỗ mới quyết định đánh lưới. Có như vậy hiệu quả khai thác mới cao.
Chính nhờ sự kết hợp hiệu quả giữa trang thiết bị hiện đại và kinh nghiệm trong khai thác mà đội tàu gia đình ông Biểu đánh bắt khá hiệu quả trong điều kiện nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm như hiện nay.
Ông Biểu cho biết, con nước nào thất lắm thì đoàn tàu cũng kiếm lãi vài trăm triệu đồng, còn vào những tháng biển có “đồ” (từ tháng 1-4) thì có thể kiếm được từ 1 - 2 tỷ đồng.
Bộ đàm đường dài trong nhà reo lên, ngắt ngang câu chuyện của chúng tôi. Sau gần 15 phút trả lời bộ đàm, ông Biểu quay lại nói: “Mấy anh em điện vào báo cáo tình hình đội tàu và hoạt động khai thác để xin ý kiến. Ðúng là tiến bộ khoa học, ngày nay chủ tàu ngồi nhà cũng có thể tham gia khai thác cùng anh em trên biển”.
Không chỉ riêng ông Biểu mà cửa biển Sông Ðốc hiện nay có nhiều đội tàu ra khơi với trang thiết bị hiện đại, đóng góp không nhỏ vào sản lượng thuỷ sản của huyện, tỉnh. Gia đình ông Ðặng Thành cũng là một trong những hộ có đội tàu gần chục chiếc đều được trạng bị các phương tiện khai thác tiên tiến và đảm bảo an toàn cho ngư phủ. Gia đình ông còn đầu tư một cơ sở sản xuất nước đá, cây xăng dầu và xưởng cơ khí để phục vụ cho hoạt động khai thác.
Ông Thành chia sẻ, nhờ có trang thiết bị hiện đại và những cơ sở sản xuất phục vụ khai thác mà chi phí trong hoạt động khai thác giảm đáng kể, hiệu quả được nâng lên. Hầu như không chuyến biển nào thua lỗ, chỉ là lời ít hay nhiều mà thôi.
Hiện đại hoá đội tàu khai thác để nâng cao hiệu quả hoạt động của ngư dân là một trong những mục tiêu mà các ngành, các cấp đang nỗ lực thực hiện nhằm hướng tới mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển.
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Ðốc Lâm Văn Phú cho biết, thị trấn đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ nhằm từng bước nâng dần đội tàu khai thác xa khơi. Ðồng thời, kiến nghị và kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá nhằm phục vụ mục tiêu phát triển một cách đồng bộ từ khai thác, bảo quản, tiêu thụ theo hướng hiện đại, tăng giá trị sản phẩm hàng hoá và tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân.
Thời gian qua, nhiều dự án xây dựng cảng cá, bến neo đậu tàu, nạo vét cửa biển đã được triển khai trong tỉnh, bước đầu mang lại hiệu quả cao, giúp nghề khai thác có thêm điều kiện và động lực phát triển. Ðồng thời, trong kế hoạch từ nay đến năm 2020, tỉnh tiếp tục nâng cấp 5 cảng cá, 6 bến cá kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển cho phương tiện trong và ngoài tỉnh, để nghề khai thác biển luôn giữ vững thế đứng là một ngành kinh tế mũi nhọn./.
Ðội tàu khai thác biển của ngư dân thị trấn Sông Ðốc có 1.373 phương tiện, hằng năm cung cấp cho thị trường khoảng 100.000 tấn thuỷ sản các loại và giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 20.000 lao động trong, ngoài tỉnh; góp phần không nhỏ thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện và của tỉnh. Ngoài ra, hiện nay thị trấn Sông Ðốc còn có khoảng 51 phương tiện tàu thu mua nguyên liệu trên biển với công suất từ 200 - 400 CV phục vụ hiệu quả hoạt động khai thác. Ngoài ra, dịch vụ phục vụ hậu cần nghề khai thác thời gian qua cũng được quan tâm đầu tư. Hiện khu vực thị trấn Sông Ðốc có 3 cơ sở đóng mới và cải hoán tàu, 1 cảng cá và trên 1.650 cơ sở, đại lý kinh doanh các mặt hàng ngư cụ, xăng dầu và thu mua nguyên liệu, cơ bản đáp ứng nhu cầu của ngư dân.
Related news
Gần 2 năm nay giá nghêu giống quá thấp, nên ông Trần Văn Vinh (Bảy Vinh), ấp Cầu Muống, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang có ý tưởng tận dụng trang thiết bị có sẵn ở trại sản xuất nghêu giống để nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm.
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện XDNTM, tiêu chí môi trường tuy đã được các địa phương quan tâm thực hiện song kết quả chưa cao. Để nâng cao tỷ lệ các xã đạt tiêu chí về môi trường, nhiệm vụ đặt ra cho các ban ngành, cơ quan là cần có nhiều giải pháp, mô hình phát triển kinh tế ở nông thôn có tính khả thi như VAC (vườn, ao, chuồng).
Người dân ở các vùng được qui hoạch ngọt hóa ở một số xã tại Bình Đại, Ba Tri (Bến Tre) trong hơn một năm qua đã “lén lút” đào ao nuôi tôm nước mặn vì lợi nhuận từ con tôm quá mạnh mẽ. Dù chính quyền địa phương kiểm soát gắt gao nhưng họ vẫn làm cho bằng được, không ngại khó khăn, tốn kém, cản trở…
Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) nhiều gia đình đã lựa chọn mô hình nuôi ngan đen để phát triển kinh tế. Đây được đánh giá là nghề hái ra tiền bởi chi phí đầu tư thấp nhưng hiệu quả kinh tế rất khả quan.
Ngày 5/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị tổng kết vụ nuôi tôm 2013, triển khai kế hoạch nuôi năm 2014 của các tỉnh phía Bắc.