Home / Tin tức / Tin nông nghiệp

Tạo bước đột phá trong phát triển chăn nuôi

Tạo bước đột phá trong phát triển chăn nuôi
Author: Việt Anh
Publish date: Friday. July 29th, 2016

Để chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp, tỉnh Bắc Ninh định hướng, khuyến khích các địa phương thực hiện phương thức chăn nuôi an toàn sinh học bền vững theo quy mô trang trại, gia trại tập trung, xa khu dân cư với đối tượng nuôi chủ lực là lợn và gia cầm.

Nhờ đó, chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại không ngừng phát triển, xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Nhiều hộ còn tận dụng các khu đất trũng, ven sông, chuyển đổi thành trang trại tổng hợp, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Bắt tay vào làm kinh tế trang trại chăn nuôi nhiều năm, trăn trở lớn nhất của chị Vũ Thị Đông, thôn Bùi Xá (xã Ngũ Thái, Thuận Thành) là vấn đề ô nhiễm môi trường. Nhờ bản tính kiên trì, chịu khó tìm tòi, sáng tạo trong sản xuất và sự tư vấn, hỗ trợ của các cấp, ngành chức năng, từ năm 2011, khu trang trại rộng 2ha của gia đình được chị quy hoạch khép kín với 0,5ha ao cá, 0,5ha trồng rau, khu chăn nuôi hơn 100 con lợn thịt, lợn rừng, hàng trăm con gà và khu giết mổ chế biến.

Bí quyết của chị Đông là ứng dụng công nghệ vi sinh hữu hiệu EM vào nhiều công đoạn trong chăn nuôi, tạo ra nguồn thức ăn chất lượng và sử dụng chế phẩm EM trộn với mùn cưa cùng một số thành phần khác để biến nền chuồng thành đệm lót vi sinh, hạn chế tối đa chất thải ra môi trường.

Năm 2014, trang trại của gia đình chị đạt chứng nhận Thực phẩm Hữu cơ EM GREEN của tổ chức EMRO Nhật Bản cho sản phẩm thịt lợn, thịt gà. Các sản phẩm được đóng gói, dán nhãn mác với xuất xứ rõ ràng, được thị trường đón nhận dù giá bán cao hơn nhiều so với giá thị trường, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi và các HTX đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất như: Công nghệ chuồng kín, máng uống tự động, máng ăn bán tự động; xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm khí sinh học (Biogas) và đệm lót sinh học. Cùng với việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng, các trang trại thực hiện đồng bộ các biện pháp chăn nuôi an toàn và quản lý tốt dịch bệnh nên hiệu quả cao hơn hẳn chăn nuôi nông hộ.

Anh Nguyễn Đình Dương ở thôn Đăng Triều (xã Trừng Xá, Lương Tài) đầu tư mô hình trang trại bài bản, khép kín với 2 ao nuôi thả cá, dãy chuồng nuôi 13 con lợn nái, 60 đôi chim bồ câu và hơn 2.000 gà giống lai gà Hồ. Khu chuồng nuôi gà được anh xây dựng khép kín với hệ thống thức ăn, nước uống tự động hóa và hệ thống quạt làm mát bảo đảm nhiệt độ chuồng nuôi luôn giữ ổn định.

Anh tuyển chọn giống cẩn thận và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học: Tiêm phòng đầy đủ theo đúng độ tuổi; xây dựng lịch trình khử trùng, tiêu độc vệ sinh chuồng trại định kỳ; nguồn thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh…

Anh Dương đầu tư máy ấp trứng và trồng cây ăn quả xung quanh khu trang trại, vừa tạo cảnh quan, vừa góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Trung bình mỗi tháng, gia đình anh xuất 7 lứa gà giống, mỗi lứa khoảng 1.500 con; mỗi năm xuất bán 2 lứa lợn, mỗi lứa hơn 100 con… Từ quy mô chăn nuôi hộ gia đình, đến nay mô hình trang trại tổng hợp của gia đình anh cho doanh thu gần 2 tỷ đồng mỗi năm.

Theo ông Vũ Thái Ninh, Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp & PTNT), chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học từng bước áp dụng thành công và nhân rộng trong sản xuất, góp phần làm thay đổi tư duy, nhận thức của nông dân.

Thành công của các mô hình khẳng định chăn nuôi an toàn sinh học mang lại lợi ích kép trong sản xuất nông nghiệp, vừa tạo ra sản phẩm chất lượng an toàn, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đây là cơ sở để hơn 3.300 trang trại, gia trại và các hộ nuôi nhỏ lẻ trong tỉnh tiếp cận với KHKT, ứng dụng vào sản xuất làm thay đổi tập quán chăn nuôi tự cấp, tự túc sang chăn nuôi hàng hoá, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển chăn nuôi bền vững.


Related news

Dồn lực cứu lúa sau bão số 1 Dồn lực cứu lúa sau bão số 1

Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Cần khẩn trương khắc phục sự cố về điện để phục vụ tiêu úng cứu lúa”.

Friday. July 29th, 2016
Trạm Tấu có trên 2.400ha sơn tra Trạm Tấu có trên 2.400ha sơn tra

Đến nay toàn huyện có trên 2.400 ha sơn tra, trên 300 ha đã cho thu hái với sản lượng 300 - 500 tấn/năm, thu về hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Cây sơn tra tập trung nhiều ở xã Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ, Làng Nhì…

Friday. July 29th, 2016
Nấm xanh giúp quản lý tốt dịch hại trên lúa Nấm xanh giúp quản lý tốt dịch hại trên lúa

Thời gian qua, không ít nông dân Hậu Giang đã sử dụng chế phẩm sinh học nấm xanh để phòng trừ dịch hại cho đồng ruộng. Đây vừa là biện pháp mang lại hiệu quả kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên.

Friday. July 29th, 2016