Home / Tin tức / Tin thủy sản

Tánh Linh (Bình Thuận): Ổn định với cá thát lát cườm theo chuỗi

Tánh Linh (Bình Thuận): Ổn định với cá thát lát cườm theo chuỗi
Author: Anh Vũ
Publish date: Tuesday. April 10th, 2018

Những năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đã triển khai nhiều mô hình nuôi thủy sản nước ngọt ở huyện Tánh Linh đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, nuôi cá thát lát cườm lồng bè theo hướng liên kết chuỗi, mang lại lợi nhuận và bình ổn đầu ra cho sản phẩm.

Hiệu quả mô hình cá thát lát cườm đang được nhân rộng tại nhiều địa phương. Ảnh: LHV 

Hiệu quả trông thấy

Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đã triển khai nhiều mô hình nuôi thủy sản nước ngọt ở huyện Tánh Linh như nuôi cá ruộng, cá rô đồng, cá thát lát trong ao ở xã Nghị Đức… Phòng Kinh tế Tánh Linh đã xây dựng 3 mô hình nuôi lồng bè cá thát lát tại hồ Biển Lạc, xã Gia An với thể tích 60 m3; nuôi cá lóc tại lòng hồ thủy lợi Tà Pao, xã Đồng Kho với thể tích 80 m3; nuôi cá rô phi đơn tính tại xã Đồng Kho và xã Đức Tân với diện tích 1,5 ha.

Trước tình trạng dịch bệnh xảy ra trên cá bống tượng nuôi lồng bè ở Gia An kéo dài trong nhiều năm liền, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đã thử nghiệm nuôi cá thát lát cườm trong lồng bè với số lượng nuôi ban đầu 3.000 con, quy mô 60 m3. Mục đích đa dạng hóa đối tượng nuôi ngoài cá bống tượng và các loài cá khác trên vùng hồ Biển Lạc.

Sau 6 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng trên 400 g/con và trong quá trình nuôi không bị bệnh như cá bống tượng. Nhận thấy đây là một đối tượng có tiềm năng phát triển trong tương lai vì cá thát lát cườm có phẩm chất thịt ngon, ít xảy ra dịch bệnh, có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. 

Không lo đầu ra

Để phát triển thương hiệu “Chả cá thát lát Biển Lạc”, năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận tiếp tục thực hiện mô hình “Nuôi cá thát lát cườm bằng thức ăn công nghiệp theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ” tại 10 hộ dân trên địa bàn xã Gia An, với quy mô 280 m3.

Thời điểm thả giống từ cuối tháng 6/2017, với số lượng con giống 21.000 con. Sau 6 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng 300 - 400 g/con. Có thể kéo dài thời gian nuôi sau 8 tháng, cá đạt trọng lượng 500 - 600 g/con.

Ông Đinh Ngọc Bền, là hộ tham gia thực hiện mô hình chia sẻ: “Tham gia mô hình chúng tôi được nhà nước hỗ trợ trên 163 triệu đồng, gồm 100% giống và 30% thức ăn. Thời gian thực hiện hợp đồng từ tháng 6/2017 - 2/2018”. Ông Bền tính, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được từ mô hình mỗi lứa gần 90 triệu đồng.

Ông Phạm Kim Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận cho biết, cá sau khi thu hoạch được Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Phối Phối (thị trấn Lạc Tánh) hợp đồng thu mua toàn bộ sản phẩm với giá không thấp hơn 65.000 đồng/kg. Việc kết hợp, kêu gọi doanh nghiệp thu mua cá thương phẩm tạo nên chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ bước đầu được thực hiện một cách thuận lợi, tạo điều kiện cho các hộ nuôi không còn lo lắng về đầu ra của sản phẩm.

Theo đánh giá của người nuôi, thát lát là loài cá dễ nuôi, ít bệnh tật so với cá bống tượng mà bà con đã từng nuôi. Đặc biệt, có doanh nghiệp thu mua tại địa phương tạo điều kiện cho người nuôi yên tâm sản xuất, không còn lo lắng việc tư thương ép giá mỗi khi thu hoạch.

Nhân rộng mô hình

Tuy nhiên, việc triển khai mô hình cũng gặp khó khăn khi nguồn hỗ trợ vốn trong đầu tư phát triển thủy sản nước ngọt dành cho địa phương của các cấp còn hạn chế, chưa tạo được bước đột phá. Nguồn giống phục vụ nuôi trồng thủy sản nước ngọt chưa chủ động, còn phụ thuộc từ bên ngoài và chọn lọc đánh bắt tự nhiên để thả nuôi, do đó tăng nguy cơ dịch bệnh, rủi ro trong quá trình nuôi cao, chất lượng con giống không đảm bảo làm giảm chất lượng đầu ra sản phẩm.

Để nhận rộng mô hình, theo ngành chức năng, địa phương cần mở rộng diện tích, chuyển đổi ao nuôi các loài cá không có giá trị kinh tế sang nuôi cá thát lát và quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ người nuôi, tạo điều kiện về mặt pháp lý để doanh nghiệp thu mua hợp tác sản xuất lâu dài để sản phẩm cá thát lát Tánh Linh ngày càng vươn xa. Ngoài việc quan tâm đến sự phát triển nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt trên địa bàn huyện, cần có cơ chế, chính sách quản lý để bảo vệ tài nguyên môi trường nước, bảo vệ nguồn lợi thủy sản của vùng. Tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế pháp lý để thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp thu mua, chế biến và có những chính sách hỗ trợ người nuôi trong việc vay vốn để họ mạnh dạn đầu tư sản xuất.

>> Những năm gần đây, Tánh Linh đã tập trung phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, chuyển đổi cơ cấu chủng loại giống thay thế đối tượng nuôi truyền thống; triển khai nhiều mô hình nuôi hiệu quả góp phần nâng sản lượng nuôi thủy sản nước ngọt đạt khoảng 1.500 tấn, ổn định sản lượng khai thác 300 tấn.


Related news

Nuôi tôm VietGAP chắc ăn Nuôi tôm VietGAP chắc ăn

Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Toàn Thắng ở ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Hiệp (Vĩnh Châu, Sóc Trăng) có 29 thành viên với 43 ha nuôi tôm đạt chứng nhận VietGAP

Monday. April 9th, 2018
Hệ thống lồng nuôi hiện đại tại Na Uy Hệ thống lồng nuôi hiện đại tại Na Uy

Akva Group là một trong những tập đoàn rất mạnh về ứng dụng công nghệ vào ngành thủy sản và rất nổi tiếng bởi các sáng tạo công nghệ.

Monday. April 9th, 2018
Triệu phú nuôi cá bè ở cù lao Thới Sơn Triệu phú nuôi cá bè ở cù lao Thới Sơn

Ông Huỳnh Văn Nhàn ở xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu của tỉnh Tiền Giang năm 2017.

Monday. April 9th, 2018